Cân Nhắc Tác Dụng Và Tác Hại Của Cây Lưỡi Hổ Trước Khi Trồng

Thứ ba, 15/10/2024 - 10:37

Lưỡi hổ là một trong những loài cây phong thủy thường được trồng trong vườn hoặc trang trí không gian nhà ở, phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, bàn làm việc,… Tuy nhiên, tác dụng cũng như tác hại của cây lưỡi hổ đối với sức khỏe và phong thủy thì không phải ai cũng biết.


1.  Đặc Điểm Của Cây Lưỡi Hổ  

Nếu bạn thắc mắc cây lưỡi hổ tiếng Anh là gì thì tên khoa học của cây lưỡi hổ là Sansevieria trifasciata hay snake plant, mother-in-law’s tongue. Cây thường được trồng trong sân vườn, dọc lối đi hoặc trang trí bên trong ngôi nhà. 

Đặc Điểm Nhận Diện Cây Lưỡi Hổ 

Cây lưỡi hổ là loại cây cảnh, chiều dài thường trong khoảng từ 50 – 60cm với những đặc điểm nhận diện như sau: 

  • Cây có thân dẹt, lá mọng nước mọc hướng lên trên nhìn như những lưỡi dao sắc nhọn nhưng thực tế lại rất mềm. 
  • Thân có hai màu là màu xanh ở phía trong và bọc viền là màu vàng từ gốc cho đến ngọn. 
  • Hoa nở theo từng cụm. 
  • Quả hình tròn.  
hình ảnh cây lưỡi hổ
Lưỡi hổ là một trong những loài cây phong thủy được ưa chuộng hiện nay. Ảnh: basepaws.com

Cây Lưỡi Hổ Có Mấy Loại? 

Nguồn gốc của cây lưỡi hổ là từ vùng nhiệt đới, được phát hiện với hơn 70 loài khác nhau tùy vào hình dáng và màu sắc của lá. Những loại được trồng phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến là: 

  • Cây lưỡi hổ xanh: Là cây màu xanh đậm, viền vàng, có khả năng thích nghi tốt với những điều kiện thời tiết khác nhau. 
  • Cây lưỡi hổ Thái: Lá cây màu xanh đậm, viền vàng, dạng hẹp nhọn về phía hai đầu, phát triển tốt khi trồng trong chậu đất hoặc thủy sinh.  
  • Cây lưỡi hổ vàng: Viền vàng sáng chiếm khoảng 1 nửa lá, phía trong lá màu xanh nhạt. 
  • Cây lưỡi hổ vàng lửa: Màu sắc của lá thay đổi liên tục từ cây non đến khi trưởng thành. Lá mới ra có màu vàng sẫm, phía trong vàng đồng. Đến khi trưởng thành thì phần phía trong đổi sang màu xanh sẫm. 
  • Cây lưỡi hổ trắng: Còn được gọi là lưỡi hổ bạch kim, màu sắc có phần đặc biệt hơn những loại khác. Toàn thân và lá cây đều có màu trắng, phát triển tốt trong bóng râm.  
  • Cây lưỡi hổ vằn: Còn được gọi là lưỡi hổ đốm đen hay lưỡi hổ mèo. Có 2 loại thân lùn và cao, lá có sự xen kẽ giữa màu xanh và trắng, không có viền vàng như những loại khác.  
  • Cây lưỡi hổ búp sen: Đặc điểm của loại này là cây tạo thành hình giống như búp sen khá bắt mắt, bản to nhưng chiều dài lá lại ngắn. 
Lưỡi hổ có nhiều loại mang kiểu dáng và màu sắc khác nhau
Lưỡi hổ có nhiều loại mang kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Ảnh: Hoa đẹp

2. Cây Lưỡi Hổ Có Tác Dụng Gì Không? Lợi Ích Của Cây Lưỡi Hổ

Theo quan niệm của người phương Đông, cây lưỡi hổ mang lại nhiều ý nghĩa liên quan đến phong thủy. Bên cạnh đó, những tác dụng của cây lưỡi hổ đối với sức khỏe cũng được nhiều người quan tâm. 

Cây Lưỡi Hổ Ý Nghĩa Như Thế Nào Trong Phong Thủy 

Với hình dáng mang lại cảm giác sắc bén, cây lưỡi hổ tượng trưng cho sự mạnh mẽ, ngay thẳng với ý chí vươn lên trong mọi hoàn cảnh. Hình dáng của cây toát lên sự uy quyền, quyết đoán, khí phách của một chính nhân quân tử. Vậy nên nhiều người quan niệm cây lưỡi hổ sẽ mang đến sự may mắn, phú quý cho gia chủ. 

Đối với người Trung Hoa, cây lưỡi hổ mang ý nghĩa của sự hưng thịnh. Họ quan niệm rằng việc trồng hay sở hữu cây lưỡi hổ sẽ được 8 vị thần ban tặng cho 8 đức tính quý giá. 

Vậy nên nếu trồng cây trước nhà hoặc trong phòng khách, nơi làm việc sẽ giúp xua đuổi những nguồn năng lượng xấu, bảo vệ gia chủ tránh những điều không may, công việc và cuộc sống gặp nhiều thuận lợi. 

Tác Dụng Của Cây Lưỡi Hổ Để Trong Nhà Đối Với Sức Khỏe

Bên cạnh những ý nghĩa về phong thủy thì cây lưỡi hổ có tác dụng gì không đối với sức khỏe? Ngoài công dụng xua đuổi tà khí và mang đến may mắn cho gia chủ thì đối với sức khỏe, lợi ích của cây lưỡi hổ cần phải nhắc đến là: 

  • Kháng khuẩn, chống viêm: Lá cây lưỡi hổ có chứa thành phần tương tự như cây nha đam giúp sát khuẩn, giảm phản ứng viêm và làm dịu các kích ứng trên da. Có thể sử dụng với da bị bỏng, rộp, cháy nắng hoặc trầy xước.  
  • Hỗ trợ chữa bệnh hen suyễn: Xông mũi với gel cây lưỡi hổ pha nước nóng sẽ có tác dụng giảm phản ứng viêm ở niêm mạc, hạn chế tình trạng hen suyễn dai dẳng, cải thiện hô hấp. 
  • Cải thiện các vấn đề về tiêu hóa: Một số thành phần trong cây lưỡi hổ có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, trào ngược dạ dày,…
  • Thanh lọc không khí: Việc trồng cây lưỡi hổ trợ phòng hoặc nhà ở sẽ giúp thanh lọc không khí, khử khuẩn nhờ đó cải thiện được các bệnh lý đường hô hấp, giảm ho, sổ mũi, hắt hơi. 
  • Thư giãn: Ít ai biết cây lưỡi hổ có tác dụng giảm căng thẳng, mệt mỏi, mang lại cảm giãn thư giãn nên rất thích hợp đặt ở bàn làm việc.  
Cây lưỡi hổ giúp thanh lọc không khí, cải thiện chất lượng giấc ng
Cây lưỡi hổ giúp thanh lọc không khí, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Ảnh: Điều hòa Tân Phát

3. Tác Hại Của Cây Lưỡi Hổ 

Bên cạnh những lợi ích kể trên thì vấn đề được nhiều người đặt ra là cây lưỡi hổ có độc không? Một số thông tin cho rằng trong thành phần của cây lưỡi hổ có chứa chất độc nên cần phải thận trọng khi trồng trong nhà, đặc biệt là với những gia đình có trẻ em hoặc nuôi thú cưng. 

Nếu bất cẩn ăn phải lá cây lưỡi hổ thì nguy cơ cao bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy tương tự như tình trạng rối loạn tiêu hóa. Vậy nên, trường hợp trẻ nhỏ, thú cưng hay bất kỳ ai vô tình ăn phải lá lưỡi hổ và xuất hiện triệu chứng bất thường thì cần được đưa tới cơ sở y tế để được xử lý sớm.  

Nếu nhà có thú cưng, nên cẩn thận khi trồng cây lưỡi hổ
Nếu nhà có thú cưng, nên cẩn thận khi trồng cây lưỡi hổ. Ảnh: fumipets.com

4. Một Số Câu Hỏi Thường Gặp Về Cây Lưỡi Hổ  

Nếu bạn đang có ý định sở hữu một cây lưỡi hổ để thu hút may mắn thì đừng bỏ qua những vấn đề sau: 

Cây Lưỡi Hổ Hợp Mệnh Mộc Không? Cây Lưỡi Hổ Hợp Mệnh Gì? 

Với thắc mắc cây lưỡi hổ hợp mệnh Mộc không thì câu trả lời sẽ là có nhé. Màu xanh lá là một trong hai màu chính của cây lưỡi hổ, trong khi xanh lá là màu thuộc mệnh Mộc. 

Ngoài ra, hầu hết các loài lưỡi hổ đều có viền vàng mà màu vàng thuộc mệnh Thổ. Vậy nên đây cũng là loại cây mà người mệnh Thổ nên trồng để thu hút những điều tốt lành, công việc thuận lợi. Bên cạnh đó, theo quy luật tương sinh Mộc sinh Hỏa, Thổ sinh Kim thì mệnh Hỏa và Kim cũng thích hợp để trồng cây lưỡi hổ.  

Cây Lưỡi Hổ Kỵ Tuổi Nào? 

Tùy vào từng loài mà cây lưỡi hổ sẽ không hợp để trồng với những tuổi như: 

  • Những tuổi kỵ với cây lưỡi hổ trắng và xanh là: Nhâm Tý (1972), Quý Sửu (1973), Canh Thân (1980), Tân Dậu (1981), Mậu Thìn (1988), Kỷ Tỵ (1989), Nhâm Ngọ (2002), Quý Mùi (2003),…
  • Những tuổi kỵ cây lưỡi hổ vàng là: Bính Ngọ (1966), Đinh Mùi  (1967), Giáp Dần (1974), Ất Mão (1975), Nhâm Tuất (1982), Đinh Sửu (1997),…
  • Những tuổi kỵ với cây lưỡi hổ viền vàng là: Đinh Dậu (1957), Giáp Thìn (1964), Bính Ngọ (1966), Ất Mão (1975), Bính Dần (1986), Đinh Mão (1987), Giáp Tuất (1994), Ất Hợi (1995),…

Có Nên Đặt Cây Lưỡi Hổ Trong Phòng Ngủ Không? 

Hầu hết các loại cây đều không nên đặt trong phòng ngủ vì ban đêm cây sẽ thải khí CO2. Tuy nhiên tác dụng của cây lưỡi hổ trong phòng ngủ lại khiến nhiều người kinh ngạc. Ban đêm, thay vì thải CO2 như những loại cây khác thì lưỡi hổ lại hấp thụ độc tố và giải phóng khí O2. 

Vì vậy, việc đặt cây lưỡi hổ sẽ giúp thanh lọc không khí đồng thời mang lại cảm giác thư giãn, thoải mái, giảm căng thẳng sau một ngày dài, từ đó chất lượng giấc ngủ được cải thiện tốt hơn.  

Có thể đặt cây lưỡi hổ trong phòng ngủ
Có thể đặt cây lưỡi hổ trong phòng ngủ. Ảnh: healthline.com

5. Gợi Ý Những Vị Trí Đẹp Để Đặt Cây Lưỡi Hổ Trong Nhà 

Cây lưỡi hổ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời không chỉ với sức khỏe mà cả phong thủy, Tuy nhiên, để phát huy tối đa công dụng, kích hoạt sinh khí, thu hút tài lộc, may mắn thì bạn cần phải đặt lưỡi hổ ở những vị trí thích hợp. Dưới đây là một số gợi ý mà bạn có thể tham khảo là: 

Trồng Trước Nhà 

Gia chủ có thể đặt 2 chậu lưỡi hổ lớn hoặc trồng phía trước nhà để xua đuổi những vận xui rủi, tà khí, ngăn không cho nguồn năng lượng tiêu cực này vào nhà. Đồng thời, đây cũng là gợi ý để khách đến chơi nhìn từ ngoài vào sẽ trông ngôi nhà đặc biệt, ấn tượng hơn. 

Trong Phòng Khách 

Việc bố trí một cây lưỡi hổ trong phòng khách không chỉ đơn giản là để tạo điểm nhấn cho không gian, thanh lọc không khí mà con thu hút tài lộc, mang lại may mắn cho gia đình. Đối với phòng khách, những vị trí góc phòng trống hoặc bên cạnh kệ tivi hay bàn tiếp khách đều là nơi mà bạn có thể đặt một cây lưỡi hổ. 

Bàn Làm Việc  

Những chậu lưỡi hổ nhỏ, dáng lùn sẽ thích hợp để đặt ở bàn làm việc, không chỉ giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, kích thích khả năng sáng tạo trong công việc, hấp thụ tia tử ngoại từ máy tính mà còn thu hút may mắn, mọi vấn đề đều suôn sẻ, thuận lợi. Bạn có thể đặt ở một góc bàn, kế bên máy tính hoặc trên kệ để bàn,… 

Trong Phòng Ngủ 

Đặt cây lưỡi hổ trong phòng ngủ cũng là gợi ý mà bạn không nên bỏ qua để giúp không gian phòng ngủ trong lành hơn, giấc ngủ được cải thiện tốt hơn. 

Trong Phòng Tắm 

Đặt cây lưỡi hổ trong phòng tắm có tác dụng hút bớt hơi nữa, giảm độ ẩm đồng thời hấp thụ những khí độc hại. Nhờ đó mà không gian nhà tắm sẽ trở nên trong lành, tốt hơn cho sức khỏe. 

Trồng lưỡi hổ trong phòng tắm
Trồng lưỡi hổ trong phòng tắm cũng là một gợi ý thích hợp về phong thủy nhà ở. Ảnh: florasense.com

Trên đây là ý nghĩa phong thủy, tác dụng đối với sức khỏe, tác hại của cây lưỡi hổ cùng một số vấn đề liên quan đến loại cây này mà bạn có thể tham khảo. Lưỡi hổ hiện nay là một trong những loại cây được giới văn phòng săn đón. Đây cũng là món quà ý nghĩa mà bạn có thể lựa chọn để tặng cho bạn bè, đồng nghiệp, người thân vào những ngày quan trọng. 

Linh Trần

batdongsan