Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Nguyễn Thị Nguyệt Hường là ai?
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường sinh ngày 9-4-1970 tại Nam Định, có bằng cử nhân ngôn ngữ ở Nga, ngôn ngữ Anh tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và du học thạc sĩ QTKD tại Mỹ. Chồng bà là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) - ông Trần Anh Tuấn. Cả hai được biết đến như là cặp đôi quyền lực trong giới doanh nhân Việt Nam khi chồng là chủ tịch ngân hàng, vợ là chủ tịch tập đoàn bất động sản.
Bà Hường hiện đang giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam. Nữ chủ tịch từng là Đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XII, XIII thành phố Hà Nội. Ngoài ra, bà đã có cơ hội trở thành Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV. Tuy nhiên chỉ vì “sai lầm” của bản thân nên đã bị mất tư cách trở thành đại biểu Quốc hội.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường khi còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam
Nữ đại gia Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã đánh mất con đường chính trị của mình như thế nào?
Ngày 9-6-2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã công bố kết quả danh sách 496 người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, danh sách có tên bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã phát hiện ra sự việc nữ doanh nhân có thêm quốc tịch thứ hai: Cộng hòa Malta. Ngày 15-7-2016, đại diện Tiểu ban Nhân sự và Giải quyết khiếu nại tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã làm việc với bà Hường. Trong quá trình làm việc, bà Hường đã thừa nhận mang Quốc tịch Malta và có tài khoản nước ngoài, cổ phiếu quỹ Malta.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội nêu rõ “đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.
Đến ngày 17-7-2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức phiên họp khẩn cấp. 100% thành viên trong hội đồng nhất trí không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì không đủ tiêu chuẩn.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia, bà Hường đã vi phạm điều 4, Luật Quốc tịch Việt Nam. Hiến pháp quy định: “Công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Và tại điều 4, Luật quốc tịch Việt Nam quy định về nguyên tắc quốc tịch, nêu rõ "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác".
Ngày 3-8-2016, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vì vi phạm quốc tịch và kê khai tài sản.
Kể từ thời điểm đó, con đường chính trị của nữ đại gia được gây dựng 17 năm kể từ 1999-2016 xem như “gãy gánh” bởi vì chính bản thân bà.
Từ du học sinh Nga đến bà chủ hàng chục bất động sản khu công nghiệp
Từ đầu những năm 90, cũng như những doanh nhân du học tại Đông Âu bắt đầu sự nghiệp tại đây, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã tìm thấy được cơ hội kinh doanh đầu tiên của mình. Nữ doanh nhân đầu tư chuyển đổi một sân vận động tại Mát-xcơ-va thành một khu chợ, mong muốn thu hút người Việt tại Nga đến kinh doanh. Tuần đầu tiên khai trương, chợ không có người đến. Khi thấy cảnh tượng đó, bà trực tiếp kêu gọi từng người đến buôn bán và tặng thêm vài chục USD, kể cả không bán được hàng. Sau đó 1 tháng. không chỉ người Việt mà còn cả người Nga thay nhau xếp hàng mua vé vào chợ. Đây là nền tảng giúp cho vị nữ chủ tịch có được những trải nghiệm, bài học và cả nguồn lực tài chính cho sự nghiệp kinh doanh của mình.
Năm 1996, bà Hường trở về Việt Nam thành lập Công ty Cổ phần Nam Thắng. Công ty chuyên về lĩnh vực xuất khẩu da giày và là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Hà Nội khi ấy với quy mô gần 2000 lao động. Khi nhà máy bắt đầu mở rộng quy mô sản xuất, dời về Khu công nghiệp ở Hưng Yên. Lúc đó tập đoàn xe máy Lifan đang tìm kiếm nhà máy tại miền Bắc và đặt vấn đề thuê mặt bằng của Nam Thắng. Nữ doanh nhân nhận định sự kiện này vừa là cơ duyên, vừa là cơ hội cho việc đầu tư vào mảng bất động sản công nghiệp.
Doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường tại một sự kiện của TNG Holdings Việt Nam
Năm 2004, Công ty Cổ phần Nam Thắng tuyên bố dừng hoạt động và chính thức chuyển sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. Đến năm 2006, chỉ mới 37 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của VID Group - một trong những doanh nghiệp phát triển khu công nghiệp hàng đầu miền Bắc. Bà cũng từng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) - nơi chồng bà đang công tác. Ngoài ra, bà từng giữ thêm một số chức vụ cấp cao như Phó chủ tịch Ngân hàng VP Bank,...
Hiện nay, Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam của bà Hường đang sở hữu 14 khu công nghiệp với khoảng 3.000ha diện tích trên cả nước. Một số khu công nghiệp (KCN) có thể kể tên như: KCN Quang Minh (344ha), KCN Tân Trường (198ha), KCN Phúc Điền (82ha),.... Ngoài khu công nghiệp, TNG còn lấn sân sang mảng bất động sản nhà ở với việc công ty con TNR Holdings sở hữu các dự án nghìn tỷ. Một số dự án “khủng” như là: TNR Goldmark City, TNR The Goldview, TNR The Nostra,...
Toàn cảnh dự án TNR Goldmark City tại Hà Nội
Các dự án khu công nghiệp của bà Hường từng có thời gian liên tục dính lùm xùm tố cáo gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước do tình trạng xả thải. Điển hình là KCN Quang Minh trong hơn hàng chục năm đã xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng chục nghìn dân địa phương. Năm 2010, Cảnh sát môi trường và Công an Hà Nội đã xử phạt hàng tỷ đồng 62/75 doanh nghiệp tại KCN vì vi phạm luật bảo vệ môi trường.
Khu công nghiệp Quang Minh tại Mê Linh, Hà Nội
Doanh thu năm 2021 của TNG do bà Hường làm chủ tịch, ước tính đạt gần 14.000 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2020.
Minh Giang