Cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Lục quân nguyện phấn đấu học tập, noi theo gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ sáu, 20/08/2021 - 08:15

Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò xuất sắc và gần gũi của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Những giá trị nhân văn từ nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ... ở Đại tướng có sức ảnh hưởng to lớn, lan tỏa sâu rộng đối với toàn lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Đối với mỗi cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Lục quân, việc tiếp nhận, phấn đấu học tập, noi theo gương Đại tướng là niềm vinh dự, tự hào, là tình cảm và trách nhiệm lớn lao.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở lại thăm Điện Biên Phủ tháng 4-1994 - Ảnh: Catherine karnow

Là một trong những học trò xuất sắc, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất, mà còn là nhà văn hóa, nhà hoạt động chính trị, xã hội, ngoại giao có uy tín; nhà lãnh đạo tiền bối văn võ song toàn của Đảng ta. Tài năng quân sự và đạo đức cách mạng trong sáng, thủy chung của Đại tướng đã qua thử thách khắc nghiệt của thời gian và lịch sử đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, ngày càng chói sáng, dành trọn niềm tin yêu của Đảng, của các thế hệ bộ đội và nhân dân.

Là Tổng Tư lệnh, ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi điều kiện hoàn cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “nhân dân là cội nguồn sức mạnh giữ nước” và đặc biệt quan tâm giáo dục, giác ngộ bản chất giai cấp công nhân cho quân đội, bảo đảm quân đội ta luôn trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, vì nhân dân mà chiến đấu, hy sinh.

Đại tướng là biểu tượng của một nhân cách mẫu mực, một vị tướng cầm quân đánh giặc với khát khao cháy bỏng, mong muốn tột bậc là hòa bình và hạnh phúc của nhân dân. Nhận thức sâu sắc về vai trò của quần chúng nhân dân đã được ông tổng kết, khái quát thành tư duy chiến lược về chiến tranh nhân dân với sự kế thừa những tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam trong lịch sử và phát triển lên tầm cao mới. Đại tướng luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, mà ở đó là sự hội tụ lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, sức mạnh đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử và được nhân lên gấp bội trong chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhân văn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là lẽ sống, là đạo đức của người cộng sản kiên trung, mẫu mực; là lương tri, lẽ phải, tình yêu thương con người; là sự kiên trì, nhẫn nại, điềm tĩnh, trí tuệ, khả năng tư duy và tầm nhìn uyên bác khi đánh giá về thế trận quân sự và ngoại giao để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất, hợp lý nhất. Đối với cấp dưới và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, Đại tướng vừa nghiêm khắc, vừa bao dung, độ lượng, hết lòng yêu thương, sống chan hòa, gắn bó, gần gũi. Nhân văn ở ông còn là sự khiêm nhường trong ứng xử, quan hệ với tập thể, với đồng chí, đồng đội. Đại tướng luôn tâm niệm, dù cá nhân có tài giỏi đến đâu, nhưng nếu không có một tập thể lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, không có một dân tộc anh hùng và một quân đội anh hùng thì cũng không thể làm nên một công lao, thành tích nào. Ông nói: “chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ, còn bất kỳ vị tướng nào dù có công lao đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Đại tướng đầu tiên và Tổng Tư lệnh duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng đã trực tiếp chỉ huy quân đội lập nên những chiến công đầu tiên ở Phai Khắt, Nà Ngần đến Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975 toàn thắng, thống nhất đất nước. Nhưng trên tất cả những chiến công huy hoàng và tài năng quân sự đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biểu tượng sáng ngời của đạo đức cách mạng với phẩm chất tiêu biểu “dĩ công vi thượng”. Đại tướng từng khẳng định: “Làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng, nghĩa là việc dân, việc Đảng đặt lên trên hết, không nghĩ đến cá nhân. Điều tâm đắc đó đã trở thành máu thịt trong tôi”. Một nhà đạo diễn người Pháp Danisel Rousel - nguyên phóng viên thường trú báo tại Việt Nam những năm 1980 đã viết “Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thọai sống ở Việt Nam. Ông được công nhận là một trong các nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược về chiến tranh nhân dân”, thời báo Châu á (Time Asia) đã viết: Võ Nguyên Giáp là vị Tướng tài ba, người lính số một của dân tộc Việt Nam.

Khi nhắc đến các chiến công, Đại tướng không bao giờ nói về công lao, dấu ấn của riêng mình, mà luôn nhắc đến vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Bác Hồ, của Quân ủy Trung ương, coi đó là nhân tố bảo đảm hàng đầu cho chiến thắng. Trong vai trò tổng chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy nhiều chiến dịch quan trọng, như Chiến dịch Biên Giới 1950, Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954… được toàn quyền quyết định mọi vấn đề, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tranh thủ tối đa trí tuệ tập thể để đưa ra các quyết định lịch sử. Đại tướng luôn mang hết tâm trí, đào sâu suy nghĩ và chủ động đề xuất với tập thể lãnh đạo từng chủ trương chiến lược, khi đã được sự quyết nghị của tập thể, thì mang hết tài năng, trí tuệ; chủ động, sáng tạo tìm mọi biện pháp để chủ trương đó được thực hiện với kết quả cao nhất. Tinh thần “dĩ công vi thượng” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự là tấm gương sáng trong xây dựng tổ chức đảng, xây dựng quân đội cách mạng.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng bền bỉ, dẻo dai, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, của Bác Hồ theo học thuyết Mác - Lênin và văn hóa dân tộc Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thật sự là tấm gương tiêu biểu xuất sắc về nhân cách, tư cách làm người cho mọi thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo. Ông thanh thản bước vào cõi vĩnh hằng cùng với các bậc tiền bối đã có công sáng lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng tư tưởng, tình cảm và những cống hiến vĩ đại của Ông vẫn còn sống mãi với non sông đất nước, dân tộc Việt Nam.

Thượng tướng Trần Văn Trà từng đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy”, “là một Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”. Tình thương yêu đồng chí, đồng đội là phẩm chất nổi trội xuyên suốt trong suốt cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng. Trong mọi quyết định, mệnh lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn giữ vững quan điểm cốt tử là quyết tâm giành chiến thắng, nhưng phải hạn chế thấp nhất sự hy sinh xương máu của bộ đội. Chính tinh thần kiên nhẫn và kiên quyết bảo vệ quan điểm đó càng làm cho Đại tướng xứng đáng với tên gọi Anh Cả của toàn quân.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021). Trên mọi miền Tổ quốc, các hoạt động tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhân dân, không phân biệt các giai tầng, thế hệ… trong toàn xã hội đang diễn ra sâu rộng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp không chỉ là người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, mà thực sự là “Đại tướng của nhân dân”, “cây đại thụ rợp bóng nhân văn” trong dòng chảy trường tồn của đất nước.

Với lòng kính trọng và ngưỡng mộ của các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” dành cho Đại tướng, đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Lục quân nguyệnnỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhất những huấn thị và mong mỏi của Đại tướng dành cho quân đội, quyết tâm xây dựng Học viện chính quy, mẫu mực; xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, giao phó, đặc biệt là nhiệm vụ chống “giặc covid-19” hiện nay. Trong đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là , không ngừng học tập, phấn đấu, tu dưỡng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội. Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Học viện, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới, đòi hỏi quân nhânHọc viện phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; xác định rõ mục tiêu chiến đấu, đối tượng, đối tác cách mạng, không hoang mang, dao động trước những khó khăn, thách thức... Trong bất luận hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ luôn là lực lượng xung kích, tiên phong, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, vất vả nhất, ở nơi khắc nghiệt, nguy hiểm nhất; xông pha vào “tâm bão”, “rốn lũ”, “biển lửa”, “tâm dịch”... để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Đồng thời, mỗi cán bộ, giảng viên, học viện, chiến sĩ Học viện chủ động đẩy mạnh đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; bác bỏ có cơ sở khoa học, có sức thuyết phục những luận điệu tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch, đi đôi với khẳng định tính khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của cách mạng và công cuộc đổi mới.Qua đó làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hiểu rõ bản chất, âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân đội với nhân dân; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội hòng “phi chính trị hóa” quân độicủa các thế lực thù địch; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng và giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội.

Hai là , không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, cộng đồng, trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân. Noi theo gương Đại tướng, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện phải thường xuyên gương mẫu, tu dưỡng, rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của người quân nhân cách mạng. Đề cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, nói đi đôi với làm để cấp dưới học tập, noi theo. Cán bộ cương vị càng cao càng phải gương mẫu và thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết chống mọi biểu hiện suy thoái, tham ô, tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời, phải tích cực, tự giác nghiên cứu, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kiến thức cơ bản về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giao tiếp... tạo sự chuyển biến toàn diện, đồng bộ, vững chắc về nhận thức, niềm tin, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của bản thân và cơ quan, đơn vị.

Ba là , thực hiện có hiệu quả các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tấm gương đạo đức của Đại tướngVõ Nguyên Giáp là niềm tự hào, cổ vũ, động viên cán bộ, giảng viên, học viên Học viện trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi quân nhân phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng và thực hiện đầy đủ các nội dung Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì theo phương châm: Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo để tạo sự đoàn kết, thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng cơ quan, đơn vị của Học viện.

Học tập và noi theo gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi cán bộ, giảng viên, học viện Học viện Lục quâncần nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Lục quân lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, góp phần xây dựng Học viện, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Duy  (Khoa MLN, TTHCM/Học viện Lục quân)