Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nhóm nhà sáng chế trẻ với sản phẩm “Mũ cách ly di động Vihelm” được Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu, trình diễn tại Lễ khai mạc Techfest 2020
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sở hữu trí tuệ đã được khẳng định là một công cụ đắc lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, là chỉ số đánh giá sự phát triển của công nghệ, thu hút chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài.
Để hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, đồng bộ, cần nâng cao ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các ngành, các cấp. Và muốn hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ sâu rộng trong toàn xã hội, cần thực hiện từng bước đi vững chắc, phù hợp, trước hết, phải quan tâm nuôi dưỡng nhận thức về sở hữu trí tuệ cho giới trẻ.
Vừa là chủ thể vi phạm, vừa là nạn nhân
Đối với đối tượng sinh viên, việc vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ phổ biến nhất là hành vi xâm phạm quyền tác giả liên quan đến sách giáo khoa, các tác phẩm khoa học, bài giảng, luận văn tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, bản quyền phần mềm máy tính… Theo khảo sát về nguyên nhân vi phạm, đa số các bạn trẻ vì không nhận thức được đầy đủ về Luật Sở hữu trí tuệ, trong khi, các tài liệu photo được bày bán công khai; một số ít thì do điều kiện kinh tế không đảm bảo để mua các sản phẩm, giáo trình có bản quyền, buộc phải tìm đến các tài liệu photo với giá rẻ hơn rất nhiều lần.
Cuộc thi khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí tuệ, được Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tổ chức
Đỉnh điểm là vào đầu năm 2017, một sinh viên trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh bị Hội đồng kỷ luật nhà trường ra quyết định đình chỉ học một năm, vì vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, do tàng trữ và đưa vào trường trái phép tài liệu photo. Quyết định này, nếu xét về tình có vẻ hơi khắt khe, nhưng về lý thì phù hợp với quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại Khoản 6, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ có xác định, hành vi xâm phạm quyền tác giả là sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
Bên cạnh đó, vì thiếu kiến thức liên quan đến sở hữu trí tuệ, nên ngoài việc vô tình vi phạm quyền tác giả, một số sinh viên còn là nạn nhân bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Chẳng hạn, trong các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, hay khởi nghiệp, hầu hết các sinh viên chỉ quan tâm đến việc hoàn thiện, phát triển sản phẩm một cách tốt nhất, hay tập trung kêu gọi hỗ trợ vốn để thực hiện các dự án, mà ít ai nhớ đến việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đối với các ý tưởng tham gia dự thi. Như vậy, những ý tưởng, giải pháp này, sau khi được trình bày tại hội thi, sẽ gặp phải rủi ro bị người khác sao chép ý tưởng vô tội vạ, vì không được pháp luật bảo hộ độc quyền.
Cần đẩy mạnh giáo dục về sở hữu trí tuệ
Nhằm giúp cho sinh viên có được nhận thức đúng đắn, đầy đủ về sở hữu trí tuệ, các trường đại học cần quan tâm việc trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ cho sinh viên. Trước hết, để các bạn trẻ không bị vi phạm pháp luật Sở hữu trí tuệ một cách vô ý; ngoài ra, còn tạo động lực thúc đẩy sinh viên tham gia đóng góp nhiều ý tưởng, giải pháp khoa học, kỹ thuật sáng tạo, chuyên sâu và đột phá hơn, phục vụ cho nhu cầu phát triển của xã hội, trên cơ sở được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách chặt chẽ.
Cuộc thi khởi nghiệp dựa trên quyền sở hữu trí tuệ, được Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tổ chức
Ngoài ra, việc nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng Luật Sở hữu trí tuệ, sẽ giúp cho các bạn trẻ, những thế hệ tương lai của đất nước, sẽ không thực hiện việc tiếp tay cho các hoạt động tiêu thụ hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hay các sản phẩm xâm phạm quyền tác giả, góp phần tạo nên môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Do đó, các trường đại học cần quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, trang bị những kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ cho sinh viên bằng nhiều phương thức. Chẳng hạn, thực hiện tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về sở hữu trí tuệ, hay đào tạo ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, các hội thi, gameshow, hội thảo khoa học…, hoặc đưa hẳn vào chương trình đào tạo chính thức đối với một số môn học, ngành học, theo như cách làm của một số trường đại học trong và ngoài nước đã thực hiện trong thời gian qua.
Là công cụ để chắp cánh việc đổi mới sáng tạo cho tuổi trẻ
Trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ càng phổ biến và phức tạp, cho nên, việc giáo dục, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cần được quan tâm đúng mức, nhằm khuyến khích tạo ra những tài sản trí tuệ mới, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ của tuổi trẻ về khoa học, công nghệ, nghệ thuật, là khởi nguồn để tạo ra không gian đổi mới vô cùng tận cho nền khoa học, kỹ thuật nước nhà.
Để làm tốt điều này, thiết nghĩ, hệ thống giáo dục Việt Nam cần xây dựng các chương trình, tiêu chuẩn giáo dục đồng bộ, bài bản, có hệ thống, tập trung vào việc nuôi dưỡng ý thức sở hữu trí tuệ của thế hệ trẻ, góp phần hình thành nền văn hóa tôn trọng, phát triển và sử dụng tài sản trí tuệ trong toàn xã hội, nhằm đưa nước ta chủ động, vững vàng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.
Trần Hùng