Cần làm gì để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ tại các đô thị?

Thứ năm, 07/03/2024 - 17:16

Các thành phố, nơi tập trung hơn một nửa dân số thế giới, đang phải đối mặt với một thực trạng ngày càng nan giải: Không có đủ nhà ở vừa túi tiền với người dân.

https://thanhnienviet.mediacdn.vn/hubfs/How is Technology Helping Deal With the Global Housing Crisis_.png

Nhà ở tại hầu hết các đô thị lớn trên thế giới hiện được coi là nằm ngoài tầm với của người lao động bình thường. Sở hữu nhà ở đang dần trở thành một đặc quyền của tầng lớp giàu có, làm những người nghèo ngày càng kiệt quệ thêm và gia tăng bất bình đẳng trong xã hội.

Trước thực trạng trên, có rất nhiều câu hỏi hóc búa được đặt ra, như: Liệu các căn hộ sang trọng và mới tinh ở London – nhiều trong số đó thuộc sở hữu của người nước ngoài – có nên bị bỏ trống trong khi hàng nghìn người dân phải xếp hàng chờ đợi để được mua nhà giá rẻ? Hay, nếu những người di cư đến Bắc Kinh để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn phải sống trong những ngôi nhà xây dựng trái phép hoặc quá cũ nát, họ sẽ ở đâu khi những nơi này bị phá bỏ?

Có lẽ hệ quả tồi tệ nhất của tình trạng thiếu nhà ở giá rẻ sẽ diễn ra trong tương lai gần, khi tỷ lệ dân số thế giới sống ở các đô thị đạt 68% vào năm 2050, tăng từ mức 55% hiện nay.

Nỗ lực từ các bên

Theo nghiên cứu hàng năm của công ty Demographia, giá cả tăng đã khiến nhà ở tại 58% số thành phố lớn trên thế giới trở nên quá đắt đỏ so với hơn 2 năm trước đây. Tức là, người dân phải mất hơn 4,1 lần thu nhập trung bình hàng năm để mua một căn nhà có giá trung bình.

Một căn hộ điển hình ở Hồng Kông hiện có giá 7,2 triệu đô la Hồng Kông, giá nhà cao là một phần nguyên nhân làm bùng lên các cuộc biểu tình chính trị. Các điểm nóng về nhà ở khác bao gồm Berlin, nơi chính phủ buộc phải tiến hành một chiến dịch quốc hữu hóa nhà ở để giữ nguyên giá thuê, vốn đã quá đắt đỏ với người dân, trong vòng 5 năm tiếp theo.

Vancouver là thành phố đầu tiên tại Bắc Mỹ áp thuế đối với nhà bỏ trống. Trong khi đó, các thành phố từ New Orleans đến Athens đang phải vật lộn với những hệ quả từ việc cho thuê nhà kiểu Airbnb, khi người dân dành hàng nghìn căn hộ phục vụ khách du lịch.

Năm 2019, thành phố New York đã phải triển khai các biện pháp bảo vệ người thuê nhà sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ, gồm giới hạn mức tăng tiền thuê nhà và loại bỏ các kẽ hở về mặt luật pháp. Động thái này được đưa ra sau khi các nhóm cộng đồng phản đối kế hoạch mở rộng của Amazon do lo ngại người dân sẽ bị đẩy ra khỏi thành phố.

Nhiều chính phủ cũng đã cam kết đẩy mạnh xây dựng thêm nhà ở mới. Ấn Độ đặt mục tiêu hoàn thiện hơn 40 triệu ngôi nhà vào năm 2022. Các công ty lớn cũng đã hưởng ứng các hành động này. Google đã cam kết chi 1 tỷ USD để giúp xây dựng 15.000 ngôi nhà ở bang California. Tuy nhiên, mức xây mới này vẫn thấp đáng kể do California thường thiếu tới 180.000 căn nhà mỗi năm.

Thực trạng vẫn nan giải

Vào thế kỷ 19, những người nông dân đổ xô đến các thành phố lớn trên khắp thế giới và sống chen chúc trong những khu nhà tồi tàn gần các nhà máy. Còn giờ đây, các công ty công nghệ, chăm sóc sức khỏe và tài chính đang thu hút đông đảo giới giàu có, họ sống trong những khu dân cư hiền hòa, cao cấp và nằm gần các tuyến giao thông công cộng. Điểm không ổn ở đây là, các khu dân cư trên đang thay thế những căn nhà với giá cả phải chăng dành cho giáo viên, y tá, lính cứu hỏa, nhân viên dọn dẹp văn phòng và người lao động trong các ngành thiết yếu khác, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt hơn về nhà ở còn đến từ các nhà đầu tư tổ chức và quốc tế, những người đã đổ tiền vào bất động sản sau một thập kỷ lãi suất thấp làm giảm lợi nhuận từ các tài sản khác.

Nguồn cung nhà ở đang không theo kịp nhu cầu. Kể từ những năm 1980, Mỹ và Anh đã giảm đầu tư vào nhà ở do nhà nước tài trợ. Các chính phủ trên phần lớn đã chấm dứt việc xây dựng nhà ở công cộng và thay vào đó, họ khuyến khích các tổ chức phi lợi nhuận và công ty tư nhân phát triển nhà ở bằng trợ cấp hoặc ưu đãi thuế.

Nhiều thành phố bắt đầu yêu cầu các nhà phát triển nhà hạng sang phải dành một phần nhỏ căn hộ cho người mua hoặc người thuê có thu nhập thấp hơn. Nhưng điều này vẫn chưa đủ. Tại Mỹ, số lượng căn hộ cho thuê giá rẻ đã giảm 4 triệu căn kể từ năm 2011, và khoảng 47% người thuê nhà chi hơn 30% thu nhập cho nhà ở. Điều này đã góp phần làm gia tăng tình trạng vô gia cư ở một số thành phố giàu có nhất nước Mỹ.

Giải pháp là gì?

Những người chỉ trích việc kiểm soát tiền thuê nhà cho rằng đây là một giải pháp thô thiển và có thể phản tác dụng, bởi chúng làm yếu đi hoạt động đầu tư và khiến các tòa nhà rơi vào tình trạng hư hỏng, từ đó khiến số lượng căn hộ giá rẻ càng giảm.

Nhưng những người ủng hộ lại cho rằng kiểm soát giá thuê có thể giữ cho các khu dân cư ổn định và làm chậm tốc độ đô thị hóa. Các nhà phát triển tư nhân thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung phát triển các căn hộ đắt tiền vì nhân công, vật liệu và đặc biệt là đất đai đã trở nên quá đắt đỏ. Tại Mỹ, các nhà đầu tư khuyến nghị chính quyền địa phương nên hỗ trợ họ bằng cách nới lỏng các quy định về quy hoạch và xây dựng,

Một giải pháp gây tranh cãi khác đang nhận được nhiều ủng hộ là áp đặt mật độ dân số cao tại các khu dân cư, một cách thức đã được các nhà quy hoạch đô thị ưa thích sử dụng suốt nhiều năm qua.

Năm 2018, Minneapolis đã trở thành một trong những thành phố đầu tiên và lớn nhất ở Hoa Kỳ chấm dứt việc quy hoạch dành cho nhà ở đơn lẻ, điều đó có nghĩa là các nhà phát triển sẽ có thể xây nhà cho hai hoặc ba gia đình trên mỗi lô đất được giao.

Tuy nhiên, giải pháp này có thể đi kèm với các thách thức về hạ tầng và tiện ích, vốn vẫn là điểm nghẽn tại các thành phố của các quốc gia đang phát triển như châu Á. Để thực hiện hiệu quả giải pháp này, chắc chắn các bên liên quan gồm chính phủ, nhà phát triển, các nhà quy hoạch và kiến trúc sẽ phải cùng hành động một cách mạnh mẽ và thống nhất hơn.

Lam Vy (ST)