TNV - Trong các số báo 1169 (ngày 29-3) và 1172 (ngày 8-4), Thời Nay đã có các bài viết “Cuộc chơi dành cho doanh nghiệp nhập khẩu mía đường” và “Người trồng mía kêu cứu”, phản ánh việc một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách ồ ạt nhập khẩu đường và việc chậm áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp giá đường mía nhập khẩu từ Thái-lan có nguy cơ gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Trước thực trạng này, một vấn đề đặt ra là một số DN đang được nhập khẩu đường giá rẻ nhưng người tiêu dùng lại phải “ngậm đắng” khi giá đường mía cao một cách bất thường (?).
Nghịch cảnh mía - đường
Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam, tính đến hết ngày 31-3-2021 phần lớn các nhà máy đường trong nước đã hoàn thành vụ mía 2020 - 2021, còn vài nhà máy tiếp tục sản xuất sang tháng 4-2021. Lũy kế đến cuối tháng 3-2021 toàn ngành đã ép được 5.806.741 tấn mía, sản xuất được 611.767 tấn đường. So sánh cùng kỳ vụ 2019 - 2020, sản lượng ép đạt 76,6% và sản lượng đường đạt 84,6%. Ước tính, sản lượng đường của vụ 2020 - 2021 khoảng 700.000 tấn, thấp hơn vụ trước. Hiệp hội mía đường cho rằng: Số liệu sản xuất vừa nêu đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu trước lượng đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu trong nhiều năm liên tiếp.
Thực tế, sản lượng ngành mía đường có dấu hiệu sụt giảm từ niên vụ 2017 - 2018. Những niên vụ 2016 - 2017, 2017 - 2018 diện tích mía luôn đạt khoảng hơn 255 nghìn ha, năng suất trung bình hơn 60 tấn/ha. Theo đó, sản lượng mía đạt khoảng 15,5 triệu tấn và sản lượng đường đạt gần 1,5 triệu tấn/năm, giá mía trung bình từ 830 nghìn đồng/tấn đến hơn 1,1 triệu đồng/tấn (mía mua tại ruộng). Thế nhưng diện tích mía, sản lượng đường sản xuất trong nước giảm dần, đồng thời giá mía các nhà máy thu mua cho người nông dân cũng không tăng. Cụ thể, niên vụ 2018 - 2019 sản lượng mía chỉ đạt khoảng 12 triệu tấn và sản lượng đường sản xuất đạt khoảng 1,2 triệu tấn; niên vụ 2019 - 2020 diện tích mía trên toàn quốc giảm sút nghiêm trọng khi chỉ còn hơn 150 nghìn ha, đạt khoảng 7,5 triệu tấn mía với sản lượng đường sản xuất chỉ đạt khoảng 750 nghìn tấn.
Sản lượng mía và lượng đường sản xuất trong nước đã giảm thấp nhất trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhưng nghịch cảnh là giá thu mua mía nguyên liệu không tăng mà có thời điểm còn giảm sâu. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước luôn có xu hướng tăng. Như các niên vụ 2017 - 2018, 2018 - 2019 và 2019 - 2020, vào đầu vụ giá mía nhiều nhà máy thu mua chỉ khoảng 700 đến 750 nghìn đồng/tấn. Ngay như tại Tây Ninh, vùng nguyên liệu chính của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) và được coi là “thủ phủ” của cây mía, mặc dù nhà máy đã ký hợp đồng thu mua với người trồng mía ở mức giá bảo hiểm thấp nhất là 900 nghìn đồng/tấn nhưng vào vụ cũng chỉ thu mua với giá 700 nghìn đồng/tấn (mua mía tại ruộng). Với giá mía này, nhiều hộ trồng mía thua lỗ nặng dẫn đến tình trạng phá sản. Riêng niên vụ 2020 - 2021, giá thu mua mía trong nước có tăng, ở đầu vụ được các nhà máy ký kết mua khoảng 850 nghìn đồng/tấn và ở thời điểm hiện tại khoảng 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân được xác định là diện tích, sản lượng mía trong nước quá thấp, cùng với đó là giá đường thế giới tăng nên giá thu mua mía trong nước tăng theo.
Người trồng mía thua lỗ dẫn đến phá sản hoặc phá bỏ mía đi trồng cây khác nhưng ở chiều ngược lại người tiêu dùng trong nước đang phải mua đường với giá cao một cách bất thường. Theo khảo sát của chúng tôi vào thời điểm giữa tháng 4-2021, tại các siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như Co.op Food, Co.op Mart, Vinmart, Circle... giá bán của các loại đường trắng, đường tinh luyện thấp nhất từ 22 nghìn đến 25 nghìn đồng/kg. Mức giá cao nhất thuộc về các sản phẩm đường mía của TTC Sugar tại một số siêu thị được bán với giá thấp nhất hơn 25 nghìn đồng/kg và cao nhất lên đến 36 nghìn đồng/kg.
Trong khi đó, với giá mía thu mua vụ 2020 - 2021 đầu vụ khoảng 900 nghìn đồng/tấn và thời điểm cao nhất khoảng 1,2 triệu đồng/tấn cộng với chi phí sản xuất khoảng 200 nghìn đồng/tấn thì giá đường chỉ khoảng 14 đến 15 triệu đồng/tấn. Tương tự, giá đường tinh luyện nhập từ Thái-lan trong tháng 3-2021 ở ngưỡng trên dưới 450 USD/tấn (khoảng 10,3 triệu đồng/tấn) và nếu như áp dụng mức thuế chống bán giá và chống trợ cấp theo Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 16-2-2021 thì giá đường cũng chỉ ở ngưỡng 15 đến 16 triệu đồng/tấn, tương đương mức giá đường khoảng 16 nghìn đồng/kg. Vậy vì sao người tiêu dùng trong nước phải “chịu đắng” khi giá đường cao một cách bất thường, với mức chênh lệch lên đến hàng chục nghìn đồng/kg. Như vậy, phải chăng trên thị trường trong nước mặt hàng này đang bị “làm giá”(?).
Băn khoăn về giá đường nhập khẩu
Trước những diễn biến của thị trường đường trong nước, nhiều chuyên gia mía đường đang đặt ra vấn đề: Phải chăng việc các DN ồ ạt nhập khẩu đường trong thời gian gần đây đã “ép chết” vùng nguyên liệu, người trồng mía trong nước, khiến người tiêu dùng phải mua đường giá cao (?).
Thực tế, năm 2020 với số lượng đường đã nhập 1,33 triệu tấn cộng với tổng sản lượng đường sản xuất trong nước khoảng 700 nghìn tấn thì cả nước đã có gần 2,1 triệu tấn đường. Trong hai tháng đầu năm (tháng 1 và 2-2021) đã có 284.391 tấn đường được nhập khẩu, đồng thời đang là thời điểm thu hoạch mía niên vụ 2020 - 2021, cộng thêm lượng đường mía từ Lào, Campuchia nhập lậu qua các đường biên, cửa khẩu tại khu vực miền trung - Tây Nguyên và khu vực Tây Nam Bộ... thì trên thị trường không thể xảy ra tình trạng thiếu đường. Ngoài ra, trong năm 2020 đã có một lượng lớn đường lỏng nhập vào thị trường Việt Nam phục vụ sản xuất công nghiệp, thực phẩm, nước giải khát... Theo tính toán, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước chỉ khoảng 17 đến 18 kg/người/năm, tương đương lượng đường sử dụng khoảng 1,7 triệu tấn/năm.
Với việc các DN trong nước đẩy mạnh nhập khẩu đường mía, nhiều chuyên gia mía đường cho rằng được bắt nguồn từ Thông tư số 39/2018/TT-BCT ngày 20-4-2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25-3-2015 của Bộ trưởng Tài chính quy định về thủ tục hải quan kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng xuất khẩu. Trong đó, đối với các loại hàng hóa do các DN trong nước nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu Thông tư 39/2018/TT-BCT đã không đề cập đến quy định tại Điều 42 của Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định về hướng dẫn thực hiện nộp thuế và xuất hàng 275 ngày. Kể từ khi Thông tư số 39/TT-BCT ra đời đã xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có mặt hàng đường mía nhập khẩu. Trước đây, theo quy định của Luật Thuế thì việc DN nhập khẩu hàng hóa để phục vụ sản xuất xuất khẩu được quy định mức thuế tạm tính lên đến 85% và thời gian hàng nhập về sản xuất và buộc phải xuất khẩu trong vòng 275 ngày mới được hoàn lại thuế tạm thu.
Lợi dụng kẽ hở của Thông tư 39/TT-BCT, nhiều DN sản xuất mía đường trong nước đã ồ ạt nhập khẩu đường mía và không tập trung cho vùng nguyên liệu, ép giá người trồng mía và dần loại người trồng mía ra khỏi “cuộc chơi”. Trong vòng chỉ gần ba năm kể từ khi có Thông tư 39/TT-BCT thì Việt Nam từ một nước gần như chủ động được nguồn nguyên liệu mía, đáp ứng nhu cầu đường trong nước với lượng đường sản xuất hơn 1,5 triệu tấn/năm (nhờ vào chương trình một triệu tấn đường từ đầu những năm 2000 của Chính phủ đề ra) thì đến nay chương trình này dường như đã bị phá sản, người tiêu dùng đang phải sử dụng đường nhập khẩu giá cao, trong khi giá đường lại phụ thuộc vào hoạt động của DN nhập khẩu đường.
Một trong những điển hình của việc nhập khẩu đường và phá vỡ vùng nguyên liệu trong nước nằm ở ngay chính các DN có số lượng đường nhập khẩu lớn nhất. Cụ thể, TTC Sugar kể từ năm 2018, 2019 đã bắt đầu đẩy mạnh nhập khẩu đường và ngay lập tức phá vỡ hợp đồng với người trồng mía Tây Ninh. Vào các niên vụ 2016 - 2017, 2017 - 2018 TTC Sugar đã ký hợp đồng với hàng loạt nông dân trồng mía với giá (bảo hiểm) thấp nhất là 900 nghìn đồng/tấn mía nhưng vào vụ 2018 - 2019 chỉ mua với giá 700 đến 750 nghìn đồng/tấn làm cho người trồng mía thua lỗ, phá sản hàng loạt. Từ một vùng đất “thủ phủ” mía (có thời điểm lên đến 40 nghìn ha) của cả nước thì vụ mía 2020 - 2021 Nhà máy TTC Sugar chỉ ký hợp đồng bao tiêu trên địa bàn Tây Ninh được khoảng 6.000 ha (có khoảng 2.300 ha của người dân, còn lại là các nông trường và đất nhà máy ký kết với địa phương lân cận). Hay như Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsuger), có nhà máy công suất lên đến 10 nghìn tấn mía/ngày nhưng trong những năm gần đây lượng mía nguyên liệu liên tục giảm và đến niên vụ 2019 - 2020 lượng mía nguyên liệu chỉ còn đáp ứng được 20% công suất thiết kế nhà máy.
Trước tình hình trên, có thể thấy rõ một thực trạng là việc các DN nhập khẩu đang quyết định tới giá đường và vùng nguyên liệu mía trong nước đứng trước nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn, người trồng mía mất phương hướng là hệ quả đáng lo ngại. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp về chính sách cho nhập khẩu đường mía.
Bài & ảnh: VIẾT ĐOÀN, CHÍ KIÊN, DUY TÂN