Câu chuyện đằng sau những bức tượng khỏa thân

Thứ năm, 18/03/2021 - 07:55

Trên các bức tường bị lãng quên tại các nhà thờ miền quê, lâu đài cổ, du khách sẽ tìm thấy những tượng phụ nữ khỏa thân nhỏ bé.

Nằm lẫn trong nền gạch xám, bị che khuất bởi những cây thường xuân hoặc rêu, những tác phẩm chạm khắc trên đá có tên gọi Sheela-na-gig. Đó là những bước tượng chạm khắc hình ảnh một người phụ nữ khỏa thân đang ngồi xổm, phô ra phần nhạy cảm.

Sheela-na-gig được tìm thấy trên khắp Bắc Âu, điển hình nhất là tại Nhà thờ Kilpeck ở Herefordshire, Anh, nhưng có 115 bức được tìm thấy ở Ireland, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Ảnh: Maurice Savage/Alamy Stock

Thoạt nhìn, Sheela-na-gig có vẻ khác thường giữa không gian nguyên sơ của một nhà thờ Thiên chúa giáo. Tuy nhiên, những cổ vật này ẩn chứa câu chuyện về lịch sử Ireland và Bắc Âu, cũng như nguồn gốc ngày Thánh Patrick.

Ở thời hiện đại, ngày Thánh Patrick được kỷ niệm trong một ngày nhưng nó từng là lễ hội ba ngày, kết thúc vào 18/3 - Ngày của Sheelah. Vậy Sheela là ai? Tại sao cô ấy lại bị lãng quên trong khi Thánh Patrick lại được tưởng nhớ? Cô ấy để lại những dấu tích gì? Nhà khảo cổ học Shane Lehane ở Đại học Giáo dục Cao cấp CSN của thành phố Cork, sẽ giải đáp những câu hỏi này.

Thần thoại Ireland có nhiều hình tượng phụ nữ. Những câu chuyện về các nữ thần, chiến binh, các vị vua, thần linh... được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo đó, Sheelah chính là hiện thân của vợ Thánh Patrick. Mặc dù Sheela-na-gi có từ thời trung cổ, và hình tượng của Sheelah lần đầu tiên xuất hiện trên những tài liệu cổ vào khoảng thế kỷ 17, truy tìm nguồn gốc thực sự của cô ấy lại là một nhiệm vụ gần như bất khả thi.

Nhà sử học Lehane nói: "Những người nghiên cứu thần thoại có một niềm tin rằng mỗi nhân vật phụ nữ trong thần thoại, dù mang hình dáng ra sao, đều đại diện cho thực thể này. Thực tế cô ấy tồn tại ra sao suốt thời gian qua thật thú vị. Cô ấy luôn ở đó".

Matt Seaver, trợ lý quản lý tại Bảo tàng Quốc gia Ireland, cho biết có hai giả thuyết giải thích về những bức tượng. Một quan điểm cũ cho rằng Sheelah "cổ vũ lối sống giữ gìn trinh tiết khi tình dục vẫn còn là một điều cấm kỵ thời Trung cổ". Lý thuyết thứ hai mới hơn được phát triển từ những năm 1930, chỉ ra rằng cô là một biểu tượng của khả năng sinh sản.

Còn ông Lehane bày tỏ, Sheelah từng là chủ đề của một quan điểm sai lầm trong thời gian dài. Những bức tượng Sheela-na-gig bị xem là biểu tượng của cái ác, dục vọng và sự khêu gợi. Nhưng ông tin rằng, đây là biểu tượng tôn vinh người phụ nữ có quyền giám hộ cho con cái khi sinh nở và sau khi chết.

Ảnh hưởng của Thiên chúa giáo đã chế ngự Ngày của Sheelah - lễ hội người Ireland tổ chức ăn mừng rộng rãi vào thế kỷ 18 và 19. Nhưng ngày Thánh Patrick vẫn được giữ lại, do đó Sheelah dần chìm vào quên lãng.

Ngày nay, số ít Sheela-na-gi còn sót lại thường có thể được tìm thấy gần những giếng thánh, bên cạnh có những cây điều ước để các tín đồ viết lên lời cầu nguyện của mình. Một số địa điểm vẫn còn tượng Sheelah tại Ireland ngày nay là đảo Boa; nhà thờ Taghboy, lâu đài Moate, tàn tích lâu đài Dunnaman, Bảo tàng Quốc gia Ireland...

Anh Minh (Theo CNN)/vnexpress