Tham khảo các đồ chơi, đồ dùng dạy học có bán tại các cửa hàng và trên mạng internet, nhóm các cô giáo mầm non gồm Đào Thụy Trúc Vy, Lê Thị Trang, Phan Thị Thu Dung, Trần Nguyễn Hải Triều, Nguyễn Thị Bé Thảo đã làm ra nhiều đồ chơi, đồ dùng dạy học. Trong đó có Cánh tay thủy lực là sản phẩm được trẻ mầm non yêu thích hơn cả.
Nhóm tác giả công trình là các cô giáo dạy trẻ mầm non
Cô giáo Đào Thụy Trúc Vy cho biết: Trong trường mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo và đồ chơi là phương tiện giúp trẻ thực hiện hoạt động đó, đồng thời cũng chính là cách giúp trẻ tiếp thu bài học một cách sinh động, nhiệt tình hơn.
Đồ dùng, đồ chơi mầm non tự làm phải đảm bảo thực hiện theo mục tiêu giáo dục, mang tính thẩm mỹ, phải giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, kích thích cho trẻ tính độc lập, sáng tạo, đồng thời phải phù hợp với từng lứa tuổi và đảm bảo được sự an toàn cho trẻ.
Qua khảo sát và tìm hiểu, nhóm nhận thấy hiện nay đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em có rất nhiều trên thị trường, tuy nhiên xét về phương diện giáo dục thì chúng không thể để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu và mục đích của chương trình dạy học ở trường mầm non.
Hơn nữa việc mua quá nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ làm ảnh hưởng đến kinh tế của các bậc phụ huynh trong khi các đồ phế phẩm từ gia đình, các nguyên vật liệu đã qua sử dụng đang sẵn có và có rất nhiều có thể tái sử dụng tạo làm đồ chơi cho trẻ. Khi có món đồ chơi do cô và trẻ hoặc tự trẻ tự tay làm ra, các cháu sẽ cảm thấy yêu quí và hứng thú hơn rất nhiều so với các đồ chơi mua sẵn.
Đây cũng là một hình thức dạy cho trẻ biết yêu quy sức lao động ngay khi còn bé. Xuất phát từ những ý tưởng nêu trên, nhóm đã bắt tay vào làm đồ dùng, đồ chơi là việc làm hết sức cần thiết và bổ ích cho trẻ mầm non.
Điều cuốn hút trẻ là trẻ có thể trực tiếp tham gia làm trò chơi cùng giáo viên. Nguyên liệu để làm đều là những vật dụng dễ tìm kiếm hoặc chế tạo như bảng gỗ có các bộ phận có thể tháo rời, 8 xi-lanh, dây buộc, thùng carton/ Foxmax, ốc vít, ống dây nhựa, và cây xiên que.
Mô hình cánh tay thuỷ lực này được thiết kế mô phỏng hệ thống truyền động và tự động thuỷ lực, trong đó bộ phận chính là xi-lanh thuỷ lực. Xi-lanh thuỷ lực được sử dụng để chuyển tải một vật bất kì từ vị trí này sang vị trí khác , nâng hạ một sản phẩm nào đó, hoặc tạo lực ép... bằng cách vận chuyển lực của chất lỏng trong môi trường bị giới hạn.
Trẻ rất hứng thú với bộ Cánh tay thủy lực
Sử dụng hệ thống thuỷ lực, con người có thể tạo ra các hệ thống máy tự động hoá đồ sộ, chi phí rẻ, công suất lớn, dễ điều khiển và bố trí, độ chính xác cao và rất an toàn. Trong các phương tiện giao thông, hệ thống thuỷ lực được ứng dụng chế tạo xe nâng, chân-cánh máy bay, xe ben, xe cuốc...
Đối với các thiết bị cố định, thuỷ lực được ứng dụng làm ra máy ép, cầu nâng. Đặc biệt thuỷ lực được ứng dụng rộng rãi nhất trong sản xuất công nghiệp và tự động hoá. Qua trò chơi này trẻ sẽ điều khiển các xi lanh thủy lực bằng các cần gạc để trẻ có thể gấp các đồ dùng giống như cần cẩu.
Chia sẻ về những dự định tương lai, các thành viên của nhóm đều mong muốn làm được nhiều đồ dùng, đồ chơi sáng tạo hơn nữa để phục vụ công tác dạy học, vui chơi của trẻ mầm non.
Bộ đồ dùng, đồ chơi Cánh tay thủy lực đã đoạt giải khuyến khích cấp quận trong cuộc thi khoa học sáng tạo và hiện là sản phẩm dự thi chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2020 do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục & Đào tạo cùng Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Tô An