
Ảnh minh họa. Nguồn: https://pbgdpl.caobang.gov.vn/
Với đặc thù là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, thuộc phía Đông Bắc của Tổ quốc; Cao Bằng có trên 547.000 người (tính đến đầu năm 2024), với 35 thành phần dân tộc, nhưng chủ yếu chỉ có 08 dân tộc cùng sinh sống lâu đời. Với điều kiện môi trường sống và đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết kiến thức pháp luật còn hạn chế.
Nhằm giúp người dân nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngay tại địa bàn cơ sở, trong năm 2024, Sở Tư pháp đã tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: biên soạn 10 loại tờ gấp pháp luật với số lượng 70.000 tờ (7.000 tờ/loại), gồm các nội dung: một số điểm mới nổi bật của Luật Đất đai năm 2024; một số quy định của pháp luật liên quan đến công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, phòng, chống bạo lực gia đình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép…
Bên cạnh đó, Sở Tư Pháp Cao Bằng tổ chức 41 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật trực tiếp cho đồng bào vùng sâu, vùng xa vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn với trên 2.700 đại biểu tham dự; tổ chức thành công 09 cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, phát sóng các phóng sự, tài liệu tuyên truyền thông qua các câu chuyện,tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật về các chủ đề về bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người … Qua đó truyền tải nhiều thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu, ý nghĩa về ý thức chấp hành pháp luật, thượng tôn pháp luật và vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở trong cộng đồng dân cư.
Các hoạt động PBGDPL được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng đã giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng đặc thù trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ cho người dân vùng DTTS, miền núi, biên giới, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật... Điều này góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
P/v