TNV - Anh Đỗ Văn Dệ - cán bộ của trung tâm tình quốc gia còn được biết đến với vai trò là một thủ lĩnh sinh viên. Sinh ra và lớn lên tại miền sông Hương- Núi Ngự, chàng trai xứ Huế này đã đem tất cả sự nhiệt huyết, tuổi trẻ của mình để đến với các hoạt động tình nguyện trên khắp cả nước. Phóng viên Thanhnienviet đã có buổi trò chuyện ngắn với anh Đỗ Văn Dệ để hiểu rõ hơn về các hoạt động tình nguyện mà anh đã thực hiện.
PV: Anh bắt đầu hoạt động tình nguyện từ khi nào, cơ duyên nào đưa anh đến với công việc này?
Anh Đỗ Văn Dệ: Mình hoạt động tình nguyện từ những ngày còn ở Huế. Đến năm 2008 mình bắt đầu đi học tại trường Đại học văn hóa Nghệ thuật Quân đội, từ đó mình có nhiều cơ hội để đến với hoạt động tình nguyện. Mình bắt đầu có nhiều hoài bão, đam mê hơn và đặc biệt là mình muốn rèn luyện, phấn đấu bản thân để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Chàng trai trẻ hết luôn hết mình trong công tác tình nguyện
Hết năm học thứ 2 mình may mắn được bầu làm bí thư đoàn cơ sở, 5 năm liền mình được giữ vị trí bí thư đoàn cơ sở với 3 nhiệm kì. Với vai trò là bí thư mình bắt đầu đưa ra các mô hình hoạt động cho phong trào đoàn trong đó có cả các hoạt động tình nguyện. Theo thời gian gắn bó dần thì mình bắt đầu hoạt động nhiều hơn với các chương trình tình nguyện của thanh niên.
PV: Điều gì thôi thúc anh gắn bó với công việc tình nguyện lâu như vậy, thưa anh?
Anh Đỗ Văn Dệ: Mình chỉ nghĩ đơn giản là khi mình kết thúc một hoạt động mình sẽ cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc và đặc biệt là đã cho bản thân thêm một lần được trưởng thành hơn. Mình đã góp một phần có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Điều tiếp theo đó là bản thân mình cảm thấy cuộc sống của chính mình có thêm ý nghĩa.
PV: Anh có thể chia sẻ đôi chút suy nghĩ về công việc tình nguyện anh đã và đang theo đuổi?
Anh Đỗ Văn Dệ: Nói về hoạt động tình nguyện thì có lẽ phải mất rất nhiều thời gian cũng không nói hết được. Hoạt động tình nguyện với mình còn tùy vào việc ta đứng vào vị trí, góc độ nào để nhìn nhận, ví dụ như cách nhìn của người ngoài cuộc và người trong cuộc. Có thể với nhiều người khi nhìn vào mình sẽ nói “Không hiểu cậu này làm gì mà suốt ngày chỉ thấy đi hoạt động tình nguyện.” hay là “ăn cơm nhà rồi lại đi vác tù và hàng tổng”, “việc nhà mình chưa lo mà chỉ thấy đi lo việc xã hội”. Đấy là cách mà người bên ngoài nhìn vào. Còn mình với góc độ là người trong cuộc mình lại nhìn nhận công việc tình nguyện theo góc độ khác. Khi đưa ra một mô hình hoạt động, mình rất tâm huyết với nó nhưng khi thực hiện không phải lúc nào cũng thành công và suôn sẻ. Mình cần phải tính toán đến rất nhiều yếu tố như nguồn lực, các tình nguyện viên. Để làm tốt được tất cả những việc này đòi hỏi bạn phải có một kế hoạch rất cụ thể và thuyết phục được những người xung quanh mình. Tình nguyện là việc nên làm, nhưng tình nguyện như nào mới đem lại kết quả tốt nhất mới là vấn đề khó.
PV: Anh có thể cho biết thời gian anh bắt đầu làm việc tại Trung tâm tình nguyện quốc gia và những công việc chính của trung tâm tại thời điểm đó?
Anh Đỗ Văn Dệ: Mình bắt đầu làm việc tại Trung tâm tình nguyện quốc gia từ cuối năm 2015. Chức vụ của mình được giao tại trung tâm là cán bộ chương trình phụ trách tất cả các sự kiện, chương trình của trung tâm; tham mưu cho lãnh đạo về các mô hình hoạt động, công văn liên quan đến nghiệp vụ. Ngoài ra mình còn được giao nhiệm vụ điều phối các mạng lưới tình nguyện trên cả nước bao gồm miền Bắc, miền Trung, miền Nam và khu vực Tây Nguyên. Trong đó mình quản lí trực tiếp mạng lưới tình nguyện tại khu vực miền Bắc.
Thời gian đầu tiếp nhận công việc này mình cũng gặp rất nhiều điều bỡ ngỡ. Xuất phát trước đây mình chỉ đứng ở vị trí của một câu lạc bộ có quy mô nhỏ nhưng bây giờ khi ở vị trí là trưởng ban nghĩa là mình đang điều hành một hệ thống tình nguyện vô cùng lớn. Tư duy của mình đòi hỏi phải nhìn xa trông rộng hơn so với trước nhiều hơn.
PV: Trong suốt quá trình làm việc tại Trung tâm tình nguyện quốc gia thì chương trình nào để lại trong anh nhiều cảm xúc nhất? Tại sao?
Anh Đỗ Văn Dệ: Mình đã từng làm rất nhiều chương trình, mỗi chương trình lại có một cung bậc cảm xúc, một dư vị khác nhau. Nhưng nếu chỉ được một chương trình tiêu biểu nhất mình sẽ nói về chương trình “Tết đảo xa – Quà đất liền” mà mình vinh dự được tham gia vào Tết nguyên đán Đinh Dậu vào khoảng tháng 2/2017 vừa qua. Đây có thể nói là một chương trình để đời của mình vì mình đã được thực hiện ước mơ là đặt chân lên những hòn đảo ghi dấu chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Những chuyến đi ghi dấu sự nhiệt huyết của tuổi trẻ
Khi đặt chân lên các hòn đảo đó cảm xúc trong mình thật sự dâng trào. Một nơi đầu sóng ngọn gió thiếu thốn đủ mọi thứ về vật chất nhưng tinh thần của những người lính lại luôn lạc quan, vui vẻ. Phương tiện liên lạc về với gia đình của các anh lính chỉ có cách là viết thư tay nhưng cũng phải mất 6 tháng mới có thể nhận được một bức thư. Thậm chí có trường hợp lá thư được gửi đi nhưng khi chủ nhân hoàn thành xong nhiệm vụ ở ngoài đảo về lại đất liền rồi mới nhận được. Lúc nghe câu chuyện này mình thật sự rất xúc động và khâm phục ý chí của những người lính đảo. Với bao nhiêu thiếu thốn về cả tinh thần và vật chất như vậy mà các anh vẫn vững tay súng, ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hòn đảo đầu tiên mình tới là đảo Đá Lớn C – quần đảo Trường Sa, khi thăm đảo trở về mình có được tặng một lá cờ Tổ quốc đã bạc màu vì nắng gió nơi đánh dấu chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước do Trung uý Vũ Văn Lan - Chính Trị viên Đảo ký tặng. Thời gian vừa qua mình cũng đã cho bán đấu giá lá cờ này để gây quỹ 422 Phiếu suất ăn miễn phí (tương đương với 10.550.000 đ) dành cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt tại Viện Huyết học - Truyền máu TW.
PV: Theo anh điều gì là cần nhất ở một người thủ lĩnh thanh niên?
Anh Đỗ Văn Dệ: Với mình với một người thủ lĩnh thanh niên cần “nhiệt huyết”, “năng động”, “sáng tạo”. Chính ba yếu tố này khi hội tụ đủ sẽ làm nên được cái chất của một người thủ lĩnh. “Nhiệt huyết” để khẳng định rằng những công việc bạn làm là không bao giờ bỏ dở và chùn bước trước mọi khó khăn. “ Năng động” chính là việc bạn nhanh nhẹn, tiếp cận nhanh được với công việc còn “sáng tạo” chính là đưa được ra nhiều mô hình hay, ý nghĩa để thiết thực với cộng đồng, xã hội. Khi làm việc gì mình còn nghĩ đến chữ “tâm”, chữ “tâm” của công việc và chữ “tâm” của lòng nhân đạo.
PV: Đã khi nào anh cảm thấy áp lực, chán nản hay muốn bỏ cuộc trước những khó khăn? Điều gì đã giúp anh vượt qua?
Anh Đỗ Văn Dệ: Khó khăn và áp lực, ai trong cuộc sống, công việc cũng sẽ đều có. Nhưng với mình sự áp lực, chán nản hiện tại chưa đủ để khiến mình bỏ cuộc trước bất kì thử thách nào. Với 7 năm học tập và rèn luyện tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với bao nhiệm vụ, thử thách đã tạo cho mình một nền tảng vững vàng trước mọi khó khăn. Nhiều khi bây giờ nếu không được làm việc liên tục mình sẽ cảm thấy rất nhàm chán, cảm thấy cuộc sống không có niềm vui và hứng thú.
PV: Với vai trò là một thủ lĩnh thanh niên thì yếu tố “trách nhiệm” trong công việc là rất cần thiết. Theo anh, ngoài yếu tố này thì còn có yếu tố nào quan trọng để duy trì các hoạt động tình nguyện?
Anh Đỗ Văn Dệ: Với mình “trách nhiệm” đó chỉ là một yếu tố cơ bản và là một điều kiện cần. Còn những yếu tố cần thêm như là kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng huy động được nguồn lực. Ví dụ khi bạn đưa ra một chương trình tình nguyện cho thanh niên, vậy kinh phí để phục vụ cho chương trình bạn sẽ lấy từ đâu. Câu hỏi đấy sẽ phải được chính người thủ lĩnh giải quyết thông qua việc ngoại giao, xin tài trợ, phát động các chương trình bán hàng gây quỹ,….
PV: Việc duy trì trung tâm và “giữ lửa” cho các tình nguyện viên là điều vô cùng cần thiết. Anh đã làm gì để thổi ngọn lửa tâm huyết cho các bạn tình nguyện viên?
Anh Đỗ Văn Dệ: Sau giờ làm việc hành chính, mình dành thời gian cho việc nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp, mô hình hoạt động hay, gần gũi với các bạn tình nguyện viên. Mình lắng nghe, tìm hiểu về tính cách các bạn để hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các bạn là gì để từ đó điều chỉnh cách thức tổ chức, quản lý. Những ngày cuối tuần mình có những hành động cụ thể bằng cách thường tổ chức các chương trình đồng hành, giao lưu, vui chơi thể dục thể thao để gắn kết các bạn lại gần nhau hơn, đưa các bạn đi tham gia nhiều chương trình hơn và sẵn sàng lắng nghe những chia sẻ của các bạn.
PV: Anh có dự định gì cho công việc trong thời gian sắp tới, thưa anh?
Anh Đỗ Văn Dệ: Muốn giúp ích được cho cộng đồng, xã hội thì chính bản thân mình cũng phải có một vị trí đứng ổn định. Tương lai mình sẽ tìm một công việc khác với công việc hiện tại của mình tuy nhiên hoạt động tình nguyện sẽ không bao giờ tắt đối với mình. Dù ở bất cứ cương vị nào thì mình cũng vẫn sẽ luôn sẵn sàng với hoạt động tình nguyện
PV: Anh có điều gì muốn nhắn nhủ đến các tình nguyện viên của Trung tâm tình nguyện quốc gia nói riêng và các bạn trẻ nói chung?
Anh Đỗ Văn Dệ: Khi mình còn trẻ, nếu các bạn không dám dấn thân với các hoạt động tình nguyện thì đó là một sự thiệt thòi rất lớn đối với chính bản thân các bạn. Môi trường hoạt động xã hội chính là nơi để các bạn có cơ hội học hỏi và trưởng thành mà không một ngôi trường đại học nào có thể mang lại. Mình mong muốn rằng thế hệ trẻ ngày nay các bạn hãy cống hiến một phần công sức cho xã hội vì xã hội này cần chính sức trẻ của các bạn. Sự cho đi của các bạn ngày hôm nay sẽ đem lại cuộc sống tươi đẹp hơn về tương lai.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện. Chúc anh sức khỏe và thành công!
Mai Ngọc