Cao tốc Bắc- Nam: Con đường mùa xuân

Thứ hai, 07/02/2022 - 09:14

Trong thời kỳ mới, xây dựng con đường cao tốc Bắc – Nam có ý nghĩa rất lớn. Đây là sự thống nhất, kết nối, chia sẻ, hội tụ, lan tỏa kinh tế - xã hội cấp quốc gia, là động lực vật chất thúc đẩy các địa phương cất cánh. Nhiệm vụ quan trọng, mang tính đột phá chiến lược này, được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung triển khai để sớm hoàn thành.

Con đường vận tải xương sống quốc gia trong thời kỳ mới

Có thể thấy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, là chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, đường bộ cao tốc là công trình kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện hại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn. Hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế - chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế…

Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đường bộ cao tốc gắn chặt với tiến trình công nghiệp hóa của nhiều nước trên thế giới. Các nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Đức, Nhật, Hàn Quốc… đều có hệ thống đường cao tốc rất phát triển. Trong đó, Hoa Kỳ có khoảng 75.000km đường cao tốc liên bang, Đức hơn 13.000km, Nhật Bản gần 10.000km, Hàn Quốc hơn 6.160km đường bộ cao tốc…

Ở nước ta, các tỉnh, thành phố có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho địa phương. Các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%, Hải Dương 8,62%, Long An 10,23%... trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%.

Trong thời kỳ mới, đường bộ cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng sau hơn 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên (Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương), đến nay cả nước mới đưa vào khai thác khoảng 1.163km, tương ứng 18% so với quy hoạch, tốc độ xây dựng bình quân 74 km/năm; chưa hoàn thành mục tiêu "đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc" như Nghị quyết 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra. Vì vậy, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó xác định một trong 3 đột phá chiến lược là "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị" với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông…".

Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội Đảng XIII đã thông qua. Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng: Kết nối Trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế, đặc biệt kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL), kết nối với 16,23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách…

Tuy nhiên, tuyến đương này mới đưa vào khai thác được 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa được đầu tư, nên chưa bảo đảm tính đồng bộ, chưa phát huy tối đa hiệu quả khai thác. Theo các chuyên gia và dự báo khoa học, nếu không kịp thời đầu tư các đoạn tuyến còn lại, nhu cầu vận tải sẽ vượt quá so với năng lực của hệ thống giao thông hiện tại, gây trở ngại cho sự phát triển của nền kinh tế.

Xuyên Tết – xuyên Việt

Ngay sau phiên họp thường trực Chính phủ vào ngày mùng 3 tết Nhâm Dần 2022 đưa ra những quyết sách quan trọng về mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học từ 7/2-14/2, mở cửa du lịch chậm nhất từ dịp 30/4, sáng mùng 4 tết Nhâm Dần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ với chuyến đi "xuyên Tết, xuyên Việt" kiểm tra, thị sát việc xây dựng, giải quyết khó khăn, vướng mắc ở các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Đoàn công tác đã đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đúc rút các kinh nghiệm, bài học trong công tác thi công các dự án cao tốc: Nha Trang - Cam Lâm (theo hình thức PPP), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hình thức PPP), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đầu tư công), Phan Thiết - Dầu Giây (đầu tư công). Trước đó, ngày 4/2, Thủ tướng đã kiểm tra các dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa phận các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An. Qua kiểm tra, thị sát thì thấy còn nhiều dự án đang dang dở, tiến độ chậm chạp; mới có 1/11 dự án thành phần của tuyến cao tốc hoàn thành (tuyến Cao Bồ - Mai Sơn hoàn thành và khánh thành vào ngày 4/2). Các dự án PPP có bình quân đơn giá không quá 150 tỷ đồng mỗi km đường nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỷ đồng. Nhiều chủ mỏ găm vật liệu trong lúc cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc gây cản trở tiến độ. Việc nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ "mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ". Mặt khác quy định hiện hành về hợp tác công tư (PPP) còn bất cập. Thực tế cho thấy tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hiện phần vốn nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước khoảng 40%, trong khi Luật đầu tư PPP (có hiệu lực sau khi dự án được thông qua) đang quy định vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng vốn đầu tư. Như vậy, sẽ bỏ lỡ không ít phần vốn của các nhà đầu tư trong dự án. Để tháo gỡ các bất cập nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần phải rút ra bài học học kinh nghiệm từ những việc làm được và chưa làm được trong thời gian qua. Đầu tiên là ai làm tốt nhất thì giao, tinh thần là tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi. ii) Các cơ quan có liên quan phải làm tốt, làm kỹ công tác chuẩn bị đầu tư. iii) Công tác giải phóng mặt bằng nhanh, gọn, đúng pháp luật, các dự án tái định cư phải bảo đảm cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng thời cần kiên quyết xử lý vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án đúng luật, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Việc thưởng phạt thi công hợp đồng phải rất nghiêm minh, công bằng. Việc phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị phải chặt chẽ, hiệu quả; tránh tình trạng có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực. Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các chủ thể tham gia các dự án, gồm các nhà đầu tư, cơ quan chủ quản đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát, các địa phương, các bộ ngành có liên quan, Chính phủ và các cơ quan quản lý các cấp, phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các hợp đồng đã ký kết, tăng cường trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân. Các dự án phải đẩy nhanh hơn ít nhất một quý nhưng vẫn phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện, quy định, bám sát, kiểm soát tiến độ hằng tuần, hằng tháng, hằng quý.

Mặt khác, phải kiểm soát, bảo đảm, nâng cao chất lượng các dự án. Muốn vậy, phải kiểm tra chặt chẽ từ nguyên vật liệu tới khâu thi công; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giám sát, kiểm tra, nghiệm thu đúng quy định, quy trình, tránh việc sau khi làm xong lại hỏng hóc, phát hiện sai phạm và phải xử lý cán bộ.

Các dự án cần tiết kiệm tối đa bằng việc bảo đảm tiến độ, tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại, thay đổi biện pháp thi công, không ngừng sáng kiến để tăng năng suất lao động, tận dụng và sử dụng hợp lý các nguồn lực… Lựa chọn phương án có hiệu quả nhất, không máy móc, có thể chấp nhận đắt hơn nhưng nhanh hơn.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời các vấn đề tài chính, giải phóng mặt bằng, thể chế…Trong đó, các địa phương chú ý làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy hoạch không gian phát triển mới; quản lý nguyên vật liệu thật chặt chẽ để bảo đảm lợi ích nhà nước và người dân, tránh trục lợi chính sách; bảo đảm môi trường, hoàn nguyên sau khi dự án hoàn thành…

Muốn giải phóng mặt bằng tốt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, đồng thời có chính sách đền bù thỏa đáng.

Thủ tướng lưu ý các địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân đã nhường mặt bằng cho các dự án. Phải kiểm tra, rà soát lại để thực hiện bằng được chủ trương của Đảng, Nhà nước là bảo đảm người dân tại nơi ở mới có đời sống có bằng hoặc hơn nơi ở cũ, hướng tới cuộc sống năm sau phải hơn năm trước, nếu kém hơn thì phải có giải pháp ngay.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát các quy định, quy định nào không sát thực tiễn cuộc sống thì phải đề xuất sửa ngay. Trong khi chờ sửa đổi các quy định, các địa phương chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có hiện tượng các chủ mỏ nguyên vật liệu cấu kết để găm hàng, nâng giá, trục lợi. Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan có hướng dẫn chung về chất lượng, giá cả nguyên vật liệu xây đắp cao tốc để các địa phương và các chủ thể liên quan thực hiện.

Hoan nghênh các nhà đầu tư PPP đã tham gia vào các dự án trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn như vừa qua, nhất là thông qua qua đấu thầu, đã có những dự án giảm được gần 1.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu, Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng theo các quy định, nếu đúng là giảm được chi phí thì tính toán việc thưởng cho nhà thầu để khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng nghị định về vấn đề thưởng phạt thi công hợp đồng, trình ban hành trong thời gian sớm nhất. Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng thông tư, những nội dung chưa sát thực tế cần phải điều chỉnh lại. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, triển khai việc bán quyền khai thác tuyến đường đầu tư công theo tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.

Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa quy định hiện hành để huy động tối đa các nguồn vốn từ bên ngoài nhà nước. Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, hợp tác PPP phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngoài nhà nước, có thể qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các nguồn hợp pháp khác.

Nhấn mạnh yêu cầu cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn khi thực hiện giai đoạn tiếp theo của các dự án, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tinh thần là cả nước chung tay phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Giao thông tới đâu thì không gian phát triển tới đó và giá trị đất đai tăng lên. Các địa phương chuẩn bị quy hoạch, sẵn sàng nhận nhiệm vụ để đầu tư các dự án, làm sớm thì địa phương càng phát triển nhanh, phát triển sớm.

Đây có thể có thể nói là những việc làm, những chỉ đạo rất căn cơ, bài bản, trọng tâm, trọng điểm, ngay trong những ngày đầu tiên của xuân Nhâm Dần, để đẩy nhanh tiến độ thi công đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông - con đường thống nhất Bắc - Nam, đưa mùa xuân trăm hoa đua nở đến mọi miền Tổ quốc, trong thời kỳ mới để Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.

Lê Việt/Chinhphu