Chàng trai 9X “ẵm” 2 giải nhất môn Giải tích kì thi Olympic toàn quốc

Thứ năm, 09/06/2016 - 08:40

“Toán học cũng như một môn nghệ thuật và những người làm toán là những người nghệ sĩ chân chính, những người khám phá ra vẻ đẹp của những con số và kí hiệu”, Trần Bảo Trung, chàng trai trẻ xuất sắc 2 năm liền giành giải nhất môn Giải tích kì thi Olympic toàn quốc chia sẻ.

Trần Bảo Trung hiện là sinh viên năm thứ 2 lớp Kĩ sư tài năng Toán – Tin (Đại học Bách Khoa Hà Nội) là một bạn trẻ tài năng và có niềm đam mê vô tận với Toán học. Chính niềm đam mê ấy giúp chàng trai 9X đạt được nhiều thành tích “khủng” trong học tập.

Chàng trai 9X Trần Bảo Trung với tình yêu bất tận với môn toán Chàng trai 9X Trần Bảo Trung với tình yêu bất tận với môn toán

BảoTrung từng đạt giải Nhất học sinh giỏi Toán tỉnh Nghệ An, giải Nhì học sinh giỏi quốc gia môn Toán cả hai năm 11 và 12. Trung còn lọt vào vòng thi chọn đội tuyển Olympic Việt Nam dự thi học sinh giỏi toán quốc tế. Vừa bước vào năm đầu Đại học, không cho phép bản thân nghỉ ngơi thư giãn sau quá trình ôn luyện vất vả, với sự nỗ lực và quyết tâm, Trung trở thành thủ khoa môn Giải tích kì thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc, đồng thời đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc toàn khóa K59 của trường. Năm thứ hai, Trung một lần nữa đạt giải nhất môn Giải tích kì thi Olympic Toán dành cho sinh viên toàn quốc trong ánh mắt khâm phục, ngưỡng mộ của bạn bè.

Trần Bảo Trung (đứng ngoài cùng tay phải) và bạn bè trong kì thi Olympic toán học sinh viên toàn quốc. Trần Bảo Trung (đứng ngoài cùng tay phải) và bạn bè trong kì thi Olympic toán học sinh viên toàn quốc.

Cùng trò chuyện với chàng trai trẻ nhưng đầy tài năng, nhiệt huyết để lắng nghe những chia sẻ bí quyết học tập, suy nghĩ của bạn ấy về môn toán và dự định tương lai của bạn trong tương lai nhé!

Phóng viên (PV): Chào bạn, hiện tại cảm xúc của bạn như thế nào khi liên tiếp giành 2 giải nhất môn Giải tích kì thi Olympic toàn quốc ?

- Khi biết kết quả thi, cảm giác đầu tiên của mình là bất ngờ vì mình không tự tin với bài làm của mình lắm như lần thi trước, mình chỉ dự đoán được giải nhì thôi. Sau đó mình sung sướng gọi điện báo về cho gia đình.

PV: Nhiều người quan niệm toán học là môn học khô khan, phức tạp, khó hiểu. Vậy điều thú vị gì ở bộ môn khó nhằn khiến bạn thực sự bị cuốn hút, đam mê ?

-Thực ra toán học không khô khan, khó hiểu như mọi người vẫn tưởng. Mình khá bất ngờ khi những người làm toán thành công như giáo sư Ngô Bảo Châu rất được các bạn trẻ mến mộ nhưng lại rất ít người theo đuổi nghiệp làm toán. Đối với cá nhân mình toán học cũng như một môn nghệ thuật và những người làm toán là những người nghệ sĩ chân chính, những người khám phá ra vẻ đẹp của những con số và kí hiệu. Mỗi lần làm toán mình như được tham gia vào trò chơi trí tuệ đỉnh cao để rồi vỡ òa trong sung sướng khi tìm ra những bài toán hay, những lời giải đẹp. Đó cũng chính là động lực để mình theo đuổi môn học này.

PV: Đâu là yếu tố quyết định để giúp bạn học tốt môn toán?

-Yếu tố quyết định nhất giúp mình học tốt môn toán là sự say mê, trí tò mò mong muốn khám phá ra cái đẹp trong toán học.

PV: Điều khiến bạn thất vọng nhất về bản thân trong niềm đam mê toán là gì?

-Điều khiến mình thất vọng nhất đối với niềm đam mê toán học của mình là sự kiên trì. Càng học lên cao, những vấn đề của toán học càng hay, càng đẹp nhưng cũng đồng nghĩa với việc nó rất khó, cái gì đẹp thường khó hiểu mà. Nhiều lúc mình không đủ kiên nhẫn theo đuổi đến cùng mà bị những cám dỗ khác hấp dẫn. Thế mới nói, làm việc gì cũng cần có đam mê nhưng cần cả kỷ luật để theo đuổi đam mê đó.

PV: Bạn vượt qua nỗi thất vọng mang tên “thiếu kiên nhẫn” ấy như thế nào?

- Những lúc thiếu kiên nhẫn mình thường tìm đến thầy cô hoặc bạn bè để tìm những lời khuyên hay đơn giản chỉ là trò chuyện giải khuây để tìm lại hứng thú.

PV: Nhiều bạn trẻ ngày nay cho rằng chỉ những ai có năng khiếu bẩm sinh mới học tốt toán học còn nếu không có cố gắng học cũng không đạt kết quả cao, bạn có suy nghĩ gì với quan điểm này?

-Nhiều người cho rằng muốn học toán tốt cần có năng khiếu bẩm sinh, mình không phủ nhận ý kiến này bởi giống như những môn nghệ thuật khác, những người nghệ sỹ cần có những tố chất nhất định và để đi đến thành công cần quá trình lao động, rèn luyện nghiêm túc, bài bản. Nhưng cũng cũng không nên vì thế mà tự ti trước môn toán, nhiều người bình thường không giỏi hội họa hay âm nhạc vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của nó đấy thôi.

PV: Luôn đối mặt với những phép tính toán, công thức khó có thể tránh khỏi sự căng thẳng. Vậy khi đó bạn thường làm gì để thư giãn đầu óc?

-Những lúc căng thẳng, mình thường hay nghe nhạc, hoặc đến phòng tập Gym để rèn luyện sức khỏe, ông cha ta vẫn nói có thực mới vực được đạo mà.

PV: Toán học ứng dụng vào cuộc sống của bạn như thế nào?

-Toán học ứng dụng vào cuộc sống mình rất nhiều. Một trong những ứng dụng mà mình tâm đắc nhất là toán học hóa chuyện tình yêu: Hàm số f như là sự nghiệp và đạo hàm f' như là tình yêu, khi f đạt cực đại thì f'=0 tức là chuyện tình cảm của mình trở nên tồi tệ nhất, vì thế những nhà toán học trước khi thành công thường lấy vợ rất sớm

PV: Môi trường Đại học Bách Khoa bạn đang theo học hiện tại tạo điều kiện cho bạn học tập, phát triển năng lực như thế nào?

-Môi trường Đại học Bách Khoa tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho mình theo đuổi niềm đam mê. Các thầy cô luôn tận tình giúp đỡ sinh viên, hay được học cùng với những bạn sinh viên giỏi khác là cơ hội quý báu mà mình có được. Tuy nhiên, thi cử ở Bách Khoa rất khắc nghiệt, cũng vì thế mà nhiều người vẫn nói Bách Khoa là nơi đào tạo những con người giỏi để họ biết họ chưa phải là người giỏi nhất.

PV: Sắp tới bước vào kì thi quốc gia bạn có thể chia sẻ bí quyết học toán hiệu quả để các sĩ tử đạt kết quả tốt nhất được không?

-Sắp bước vào kì thi quốc gia, mình có một kinh nghiệm rất hay muốn chia sẻ với các sĩ tử đó là hãy tham gia vào các diễn đàn toán học trên mạng, nới mà các bạn sẽ được giao lưu học hỏi rất nhiều kiến thức quý báu từ những thầy cô giỏi hay những bạn học sinh xuất sắc khác.

PV: Với niềm đam mê toán học như vậy, bạn có định hướng tương lai của mình như thế nào?

-Định hướng tương lai của mình là tiếp tục theo đuổi toán học, săn học bổng thạc sỹ du học ở Châu Âu.

PV: Thực tế, rất nhiều bạn sinh viên giỏi toán đi du học nước ngoài và định cư bên đó luôn. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?  Vì sao họ không trở về để cống hiến cho đất nước?

-Mình không ngạc nhiên khi nhiều người làm toán tốt định cư ở nước ngoài, điển hình như giáo sư Ngô Bảo Châu. Công bằng mà nói môi trường làm việc ở nước ngoài, chuyên nghiệp và tốt hơn ở Việt Nam rất nhiều. Tuy vậy, không thể phủ nhận những đóng góp của họ cho nước nhà, chẳng hạn giáo sư Ngô Bảo Châu mỗi năm vẫn về nước làm việc nhiều tháng tại viện toán cao cấp đấy thôi.

PV:Chắc hẳn bạn rất thần tượng Giáo sư Ngô Bảo Châu khi liên tục nhắc đến tên giáo sư? Bạn có nghĩ với khả năng của bản thân, bạn có thể đạt được thành công như giáo sư trong tương lai?

-Đúng rồi, ai làm toán chắc đều thần tượng giáo sư. Mình thần tượng giáo sư bởi Ngô Bảo Châu là người thứ 2 của Châu Á giành được giải thưởng Field, là người mang đẳng cấp Việt Nam ra trường quốc tế. Còn về phía mình, mình chẳng dám mong được như giáo sư nhưng trên tất cả với niềm đam mê, mình muốn được đóng góp một phần dù là nhỏ bé cho bộ môn toán học đầy thú vị này.

Cảm ơn bạn đã nhiệt tình tham gia trả lời phỏng vấn. Hi vọng rằng, với tình yêu dành cho môn toán, Trần Bảo Trung sẽ gặt hái thật nhiều thành công trên con đường phía trước và đem vinh quang về cho đất nước Việt Nam.

Hà Nhung