Cán bộ dân tộc Mường về hưu mở xưởng sản xuất miến dong đầu tiên ở huyện miền núi Phù Yên

Thứ bảy, 02/01/2021 - 07:30

TNV - Về hưu năm 2010, năm 2012 ông Đinh Văn Chức (dân tộc Mường) mở xưởng sản xuất bột dong và sắn cung cấp về xuôi, nhờ vậy ông đã nắm bắt được quy trình sản xuất miến và sức tiêu thụ của thị trường. Đến năm 2015, ông mạnh dạn mua máy, mở xưởng sản xuất miến dong, khép kín quy trình chế biến củ dong của địa phương và là cơ sở sản xuất miến dong đầu tiên của huyện miền núi Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Cuộc sống của gia đình đổi thay trông thấy

Ông Chức kể, ông sinh ra và lớn lên ở bản Bông, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, sau này di dân lòng hồ thủy điện về bản Chài, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên sinh sống. Học xong cấp 2 tại xã, ông được chọn cử học tập trung lớp T270 ở huyện Thuận Châu – Sơn La theo diện đào tạo con em các dân tộc của Nhà nước từ năm 1977 - 1980. Tốt nghiệp, ông được chọn học tiếp Đại học Nông nghiệp 3 Thái Nguyên. Ra trường năm 1986, khi đó là 27 tuổi, ông được phân công về phòng Nông nghiệp huyện Phù Yên công tác cho đến năm 1993 được điều động về Công ty cà phê Sơn La. Năm 2010, công ty cổ phần hóa, ông nghỉ hưu trước tuổi, về sống cùng gia đình sau 17 năm xa cách.

Ông Chức (đội mũ) thăm cửa hàng tiêu thụ sản phẩm miến dong

“Thấy mình còn sung sức, gia đình 3 người con cũng chưa có việc gì làm thêm những lúc nông nhàn, nguồn nguyên liệu ở địa phương lại dồi dào, năm 2012 tôi quyết định đầu tư dây chuyền xay sát, xây bể lắng – lọc, thu mua nguyên liệu củ dong và sắn của bà con sản xuất bột bán về xuôi, để phát triển kinh tế cải thiện đời sống gia đình”, ông Chức nhớ lại.

Mấy năm trời về xuôi giao dịch bán bột cho các cở sở làm miến, ông đã nắm được quy trình sản xuất miến và tiềm năng của nghề làm miến. Đến năm 2015, ông quyết định sang Yên Bái mua máy ép công suất nhỏ về sản xuất miến, năm 2027, mua tiếp dây chuyền làm miến có công suất và trị giá gấp 3 lần máy trước, khép kín quy trình sản xuất củ dong giềng của địa phương. Từ đó đến nay, do quen thị trường và chất lượng miến làm ra đảm bảo, sản lượng miến của gia đình ông làm ra tăng dần qua từng năm, vươn tới nhiều tỉnh thành mới.

Anh Nhân kiểm tra chất lượng bột dong củ

Ông Chức phấn khởi nói, từ năm 2012 – 2015, nguyên liều dồi dào nên bình quân mỗi năm gia đình sản xuất được 200 tấn bột dong và khoản 80 tấn bột sắn bán về xuôi. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình ông đổi thay trông thấy, năm 2015 ông bỏ ra 1,3 tỷ xây ngôi nhà mới với nhiều tiện nghi hiện đại, đắt tiền. Thăm ngôi nhà được kiến trúc bề thế mang dáng dấp biệt thự, có nhiều phòng, nhiều đồ gỗ nội thất sang trọng, mọi người dễ nhận ra mức thu nhập cao của gia đình ông với nguồn thu chính từ sản xuất bột và làm miến.

Giọng chùng hẳn xuống, ông Chức giãi bày: Do làm bột sắn hiệu quả không cao, nên từ năm 2017, gia đình đã ngừng sản xuất, chỉ tập trung vào sản xuất bột dong và làm miến. Nhưng mấy năm nay, nguồn nguyên liệu giảm đáng kể bởi bà con giảm diện tích trồng dong, làm cho sản lượng bột dong hàng năm của gia đình sụt giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 80 tấn/năm, bằng non nửa so với trước.

Hệ thống sàng rửa, xay sát dong củ

Đưa miến dong thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Được biết, hơn một năm nay, ông Chức đã giao hẳn công việc điều hành sản xuất, hạch toán thu chi cho vợ chồng người con trai lớn, ông chỉ phụ trông nom khi con đi vắng. Còn gia đình con gái cả và con trai út, đều được ông hỗ trợ và đã có điều kiện làm ăn riêng thu nhập ổn định, chỉ tham gia thêm phần nào ở mảng tiêu thụ sản phẩm.

Lao động địa phương làm việc khu bể lọc - lắng bột

Theo chân anh Đinh Văn Nhân (con trai lớn của vợ chồng ông Chức) đi thăm toàn bộ cơ sản xuất: dây chuyền tự động rửa và xay sát dong củ; khu bể lắng – lọc; khu đảo nấu bột sản xuất thành sợi và phơi miến; kho chứa miến thành phẩm và khu đóng gói… Tất cả hơn chục người là lao động địa phương, đều hối hả làm công việc được giao khoán một cách thành thạo.

Nhiều người như anh Đinh Văn Thụ, Phùng Văn Toàn, Đinh Văn Mừng (dân tộc Mường)… đã gắn bó với cơ sở sản xuất từ 5-7 năm nay; chàng thanh niên Thào A Páo (dân tộc Mông) ở tít trên núi cao bản Núi Hồng cùng xã cũng đã đến làm công việc đánh bột đóng bao ở đây được 5-6 vụ. Đặc biệt, đối với anh Phùng Văn Toản (38 tuổi), đây là nơi cho anh việc làm và nguồn thu nhập chính, để hộ nghèo như gia đình anh cũng có khoản thu ổn định 5 năm nay nuôi vợ và 2 con đi học.

: Đây là công việc hàng ngày cho anh Toản nguồn thu nhập chính

Anh Nhân chia sẻ, miến dong Nhân Đức do gia đình làm ra hoàn toàn từ dong củ truyền thống, trước đây đói kém bà con vẫn dùng để ăn nay trồng để chăn nuôi và bán cải thiện thu nhập, do vậy sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và có nhiều tiềm năng phát triển. Hiện gia đình anh đang được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tích cực hỗ trợ xây dựng sản phẩm miến dong Nhân Đức trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, đồng thời thành lập hợp tác xã để liên kết bà con ổn định vùng nguyên liệu, mở rộng chế biến và tiêu thụ sản phẩm./.

Đánh bột, đổ khuôn máy, ép thành sợi miến

Buộc miến thành con

Đây là công việc hàng ngày cho anh Toản nguồn thu nhập chính

Đóng gói chuyển hàng cho khách

Miến dong Nhân Đức được làm hoàn toàn từ dong củ truyền thống nên có đặc điểm dai, mềm, nấu kỹ không nát, ăn có vị thơm.

Bài, ảnh: Phạm Quỳnh