Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, tình hình dịch bệnh ở nước ta còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến khó lường - Ảnh: VGP/HM
Số ca mắc tay chân miệng tăng 2,3 lần
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam ghi nhận trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước. Miền Bắc ghi nhận trên 1.300 ca, miền Trung khoảng 1.000 ca; khu vực Tây Nguyên ghi nhận ít nhất với 200 ca mắc.
Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, trong dó trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh. Không ghi nhận ca tử vong.
Bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh, dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non.
Vì vậy, để phòng bệnh tay chân miệng, các chuyên gia khuyến cáo thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khử trùng lớp học, đặc biệt là đồ chơi và bề mặt tiếp xúc như sàn, bàn…
Tăng cường tiêm vaccine để phòng bệnh sởi, ho gà
Đối với các dịch bệnh truyền nhiễm đã có vaccine dự phòng, TS Hoàng Minh Đức thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận trong năm trước, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.
TS Hoàng Minh Đức nhấn mạnh việc tiêm đủ mũi vaccine để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm - Ảnh: VGP/HM
Một trong những nguyên nhân khiến số ca mắc sởi gia tăng là do tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị giảm, do trong giai đoạn dịch COVID-19 và việc cung ứng chậm vaccine giai đoạn 2022-2023.
Trong khi đó, sởi là bệnh có tính lây truyền cao, bệnh chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền trong cộng đồng khi tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng đạt trên 95%.
Mặt khác, chu kỳ của bệnh sởi khoảng 4-5 năm sẽ quay trở lại, vì vậy, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần sớm triển khai tiêm chủng bù mũi ngay trong quý 1, 2/2024 cho trẻ chưa được tiêm trong năm 2023, để chủ động đáp ứng phòng chống dịch.
Đối với bệnh ho gà, đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca mắc, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023. Riêng tại Hà Nội, ghi nhận 48 ca mắc, chủ yếu là trẻ dưới 3 tháng tuổi (38/48 trường hợp), có 47/48 trường hợp chưa tiêm hoăcj chưa đến lịch tiêm vaccine có thành phần ho gà; chỉ có 1 trường hợp đã được tiêm 2 mũi vaccine có thành phần ho gà.
"Đây cũng là bệnh có thể tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trong thời gian tới, nhất là những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua và ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng", lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nhận định.
Thế giới cảnh báo nguy cơ bùng dịch sởi
Trên thế giới, tổ chức WHO gần đây cũng đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
Năm 2022, toàn cầu cũng ghi nhận hơn 62.000 ca mắc ho gà, tăng 111,5% so với năm 2021, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà tại Hà Lan, Vương quốc Anh, Philippines...
Bệnh sốt xuất huyết cũng tăng mạnh ở châu Mỹ, tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng ở Trung và Nam Mỹ khi số ca bệnh khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.
Phải bố trí kinh phí cho công tác phòng chống dịch
Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tình hình dịch bệnh ở nước ta còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến khó lường; thời tiết diễn biến bất thường nhất là tại khu vực miền Bắc vẫn còn gió mùa, giá lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao.
Vì vậy, để tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả công tác y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh bố trí kinh phí cho việc triển khai công tác y tế dự phòng, đặc biệt là hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng bằng nguồn kinh phí địa phương.
Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương đơn vị trong chỉ đạo và triển khai công tác phòng chống dịch, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động triển khai hiệu quả giám sát dựa vào sự kiện, để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế, để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong, chú trọng bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao, có nguy cơ gia tăng số mắc (sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, sởi, ho gà...).
Thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.
Triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024 và triển khai tốt công tác tiêm chủng thường xuyên hàng tháng; tăng cường tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho trẻ là đối tượng tiêm chủng của năm 2023 chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 (4 -5 năm qua theo khuyến cáo của WHO)...
Theo Chinhphu