Chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ Yên Châu

Thứ sáu, 08/06/2018 - 10:22

TNV - Ngày 11/6/1948, tại cây đa Nóng Luông bản Lựm (nay là bản Na Băng xã Mường Lựm) chi bộ Yên Châu trực thuộc Tỉnh uỷ được thành lập. Chi bộ gồm bốn đồng chí: Trần Quang Hòa, Trần Hạnh, Hoàng Thưởng, Cầm Khương. Đồng chí Trần Quang Hoà được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, phong trào cách mạng ở Yên Châu ngày càng lớn mạnh, công tác phát triển đảng viên được tăng cường.

Cây đa bản Lựm – nơi thành lập chi bộ đầu tiên

Trước yêu cầu của cách mạng, Tỉnh ủy Sơn La chỉ đạo phải đẩy mạnh công tác phát triển và xây dựng tổ chức đảng ở Yên Châu để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Qua thời gian thử thách, ngày 14/11/1947, đồng chí Trần Hạnh và Hoàng Thưởng là những thanh niên tự vệ chiến đấu ở Tạ Khoa, khi địch chiếm đóng đã ở lại hoạt động xây dựng dựng cơ sở địch hậu đã được kết nạp vào Đảng.

A1 Kể chuyện cách mạng bên cây đa lịch sử. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Ngày 11/6/1948, tại cây đa Nóng Luông bản Lựm (nay là bản Na Băng xã Mường Lựm) chi bộ Yên Châu trực thuộc Tỉnh uỷ được thành lập. Chi bộ gồm bốn đồng chí: Trần Quang Hòa, Trần Hạnh, Hoàng Thưởng, Cầm Khương. Đồng chí Trần Quang Hoà được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, phong trào cách mạng ở Yên Châu ngày càng lớn mạnh, công tác phát triển đảng viên được tăng cường. Chi bộ đã bồi dưỡng cán bộ, lựa chọn quần chúng trung kiên là người địa phương, dân quân du kích và các ủy viên Ủy ban kháng chiến…làm cơ sở phát triển, bổ sung cán bộ cho Đảng.

Đầu năm 1949, chi bộ Yên Châu có sự thay đổi về tổ chức cho phù hợp với tình hình mới. Tỉnh uỷ chỉ đạo sáp nhập Huyện uỷ Mộc Châu và chi bộ Yên Châu thành liên Huyện uỷ Mộc - Yên do đồng chí Bùi Thọ Chuyên làm Bí thư. Cơ quan của huyện uỷ lúc đó đóng ở khu căn cứ Mộc Hạ.

A2

A3 Trồng cỏ chăn nuôi gia súc nhốt chuồng ở xã Mường Lựm. Ảnh: P. Quỳnh.

Ngày 17 tháng 9 năm 1951, để đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Quyết định số 19/QĐ/SL về việc tách Liên Huyện uỷ Mộc - Yên, lập lại Ban Huyện uỷ (Ban cán sự Đảng) Yên Châu để trực tiếp lãnh đạo toàn diện địa bàn huyện Yên Châu. Ngày 20 tháng 11 năm 1952, cùng với huyện Mộc Châu, Yên Châu được giải phóng.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn do hậu quả của chế độ cũ để lại, nhưng với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng , nhân dân Yên Châu đã tập trung mọi cố gắng, huy động cao nhất sức người, sức của phục vụ chiến dịch với hơn 300 tấn lương thực, 16 tấn thực phẩm được gửi tới chiến trường, hàng nghìn con em các dân tộc lên đường nhập ngũ, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Một sự kiện đặc biệt đối với nhân dân các dân tộc Yên Châu, chiều ngày 7 và sáng ngày 8/5/1959, Yên Châu vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Từ sáng sớm ngày 8 tháng 5 năm 1959, hơn 1.000 cán bộ, nhân dân, bộ đội và các cháu thanh, thiếu niên tập trung đầy đủ, trật tự tại sân bản Khoóng xã Chiềng An, nay là tiểu khu 5, thị trấn Yên Châu để nghe Bác nói chuyện.

Nơi Bác Hồ về thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu đã trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong huyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Điển hình về sản xuất và chiến đấu giỏi

Trong cuộc chiến tranh phá hoại Sơn La bằng không quân, Yên Châu là điểm đánh phá trọng yếu, liên tục của đế quốc Mỹ, trên 90% số trận tập trung đánh vào cầu Tà Vài xã Chiềng Hặc, cầu Sắt xã Sặp Vạt, xung quanh khu vực bến phà Tạ Khoa. Ngoài ra, chúng đánh cầu bản Phát, dốc bản Mo, cầu Chiềng Đông và khu vực huyện lỵ.

Ngày 2/9/1965, Tiểu đội nữ dân quân Yên Châu phối hợp cùng đơn vị bộ đội pháo cao xạ bắn rơi một máy bay và bắt sống một phi công Mỹ. Đặc biệt, với tinh thần quyết tâm tiêu diệt địch, ngày 3/11/1965, dân quân Quàng Văn Kẻo (Chiềng Đông) một mình dùng súng trung liên bắn rơi một chiếc máy bay Mỹ. Tổng kết 10 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Yên Châu đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ các loại và bắt sống 1 tên giặc lái, tiêu diệt và bắt sống nhiều tên gián điệp, biệt kích, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt.

A7

A8 Du khách trải nghiệm vườn xoài. Ảnh: Lò Hà.

Trong Đại hội mừng công đánh thắng giặc Mỹ của tỉnh Sơn La, Yên Châu là một trong những đơn vị của tỉnh được báo cáo điển hình về sản xuất và chiến đấu giỏi. Tại Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc, Yên Châu vinh dự được chọn là đơn vị điển hình.

Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cờ thi đua xuất sắc cho Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Châu. Nhà nước tặng thưởng 17 Huân chương cho các tập thể, cá nhân có thành tích, Ủy ban hành chính tỉnh công nhận 10 chiến sỹ thi đua và trao tặng bằng khen, giấy khen,....

Tháng 9/1973, Khu ủy Quân khu Tây Bắc triệu tập Đại hội tổng kết phong trào thi đua quyết thắng. Quân và dân xã Tú Nang, xã Chiềng Hặc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, xã Chiềng Đông và đại đội 406 Yên Châu được thưởng Huân chương chiến công hạng Nhất.

Từ năm 1976 đến năm 1985, Đảng bộ Yên Châu tiến hành 3 kỳ Đại hội. Với những kết quả đạt được, năm 1983, Đảng bộ huyện Yên Châu là một trong hai đảng bộ của tỉnh Sơn La được Ban Bí thư Trung ương Đảng tặng cờ Đảng bộ trong sạch vững mạnh, được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng 02 huân chương Lao động về thành tích phát triển sản xuất và xây dựng kinh tế. Tháng 12/1984, huyện Yên Châu vinh dự được mời làm đại biểu dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết phát triển kinh tế gia đình toàn quốc tại Hà Nội. Năm 1985, Hợp tác xã Kim Chung xã Phiêng Khoài được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ năm 1986 đến nay, Đảng bộ huyện đã tổ chức 8 kỳ đại hội; các cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã có những chuyển biến và đổi mới về phương thức lãnh đạo, coi trọng việc đổi mới tác phong và lề lối làm việc; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn đoàn kết, nhất trí trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra.

Để ghi nhận những đóng góp và thành tích của Đảng bộ và nhân dân Yên Châu đã đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển, năm 2002, huyện Yên Châu vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Năm 2005, đồng chí Vì Văn Ỏm - Bí thư Đảng uỷ xã Chiềng On được công nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Vùng đất của xoài thơm, chuối ngọt

Thực hiện chủ trương di dân về tái định cư nhà máy thuỷ điện Sơn La, năm 2008, huyện tổ chức đón an toàn 388 hộ với 1.843 nhân khẩu ở huyện Quỳnh Nhai và Mường La về 5 xã, ở 10 điểm tái định, lập 10 bản mới. Bà con ở các điểm tái định cư trên địa bàn huyện yên tâm, phấn khởi, tích cực sản xuất, ổn định cuộc sống nơi ở mới.

Hơn 30 năm đổi mới, từ một huyện miền núi nghèo nàn, lạc hậu, Yên Châu đã vượt lên phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn liền với thị trường. Nhiều mô hình cây ăn trái được đầu tư phát triển hiệu quả, như: mô hình cây xoài ghép giống Đài Loan, Thái Lan; chuối cấy mô tại các xã dọc quốc lộ 6; nhãn ghép chín muộn tại các xã Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài,..tạo nên dấu ấn riêng có về vùng đất của xoài thơm, chuối ngọt.

A6

A5 Yên châu nổi tiếng với xoài thơm, chuối ngọt. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung: Đó là, mận hậu tại các xã Lóng Phiêng, Phiêng Khoài, Yên Sơn; trồng rau hàng hóa tại bản Chiềng Kim (xã Chiềng Sàng), bản Chiềng Thi, Chiềng Phú (xã Chiềng Pằn); trồng thanh long tại các xã Phiêng Khoài, Chiềng Pằn; trồng mía nguyên liệu cho nhà máy mía đường Sơn La tại các xã Phiêng Khoài, Yên Sơn, Chiềng Đông, Chiềng Sàng với diện tích hơn 1.000ha; đẩy mạnh trồng cỏ phát triển chăn nuôi đại gia súc, phát triển chăn nuôi gia trại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện rõ rệt. Có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đạt bước tiến đáng kể; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, truyền thanh, truyền hình phát triển mạnh mẽ. Có 24/66 trường học đạt chuẩn quốc gia, có 7/15 xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia; quốc phòng - an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới được giữ vững.

A9

A10 Xoài Yên Châu được HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc lựa chọn, đóng gói xuất khẩu ra nước ngoài. Ảnh: Lò Hà .

Ghi nhận những đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Yên Châu trong 70 năm qua, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng danh hiệu cao quý: 3 tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ; 1 tập thể và 1 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động; 10 bà mẹ được phong tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 1 Cờ thi đua xuất sắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Yên Châu trong kháng chiến chống Mỹ; 1 Huân chương Lao động hạng 3 về công tác bảo vệ giao thông thời chiến cho xã Sặp Vạt; hơn 2.000 huân, huy chương các loại, trong đó 205 huân chương hạng Nhất; hơn 4.000 bằng khen các loại do Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ban ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, tặng tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, từ một Chi bộ Yên Châu khi mới thành lập có 4 đảng viên, phát triển lên thành Ban cán sự đảng (năm 1951) và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (năm 1960); đến nay, Đảng bộ huyện Yên Châu với 66 chi, đảng bộ cơ sở, 292 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, 5.683 đảng viên, trải qua 20 kỳ đại hội.

Ở mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng bộ huyện luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới; sớm đưa Yên Châu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh, đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” , bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phạm Quỳnh