Châu Âu chia rẽ khi kinh tế ngày càng điêu đứng vì trừng phạt Nga

Thứ tư, 20/07/2022 - 09:06

Những yêu cầu của Ukraine đang khiến một số nhà lãnh đạo phương Tây thất vọng khi họ cho rằng Kiev dường như không thể đánh giá nguyên tắc then chốt của trừng phạt - đó là phải tác động đến Nga nhiều hơn các nước áp đặt trừng phạt.

Phép thử sự đoàn kết của EU

Ngày 18/7, tại Hội nghị các Ngoại trưởng EU, các đại biểu đã nhất trí về gói trừng phạt thứ bảy chống lại Nga. Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã yêu cầu các nhà ngoại giao Ukraine "làm mọi thứ có thể để tăng cường" lệnh trừng phạt này.

Gói trừng phạt mới của EU sẽ nhắm vào vàng Nga và thay đổi một số biện pháp trừng phạt cho phù hợp với những biện pháp đã được các thành viên G7 thực hiện trước đó. Lệnh trừng phạt này cũng tăng cường các yêu cầu và cải thiện hiệu quả việc đóng băng tài sản của một số cá nhân và thực thể đang bị trừng phạt. Ngoài ra sẽ có thêm những mặt hàng lưỡng dụng bị cấm bán cho Nga. Tuy nhiên, với Ukraine, những biện pháp này vẫn chưa đủ và những yêu cầu cứng rắn của Kiev đang trở thành phép thử với sự đoàn kết của EU.

Ukraine tiếp tục hối thúc EU tăng cường lệnh cấm vận khí đốt Nga nhưng họ tiếp tục thất vọng trước thỏa thuận gần đây của Đức và Canada nhằm dỡ bỏ hạn chế với một thiết bị quan trọng - đó là turbin của Dòng chảy phương Bắc - đường ống dẫn khí chạy từ Nga tới Đức.

Kiev cũng cho rằng, một lần nữa dưới sự thúc đẩy của Đức, quyết định của Brussels khi dỡ bỏ hạn chế với việc vận chuyển hàng hóa từ Belarus và Nga tới Kaliningrad, vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa Litva và Biển Baltic, được coi là một dấu hiệu cho thấy sự thỏa hiệp của phương Tây.

Tổng thống Ukraine Zelensky đã gọi việc dừng các lệnh hạn chế hoặc bất kỳ lời từ chối nào để đưa các lệnh trừng phạt đi xa hơn là sự yếu đuối.

"Quyết định về những ngoại lệ trong các lệnh trừng phạt sẽ khiến Moscow coi đó là biểu hiện của sự yếu đuối", ông Zelensky bình luận,

Nhà lãnh đạo Ukraine và các cố vấn của ông lo ngại Nga sẽ thử thách các nước châu Âu vào mùa đông tới bằng cách cắt nguồn cung khí đốt nếu châu Âu không nhượng bộ hoặc không dừng vận chuyển vũ khí tới Ukraine.

Kiev cũng lo ngại, nhiều khả năng Nga sẽ tận dụng cơ hội để gây sức ép lên châu Âu nhằm phá vỡ sự đoàn kết vốn đã mong manh của châu lục này. Theo Viện Nghiên cứu Istituto Affari Internazionali của Italy, Nga tin rằng với sức chịu đựng thấp hơn, châu Âu sẽ bị chia rẽ và không thể tránh khỏi việc phải dỡ bỏ trừng phạt Moscow.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo, EU không nên nới lỏng các biện pháp trừng phạt Nga hay đáp ứng các yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin.

"Lùi bước và cúi đầu trước các yêu cầu của Nga sẽ không hiệu quả. Đây là một cái bẫy", ông Kuleba nhận định trong cuộc họp của 27 Ngoại trưởng EU ngày 18/7.

Nhà quan sát Jamie Dettmer bình luận trên Politico rằng, dường như Tổng thống Zelensky ngày càng hiểu sai lập trường của công chúng Tây và Nam Âu, nơi các nhà lãnh đạo có thể thay đổi quyết định sau những cuộc thăm dò dư luận và những hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp ngày càng lo ngại khi chi phí sinh hoạt bị thắt chặt trước nguy cơ khủng hoảng khu vực đồng euro.

Cũng theo ông Jamie Dettmer, nhà lãnh đạo Ukraine đang vô tình chia rẽ sự đoàn kết của châu Âu khi thúc đẩy một cuộc chiến tranh kinh tế với Nga. Một số nhà ngoại giao châu Âu đã kín đáo bình luận rằng ông Zelensky nên hạ giọng về vấn đề này. Trong những ngày qua, một số nhà lãnh đạo châu Âu công khai nhấn mạnh, Ukraine sẽ không được lợi ích gì nếu một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn vào mùa đông trong trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Càng trừng phạt nền kinh tế châu Âu càng điêu đứng

Ở khắp châu Âu, những dấu hiệu của sự mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine ngày càng gia tăng. Những ngân hàng lương thực ở Italy đang phải đáp ứng nhu cầu của nhiều người hơn. Các quan chức Đức từ chối dùng điều hòa khi chuẩn bị các kế hoạch để phân bổ khí tự nhiên cũng như mở lại các nhà máy than đá. Đồng euro xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm so với đồng USD và nguy cơ suy thoái ngày càng lớn.

Trong khi đó, gia năng lượng tăng cao đang đem lại lợi ích cho Nga khi nước này là một nhà xuất khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên lớn, đồng thời có kinh nghiệm nhiều năm chung sống với các lệnh trừng phạt. Nga đã giữ ổn định đồng rúp và ứng phó được với lạm phát bất chấp sự cô lập về kinh tế.

Những yêu cầu của Ukraine cũng đang bắt đầu khiến một số nhà lãnh đạo phương Tây thất vọng khi họ cho rằng Kiev dường như không thể đánh giá nguyên tắc then chốt của các lệnh trừng phạt - đó là chúng phải có tác động đến Nga nhiều hơn so với những nước áp đặt trừng phạt.

Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada đã lý giải quyết định của nước này khi trả lại turbin của đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 cho Nga rằng: "Lệnh trừng phạt không phải là gây hại cho các đồng minh của chúng ta. Chúng không được gây tổn thất cho nền kinh tế Đức".

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng đồng quan điểm khi nhận định với Bloomberg rằng: "Tôi sẽ là người đầu tiên ủng hộ một gói trừng phạt mạnh mẽ khác của EU nhưng các biện pháp trừng phạt này phải gây tổn thất cho Nga nhiều hơn cho nền kinh tế của chúng ta".

Hiện nay, phản ứng duy nhất của Ukraine là yêu cầu tăng cường các biện pháp trừng phạt trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng đối mặt với nhiều thách thức để duy trì sự ủng hộ cho Kiev giữa bối cảnh giá cả tăng cao. Tổng thống Ukraine Zelensky lo ngại phương Tây sẽ mệt mỏi vì các lệnh trừng phạt nhưng ông cũng lo ngại về việc các nước Tây và Đông Âu mất dần kiên nhẫn và quay lưng với những yêu cầu của Ukraine./.

Kiều Anh/VOV