
Lực lượng chức năng đang trục vớt tàu QN-7105 Vịnh Xanh 58 gặp nạn trên vịnh Hạ Long
Trong những thời khắc đẫm nước mắt như vậy, phần đông người dân đã gửi lời chia buồn, thể hiện tinh thần nhân ái, đoàn kết vốn là nét đẹp của cộng đồng Việt. Thế nhưng, đáng tiếc thay, xen lẫn trong đó vẫn có không ít lời lẽ vô cảm, thậm chí tàn nhẫn, xuất hiện trên mạng xã hội.
Không khó để bắt gặp những dòng bình luận trách móc người đã khuất: “Biết bão mà vẫn đi!”, “Ham chơi thì ráng chịu!”, “Chủ tàu tham tiền nên mạng người mới như rác!”… Có người còn quay video, dựng chuyện, thêm thắt thông tin chưa được kiểm chứng, hoặc dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo hình ảnh tưởng niệm sai sự thật nhằm câu tương tác, đánh đổi sự thật và nỗi đau của người khác lấy lượt xem, lượt thích.
Tất cả những hành vi đó, dù được ngụy trang bằng danh nghĩa “phân tích nguyên nhân”, “cảnh tỉnh cộng đồng”, thực chất là biểu hiện của sự lạnh lùng, thiếu nhân tính. Không chỉ làm tổn thương sâu sắc những gia đình đang oằn mình vì mất mát, chúng còn gieo rắc sự hoài nghi, đánh lạc hướng dư luận, gây khó khăn cho công tác điều tra và hỗ trợ sau tai nạn.
Chúng ta không phủ nhận rằng cần làm rõ nguyên nhân vụ việc, truy cứu trách nhiệm cụ thể nếu có sai phạm – và chắc chắn, điều đó sẽ được các cơ quan chức năng thực hiện minh bạch, khách quan, theo đúng trình tự pháp luật. Nhưng đó là việc của các cơ quan chuyên trách. Còn mỗi công dân, nhất là trên không gian mạng, cần ứng xử có đạo đức hơn, nhân văn hơn. Nếu không thể sẻ chia, hãy giữ im lặng. Nếu muốn lên tiếng, hãy lan tỏa thông điệp tích cực, đóng góp giải pháp thay vì gieo rắc phán xét.
Cơn dông xảy ra bất ngờ, nhanh và gần như không có cảnh báo kịp thời – theo nhận định ban đầu từ cơ quan khí tượng. Trong số những người tử nạn có cả thuyền trưởng kiêm chủ tàu. Vậy thì không thể quy chụp là họ “cẩu thả” hay “coi thường mạng người”. Đừng biến nỗi đau của người khác thành sân khấu cho sự giận dữ thiếu kiểm soát hay đạo đức giả của chính mình.
Thảm kịch này còn là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho việc sử dụng mạng xã hội hiện nay. Một bộ phận người dùng đang đánh mất ranh giới giữa quyền tự do ngôn luận và trách nhiệm đạo đức. Khi công nghệ cho phép mỗi người trở thành một “nhà báo tự phát”, thì hơn lúc nào hết, mỗi dòng trạng thái, mỗi nút chia sẻ cần được cân nhắc bằng cả trí tuệ và trái tim.
Tai nạn là điều không ai mong muốn. Nhưng cách chúng ta phản ứng với tai nạn sẽ thể hiện tầm vóc đạo đức của một cộng đồng. Một xã hội văn minh không nằm ở việc ai nói nhanh hơn, đổ lỗi giỏi hơn – mà nằm ở chỗ biết nâng đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, biết yêu thương cả những người không quen biết.
Chuyến tàu lẽ ra mang lại niềm vui, lại trở thành chuyến đi định mệnh của hàng chục con người. Họ không cần những lời lên án muộn màng. Họ cần được tưởng nhớ bằng lòng trắc ẩn và những cam kết cụ thể để tương lai không còn lặp lại những thảm kịch tương tự.
Nếu có điều gì cần nói sau những mất mát này, thì đó là: hãy sống tử tế hơn – cả trong đời thực lẫn trên không gian mạng.
Ngô Quảng