Cẩm Phả: Phát huy giá trị Cây Di sản, thu hút du lịch phát triển nhanh, bền vững

Thứ bảy, 06/04/2024 - 12:37

TNV - 16 cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh vừa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Hiện thành phố Cẩm Phả đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để bổ sung số cây cổ thụ còn lại được công nhận là Cây Di sản, nhằm phát huy giá trị của Cây Di sản thu hút du lịch phát triển nhanh, bền vững.

Cây đa trước cửa Chùa Cẩm Sơn Tự.

Theo đó, ngày 5/3/2024 vừa qua, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh – Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã ký Quyết định số 109/QĐ – HMTg công nhận 16 Cây Di sản Việt Nam nằm trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Cụ thể, gồm có: 02 cây đa, 09 cây nhãn, 01 cây long não - nằm trong khuôn viên Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên; và 03 cây thông nhựa, 01 cây trám trắng - nằm tại khuôn viên Miếu ba cây thông thôn Thác Bạc, xã Dương Huy.

Ông Đinh Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, xác nhận thông tin trên với ThanhnienViet.vn và cho biết đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận cây di sản đối với 05 cây đại cổ thụ nằm trong khuôn viên Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (thuộc phường Cẩm Tây) cũng như rà soát trên toàn thành phố để lập hồ sơ những cây có đủ điều kiện công nhận. 


Cây đa cạnh lăng mộ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng

Trong đó, theo tìm hiểu của ThanhnienViet.vn, trong số 16 Cây Di sản được công nhận thì có 12 Cây Di sản nằm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông – Cặp Tiên được đông đảo nhân dân địa phương và du khách biết đến nhiều hơn cả. Hiện 12 cây này đều có tuổi đời từ gần 100 tuổi đến hơn 200 tuổi với các thông số về chu vi, đường kính, chiều cao và phủ tán rất đáng để chiêm ngưỡng. Toàn bộ các cây trên đang sinh trưởng tốt, thế cây đứng thẳng.

Đáng chú ý, cây đa cạnh lăng mộ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, có hơn 200 năm tuổi; chu vi gốc (chưa tính rễ phụ): 3,7 m; đường kính tại vị trí 1,3m: 1,0 m; chiều cao vút ngọn: 20m; chiều cao dưới cành: 4m; đường kính tán: từ 25m.

Tiếp đến là 04 cây nhãn ở lối lên tượng đài Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, cạnh lầu chuông: Tuổi cây hơn 200 năm; chu vi gốc: 3,5 m; đường kính tại vị trí 1,3m: 1,1 m; chiều cao vút ngọn: 25m; chiều cao dưới cành: 10m; Đường kính tán: từ 20m.

Bên cạnh đó, là 01 cây đa trước cửa Chùa Cẩm Sơn Tự hơn 100 năm tuổi với chu vi gốc: 4,0 m; đường kính tại vị trí 1,3m: 1,3 m; chiều cao vút ngọn: 25m; chiều cao dưới cành: 7m; đường kính tán: từ 30m.

03 cây nhãn hơn 100 tuổi phía trước nhà sắp lễ Đền Thượng có chu vi gốc: 3,2 m; đường kính tại vị trí 1,1m: 0,9 m; chiều cao vút ngọn: 23m; chiều cao dưới cành: 10m; đường kính tán: từ 16m;

02 cây nhãn phía bên phải hậu cung Đền Thượng: Chu vi gốc: 3,0m; đường kính tại vị trí 1,0m: 0,8 m; chiều cao vút ngọn: 21m; chiều cao dưới cành: 8m; đường kính tán: từ 15m và tuổi cây: hơn 100 năm.

01 cây long não nằm gần khu tượng đài Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng: Khoảng gần 100 tuổi; chu vi gốc: từ 2,0 đến 2,8 m; đường kính tại vị trí 1,3m: từ 0,6m đến 0,8 m; chiều cao vút ngọn: từ 15 đến 20 m; chiều cao dưới cành: 5m; đường kính tán: từ 8m đến 10m. 

 Cây nhãn phía bên phải hậu cung Đền Thượng

Theo ông Bùi Xuân Hẹn -  Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên, việc công nhận cụm 02 cây Đa, 09 cây Nhãn và 01 cây Long Não là cây di sản Việt Nam sẽ góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật hiếm, tôn vinh giá trị nhân văn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, đồng thời góp phần xây dựng ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách.

Ngoài ra, ông Hẹn cũng kỳ vọng việc công nhận 02 cây Đa, 09 cây Nhãn và cụm 06 cây Long não là Cây di sản Việt Nam, sẽ tạo ra điểm nhấn thu hút các thế hệ người dân, cán bộ địa phương, học sinh, sinh viên, du khách thập phương tìm về với di tích Đền Cửa Ông, lễ hội đền Cửa Ông để học tập, nghiên cứu khoa học và du lịch tâm linh hướng về cội nguồn ngày càng đông đảo hơn. 

 Cây long não gần khu tượng đài Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng

Về phía 03 cây thông nhựa và 01 cây trám trắng, theo thông tin của UBND xã Dương Huy cho biết thì cả 04 cây này đều có tuổi đời trên 200 năm, hiện đang khỏe mạnh và sinh trưởng tốt và là “nhân chứng” gắn với các sự kiện lịch sử cũng như quá trình hình thành phát triển của thôn, của xã và sinh hoạt tín ngưỡng của địa phương.

Trong đó 03 cây thông có chu vi gốc từ 2,9m đến 3,0 m; đường kính gốc: 0,9m đến 1,1m; đường kính tại vị trí cao 1,3m: 0,8 m đến 0,9m; chiều cao vút ngọn: 23m đến 27m; chiều cao dưới cành: 17m đến 20m; đường kính tán: hướng (Đông Tây): 15m đến 20m, hướng (Nam Bắc) 17m đến 22m.

Riêng cây trám trắng có chu vi gốc (tính hết bộ rễ): 4,5 mét; đường kính gốc: 1,4m; đường kính tại vị trí 1.3 mét: 0,9 mét; chiều cao vút ngọn: 20 mét; chiều cao dưới cành: 3,5mét; đường kính tán: hướng (Đông Tây): 25m, hướng (Nam Bắc) 22m.

Được biết, cùng với Vườn Quốc gia Bái Tử Long thì thành phố Cẩm Phả là địa phương đầu tiên của tỉnh khẩn trương lập hồ sơ đề nghị công nhận Cây Di sản Việt Nam nhằm thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. (A5, A6)

Cây thông nhựa xã Dương Huy

: Cây trám trắng tại thôn Thác Bạc – Dương Huy

  Phạm Quỳnh