Cần quan tâm phát triển quyền sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Thứ hai, 13/12/2021 - 13:35

TNV - Sở hữu trí tuệ hay tài sản trí tuệ là những sản phẩm được tạo ra từ sự sáng tạo của con người. Thời gian gần đây, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được Đảng và Nhà nước quan tâm đẩy mạnh, đã từng bước tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (hiện là Chủ tịch nước) trao quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho PGS TS Huỳnh Thành Đạt.

Theo văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH, ngày 25/6/2019 của Văn phòng Quốc hội về Luật Sở hữu trí tuệ có quy định, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, gồm: quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; quyền sở hữu công nghiệp về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng…

Sở hữu trí tuệ là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Trong hơn 15 năm qua, Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) đã tạo nên hành lang pháp lý vững chắc, từng bước xác lập, khai thác và bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, tổ chức, tạo nên môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thu hút hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đầu tư trong và ngoài nước…

Trước xu thế hội nhập sâu rộng và toàn diện hiện nay, sở hữu trí tuệ đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm ngăn chặn tình trạng hành vi làm hàng giả, hàng nhái, giúp các doanh nghiệp có thể bảo vệ tính độc quyền và nâng cao giá trị thương hiệu hàng hóa, dịch vụ mà mình đang sở hữu. Qua đó, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân, tập thể vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học… nhằm tạo ra những ngày càng nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần có ý nghĩa cho xã hội.

Bên cạnh đó, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả còn giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn, sử dụng các dịch vụ, hàng hóa phù hợp nhu cầu và ngày càng an tâm về chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi được bảo vệ chặt chẽ về độc quyền thương hiệu, sở hữu trí tuệ.

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí trao Giấy chứng nhận hoàn thành Lớp tập huấn kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho cán bộ địa phương

Cần quan tâm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ

Hiện nay, có rất nhiều tài sản trí tuệ, nhất là các đề tài, dự án khoa học, công nghệ đã và đang triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả cao trong cả nước, tuy nhiên, hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, dẫn đến chưa đánh giá đầy đủ được giá trị của những tài sản trí tuệ.

Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Nguyễn Hữu Cẩn cho biết, việc định giá tài sản tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được thực hiện bằng 3 phương pháp cơ bản: Phương pháp chi phí (chi phí tạo ra một tài sản trí tuệ tương tự); Phương pháp thị trường (so sánh, phân tích thông tin các tài sản trí tuệ tương tự trên thị trường) và Phương pháp thu nhập (xác định giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài sản trí tuệ mang lại).

Trên thực tế, đối với những người làm nghiên cứu khoa học thường không có đủ thời gian hoặc không quan tâm nhiều đến việc thực hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý, mô tả sáng chế… nên việc thẩm định giá trị tài sản trí tuệ từ các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ trong thời gian qua, ít nhiều còn gặp những khó khăn nhất định. Từ đó, dẫn đến việc khó xác định được giá trị thực tế khi chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ. Để giải quyết hiệu quả vần đề này, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ từ các cơ quan chuyên môn cho hoạt động đánh giá, công nhận sở hữu trí tuệ và xác định giá trị tài sản trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức.

 

Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Nguyễn Hữu Cẩn báo cáo trong lớp tập huấn “Thẩm định giá kết quả nghiên cứu khoa học” tại TP Hồ Chí Minh

Nhiều chính sách phát triển quyền sở hữu trí tuệ

Tại Điều 9 Luật Sở hữu trí tuệ về các chính của Nhà nước về sở hữu trí tuệ có quy định, cơ quan chính quyền các cấp có trách nhiệm hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng; huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, có xác định chủ trương cần hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hoá và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia; khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Thực tiễn đã chứng minh, việc tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hoàn thiện, vững chắc không những là nhân tố rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của mỗi quốc gia, mà còn là một đòi hỏi mang tính bắt buộc trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.

Nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, vừa qua, tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 21/10, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã trình bày tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, với mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng và khuyến khích các tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực.

Trong đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này, Chính phủ tập trung đề xuất điều chỉnh các nhóm chính sách liên quan đến việc phát triển quyền sở hữu trí tuệ, gồm: Quy định rõ ràng, cụ thể trong việc xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn); khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp; bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ, bảo vệ về quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập…

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, sở hữu trí tuệ càng được khẳng định là một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế của mỗi đất nước và việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, cải tiến, đầu tư, thu hút chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước, đóng vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho quốc gia.

Trần Hùng