Theo ông Jens Lottner - Tổng Giám đốc Techcombank, đến năm 2030, mức sống của người dân Việt Nam sẽ còn cao hơn Malaysia, Indonesia… và người dân cần đến dịch vụ quản lý gia sản tốt hơn. Đó là lý do Techcombank đón đầu phân khúc giàu có, sẽ đẩy mạnh mảng quản lý gia sản cùng với TCBS.
Mở đầu Đại hội, ông Jens Lottner – Tổng Giám đốc Techcombank cho biết, Ngân hàng vẫn theo đuổi 4 trụ cột chính trong chiến lược của Techcombank là CASA 55%, vốn hoá 20 tỷ USD, thu nhập phí chiếm 30% tổng thu nhập, ROE 20%.
“Chúng tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP 6%. Việt Nam có dân số trẻ, sử dụng nhiều công nghệ và ngày càng giàu lên. Khi quốc gia giàu hơn người dân sẽ sử dụng ngân hàng nhiều hơn”, CEO Techcombank chia sẻ.
Theo ông Jens Lottner, đến năm 2030, mức sống của người dân Việt Nam sẽ còn cao hơn Malaysia, Indonesia… và người dân cần đến dịch vụ quản lý gia sản tốt hơn. Đó là lý do Techcombank đón đầu phân khúc giàu có, sẽ đẩy mạnh mảng quản lý gia sản cùng với Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS).
Ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐTV Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cho biết, người Việt Nam càng ngày càng giàu hơn thì xu hướng tất yếu là họ đa dạng hoá gia sản, đầu tư, tích luỹ, không chỉ vàng, bất động sản, tiết kiệm mà còn quỹ đầu tư, trái phiếu, cổ phiếu và nhiều tài sản khác. TCBS bắt đầu tập trung nhóm trung lưu, giàu có, chỉ đại diện 20% dân số nhưng đại diện cho 80% giàu có tại Việt Nam. Sau đó, TCBS sẽ mở rộng ra phân khúc rộng hơn. TCBS đang sẵn sàng đón đầu cơ hội trong sự tăng trưởng Việt Nam nhiều năm tới.
Năm 2024, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 27.100 tỷ đồng, tăng 18,4% so với thực hiện năm 2023, trên cơ sở kỳ vọng tăng trưởng dư nợ tín dụng mức 16,2%, đạt 616.031 tỷ đồng (theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước). Tiền gửi khách hàng phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Anh Mai