Số ca mắc bệnh tăng dù tỷ lệ tiêm chủng cao
Kết quả chống dịch của Israel đang được một số quốc gia châu Á như Singapore theo dõi chặt chẽ. Vào cuối tháng 8, Singapore đạt tỷ lệ tiêm chủng là 80% nhưng số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng gia tăng. Quốc gia Đông Nam Á này đã vạch ra chiến lược coi Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu.
Người dân tại điểm tiêm vaccine Covid-19 ở Herzliya, Israel hồi tháng 2. Ảnh: Reuters
Hôm 2/9, Israel ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục là 11.187 ca vào ngày trước đó. Số ca nhiễm virus tăng vọt một phần do việc xét nghiệm diện rộng tại nước này, nhưng đây được xem là số ca mắc bệnh cao tại một quốc gia đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 60% dân số. Trong số các ca nhiễm virus mới, có hơn 6.000 người chưa tiêm vaccine và hơn 4.000 người đã tiêm chủng đầy đủ, theo dữ liệu của Bộ Y tế Israel.
Israel là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới khuyến nghị tiêm mũi vaccine thứ ba cho những người từ 12 tuổi trở lên, qua đó thay đổi ý nghĩa của khái niệm “tiêm chủng đầy đủ”.
Giáo sư Eyal Leshem của Trung tâm Y tế Sheba tại Israel đã đưa ra những đánh giá tích cực về chương trình tiêm chủng tại quốc gia này.
“Đây là nền tảng để các hoạt động trong cuộc sống diễn ra gần như bình thường. Mặc dù trẻ em đang trong kỳ nghỉ, các hoạt động thương mại và các sự kiện vẫn tiếp tục diễn ra. Hạn chế lớn duy nhất là yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi ở trong nhà”, ông Eyal Leshem nói.
Ngay cả khi nền kinh tế vẫn tiếp tục hoạt động, số ca mắc bệnh nặng được ghi nhận tại Israel vẫn thấp hơn nhiều so với con số 1.100 ca hồi tháng 1. Dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế Israel cho thấy, số ca mắc Covid-19 nghiêm trọng vào ngày 2/9 là 673 ca, giảm so với 752 ca vào ngày 30/8. Số ca tử vong hàng ngày là khoảng 20-30 người, ít hơn một nửa so với tháng 1.
“Chúng tôi đã thấy hiệu quả bảo vệ tuyệt vời từ 2 liều vaccine. Tỷ lệ bệnh nặng ở những người chưa tiêm vaccine là gần 300 ca trên 100.000 người, trong khi tỷ lệ này ở những người đã tiêm chủng đầy đủ là 19 ca trên 100.000 người”, ông Leshem nhấn mạnh.
Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội châu Á - Thái Bình Dương về vi sinh và lây nhiễm lâm sàng tại Singapore cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông Tambyah cho rằng, bài học từ Israel tiếp tục ủng hộ quan điểm lựa chọn duy nhất có thể là sống chung với Covid-19.
“Dù số ca nhiễm virus ở Israel cao, nhưng số ca mắc bệnh nặng và tử vong thấp hơn nhiều so với những đợt bùng phát dịch trước khi chương trình tiêm chủng được triển khai. Chúng ta có thể phải chấp nhận để số ca mắc Covid-19 tăng, miễn là không có sự gia tăng tương ứng đối với số ca bệnh nặng và ca tử vong”, ông Tambyah nói với Nikkei Asia.
Tuy nhiên, nếu 2 liều vaccine Covid-19 đã có thể mang lại hiệu quả bảo vệ cao, tại sao Israel lại vội vàng tiêm mũi thứ 3 cho người dân?
Giáo sư Leshem giải thích chính phủ Israel hiểu rằng biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn, ngay cả trong một cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao. Điều này dẫn đến việc số lượng bệnh nhân dù được tiêm chủng đầy đủ nhưng vẫn phải nhập viện sẽ cao hơn.
Nghiên cứu của các chuyên gia hàng đầu tại Israel cho thấy, khả năng miễn dịch sẽ giảm đi sau khi tiêm chủng 6 tháng ở tất cả các nhóm tuổi.
Bài học “sống chung với Covid-19” trong tương lai
Bên cạnh Israel, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã bắt đầu lên kế hoạch tiêm liều bổ sung cho người dân. Singapore ngày 30/9 cho biết sẽ cung cấp mũi tiêm tăng cường cho người cao tuổi và những người bị suy giảm hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, việc tiêm liều vaccine thứ ba đã gây ra các cuộc tranh luận về mặt đạo đức và khoa học.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng mũi tiêm tăng cường sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung vaccine của các nước nghèo. Trước quyết định tiêm liều vaccine thứ ba của Singapore, ông Tambyah cho rằng “không có bằng chứng chắc chắn cho thấy việc tiêm mũi vaccine thứ ba là cần thiết”.
Theo Giáo sư Leshem, nghiên cứu của các nhà khoa học Israel đã gặp nhiều chỉ trích. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người cao tuổi tiêm liều vaccine thứ hai vào tháng 3 được bảo vệ khỏi lây nhiễm virus cao hơn 1,6 lần so với những người tiêm liều thứ hai vào tháng 1.
Ông Leshem cho rằng, có những dữ liệu cho thấy mũi tiêm tăng cường có hiệu quả và “tỷ lệ lây nhiễm chậm lại cũng một phần nhờ mũi tiêm bổ sung”.
Tính đến ngày 3/9, Israel đã tiêm liều vaccine thứ ba cho 2,48 triệu người.
Nếu dữ liệu nghiên cứu cuối cùng xác định rằng mũi tiêm tăng cường là cần thiết, điều này sẽ đặt ra một câu hỏi: Liệu chúng ta có cần liều đến liều thứ tư hoặc nhiều hơn không? Ông Leshem cho biết, điều này rất “khó dự đoán”.
“Diễn biến tự nhiên của một bệnh truyền nhiễm thường hướng tới một trạng thái cân bằng mới. Điều này có nghĩa là trong một vài tháng hoặc vài năm, chúng ta có thể đạt đến giai đoạn virus lây lan trong cộng đồng nhưng chủ yếu gây ra triệu chứng mắc bệnh nhẹ vì phần lớn dân số đã có miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc do từng nhiễm virus trước đó”, ông Leshem nói.
Cả hai chuyên gia Leshem và Tambyah đều có chung nhận định rằng, trong tương lai, các quốc gia phải học cách kiểm soát các đợt bùng phát dịch mà không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế.
“Kinh nghiệm của Israel đã mang lại bài học là khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng, số ca mắc Covid-19 vẫn sẽ tăng ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức cao”, ông Leshem nói.
Giáo sư Leshem nói thêm rằng, trong trường hợp này, một chiến lược kết hợp việc tiêm vaccine, tăng cường khả năng miễn dịch, thông tin đáng tin cậy từ chính phủ và trách nhiệm của mỗi người dân có thể giúp các nước hoạt động bình thường trong đại dịch.
Trong khi đó, ông Tambyah coi việc cố gắng đưa số ca mắc Covid-19 về 0 là “điều vô ích”.
“Chúng ta nên tập trung vào việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương, theo dõi các ổ dịch lớn, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế và duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân”, ông Tambyah nói./.
CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch)Theo Nikkei Asia