Trước đây, người dân huyện Than Uyên chỉ trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ nên nguồn thu nhập còn ít ỏi. Cho đến những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn dưới sự đồng hành và hỗ trợ của Nhà nước đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp tập trung giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, nhiều hộ dân trồng chè đều có thu nhập ổn định, năng suất và chất lượng chè ngày càng được nâng lên do người dân đã biết chăm sóc, thu hái đúng yêu cầu kỹ thuật và biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt.
Hàng năm, để người dân được tiếp cận với chính sách và chủ trương của nhà nước về phát triển cây chè, huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các chính sách, tạo điều kiện cho bà con nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn vay, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc để bà con nắm bắt được trong quá trình mở rộng diện tích, phát triển cây chè.
Là hộ nghèo của xã, gia đình bà Tòng Thị Nhơn (Đội 9, xã Phúc Than) trước đây chỉ cấy 3000m2 ruộng nước, diện tích còn lại là trồng ngô, sắn nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Năm 2016, thông qua chương trình hỗ trợ của nhà nước về đầu tư phát triển trồng chè đã làm thay đổi cuộc sống gia đình bà. Hiện nay, gia đình bà có 7000m2 chè cho thu hái ổn định với sản lượng hàng tháng là gần 1 tấn chè búp tươi, đem lại thu nhập gần 5 triệu đồng mỗi tháng. Thấy được hiệu quả mà cây chè mang lại nên gia đình bà rất tích cực chăm sóc và mở rộng diện tích cây trồng.
Bà Tòng Thị Nhơn (Đội 9, xã Phúc Than) đang thu hoạch chè tại đồi chè của gia đình.
Ông Lê Văn Dũng (Chủ tịch UBND xã Phúc Than, huyện Than Uyên) chia sẻ: “Năm 2015, xã Phúc Than được tỉnh, huyện quan tâm cho thực hiện dự án 300ha chè trên địa bàn. Thực tế, từ khi triển khai dự án, bước đầu khó khăn vì bà con nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ hiệu quả kinh tế lâu dài của cây chè. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cây chè đã cho thu hoạch được vài năm và mang lại lợi nhuận tốt, bà con nhận thấy được hiệu quả kinh tế nên đã tích cực đầu tư và tập trung vào quy trình trồng chè.”
Đàm Thị Quỳnh Trang