Cảnh giác với âm mưu lợi dụng tự do báo chí để chống phá

Thứ ba, 13/06/2023 - 13:43

TNV - Như thành thông lệ, cứ đến gần Ngày kỷ niệm Báo chí cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động lại “nhai lại” điệp khúc cũ cho rằng ở Việt Nam “không có tự do báo chí”, “Việt Nam đàn áp các nhà báo…”(!)

Đây thực ra vẫn là trò cũ soạn lại của các đối tượng chống phá, chỉ khác lần này chúng tăng mức độ, tần suất, đăng tải nhiều thông tin sai lệch, một chiều nhằm thu hút, đánh lạc hướng dư luận, tác động xấu đến tư tưởng cán bộ, nhân dân, hòng làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo, quản lý điều hành của Đảng và Nhà nước.

Trước tiên cần khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhận thức rất rõ vai trò quan trọng, thiết yếu của báo chí cũng như yêu cầu của tự do báo chí với ý nghĩa như một quyền không thể thể thiếu của con người, một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Điều 25, Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Thực tế đã chứng minh với chủ trương, đường lối nhất quán, nhân văn của Đảng, hệ thống pháp luật chặt chẽ, mang tính khoa học, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp và đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Theo số liệu của Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến 12/2022, cả nước có 127 cơ quan báo, 670 tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình với nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Có thể khẳng định, công tác thông tin trên báo chí thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội.

Hơn nữa, nhiệm vụ của báo chí Việt Nam thời gian qua đã luôn tỏ rõ không chỉ là kênh thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin mọi mặt hoạt động của xã hội đến với nhân dân mà báo chí còn là diễn đàn để mọi người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính kiến, tham gia phản biện, thảo luận, góp ý và bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về những chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.

Cũng phải nói thêm rằng, ở Việt Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới, tự do báo chí phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật. Tại Điều 29, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10/12/1948 đã thừa nhận: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra”. Hay tại Điều 2385, Chương 115, Bộ luật Hình sự nước Mỹ ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”. Trong Khoản 2, Điều 13 Luật Báo chí năm 2016 của Việt Nam cũng nêu rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân”. Thực tế thời gian qua, việc một số cá nhân lợi dụng tự do báo chí để xuyên tạc, kích động chống phá chính quyền đều đã bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật Việt Nam và phù hợp quy định của luật pháp quốc tế, nhằm xây dựng và duy trì xã hội trong vòng trật tự, ổn định, ngăn chặn các tổ chức và cá nhân lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền con người.

Từ những vẫn đề trên cho thấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Song, thực hiện quyền này ra sao lại phải căn cứ vào quy định của các điều ước quốc tế; truyền thống văn hóa, đạo đức, chế độ xã hội và hệ thống luật pháp của Việt Nam. Mọi âm mưu lợi dụng tự báo chí chống phá chính quyền phải bị nghiêm trị trước pháp luật. Chỉ như vậy, quyền tự do báo chí mới được thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa tích cực đối với xã hội./.

TS Hoàng Đức Thịnh - ThS Phạm Hồng Hải