Châu Âu tìm cách giải “câu đố Patriot” ở Ukraine

Thứ hai, 08/07/2024 - 08:20

Với việc Ukraine kêu gọi cung cấp thêm hệ thống phòng không, các nước châu Âu đang cố gắng chế tạo một khẩu đội Patriot từ các phụ tùng thay thế nằm rải rác khắp lục địa.

Câu đố Patriot

Kế hoạch của châu Âu nhằm cung cấp cho Ukraine thêm hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ các thành phố của nước này trước các cuộc không kích của Nga đang được thực hiện từng bước một.

Radar và 3 bệ phóng tên lửa đang được Hà Lan cung cấp. Một số tên lửa đánh chặn đến từ liên minh 4 nước do Đức dẫn đầu. Một trung tâm điều khiển hỏa lực di động đã được hứa hẹn, mặc dù các quan chức vẫn chưa cho biết nó sẽ đến từ đâu. Các cung cấp tên lửa và bệ phóng bổ sung cũng như việc đào tạo binh sĩ Ukraine sử dụng hệ thống phức tạp này sẽ do 8 quốc gia thực hiện.

Một hệ thống phòng không Patriot của NATO ở Silac, Slovakia, năm 2022. Ảnh: EPA

“Chúng tôi có tất cả các mảnh ghép và chỉ cần ráp chúng lại với nhau”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước khi rời nhiệm sở vào tuần trước. 

Đó là “câu đố Patriot”. Các quan chức NATO nói như vậy về hệ thống phòng không được lắp ráp.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này cần ít nhất 7 khẩu đội Patriot để chống lại các cuộc tấn công của Nga trên khắp đất nước. Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, 5 hệ thống phòng không của phương Tây sẽ sớm được chuyển giao cho Ukraine. 

Romania cam kết cung cấp một trong các hệ thống mà nước này hiện có. Đức và Italy trước đó cung đưa ra cam kết tương tự. Mỹ dự kiến sẽ cung cấp một hệ thống. 

Hệ thống thứ 5 có thể được cung cấp thông qua cách tiếp cận từng phần. Trong nhiều tháng, các đồng minh đã lùng tìm trong kho vũ khí của họ và tìm ra giải pháp để cung cấp một hệ thống Patriot khác cho Ukraine: chế tạo một hệ thống hoàn chỉnh từ các phụ tùng thay thế được quyên góp từ khắp châu Âu.

Bà Ollongren, người nghĩ ra kế hoạch này sau khi ông Zelensky lần đầu tiên yêu cầu cung cấp 7 hệ thống Patriot vào tháng 4, cho biết: “Tất cả chúng tôi đều có những khả năng hạn chế. Nhưng nếu hợp lực, chúng tôi có thể biến điều đó thành hiện thực”.

Một người phát ngôn của chính phủ Hà Lan cho biết, nước này sẽ tiếp tục nỗ lực dưới sự chỉ đạo của tân Bộ trưởng Quốc phòng Ruben Brekelmans, người mới nhậm chức tuần trước.

Tất cả các quốc gia thành viên NATO đều khó có thể cho đi thêm bất kỳ khẩu đội Patriot nào trong số 90 khẩu đội nằm rải rác trong liên minh quân sự này, 2/3 trong số đó thuộc sở hữu của Mỹ. Đối với các quốc gia châu Âu nhỏ hơn không đủ khả năng chi trả cho hệ thống trị giá hơn 1 tỷ USD này, cho dù quyên góp một hệ thống từ kho dự trữ cũng gây ra rủi ro cho chính họ.

“Họ biết rằng chúng tôi cần gấp 7 hệ thống Patriot để bảo vệ các thành phố của mình. Chúng tôi đã thảo luận về khả năng có 5 hệ thống trong số đó”, ông Zelensky nói trong cuộc họp báo với ông Biden tại cuộc họp G7 vào tháng trước ở Italy.

“Điều đó không có nghĩa là ngày mai chúng tôi sẽ có 5 hệ thống này, nhưng chúng tôi thấy, trong tương lai gần nhất, sẽ có kết quả tốt cho Ukraine”, ông Zelensky nói thêm.

Tập hợp những mảnh ghép rải rác khắp châu Âu

Yêu cầu của Tổng thống Zelensky về 7 hệ thống Patriot đã khiến bà Ollongren bắt đầu tìm cách cung cấp cho Kiev một hệ thống khác, mặc dù Hà Lan không có một hệ thống nào dự phòng. Tuy nhiên, họ có sẵn một số phụ tùng thay thế. Các quốc gia NATO khác cũng vậy.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), có 7 quốc gia NATO ở châu Âu trang bị hệ thống Patriot gồm Thụy Điển, Hà Lan, Đức, Hy Lạp, Ba Lan, Romania và Tây Ban Nha.

Ba trong số 4 hệ thống Patriot hiện có ở Ukraine là do Đức cung cấp. Nước này gần đây cũng đã viện trợ thêm 2 hệ thống phòng không tầm trung IRIS-T và đang dẫn đầu một nỗ lực với Hà Lan, Na Uy và Đan Mạch để cung cấp 100 tên lửa đánh chặn Patriot trong những tháng tới.

Theo dữ liệu của IISS, Mỹ sở hữu phần lớn kho vũ khí Patriot của NATO - 62 khẩu đội có thể triển khai được, nhưng đang đặt một số khẩu đội ở Trung Đông, chủ yếu để bảo vệ các căn cứ và lợi ích của Mỹ khỏi các cuộc không kích của Iran, cũng như ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gấp rút chuyển giao tên lửa đánh chặn phòng không cho Ukraine bằng cách tạm dừng giao hàng cho các quốc gia đồng minh.

Ông Henry Boyd, chuyên gia phòng không tại IISS, người theo dõi các hệ thống Patriot trên toàn thế giới, cho biết kế hoạch của Hà Lan lắp ráp chúng lại với nhau có thể là một giải pháp hạn chế đối với Ukraine, vì Mỹ “đang bị quá tải” và châu Âu “về cơ bản đã ở mức tối thiểu”.

Ông cũng đặt câu hỏi liệu các bộ phận của Patriot đến từ các quốc gia khác nhau – với một loạt mẫu cũ và các biến thể được nâng cấp – có thể hoạt động cùng nhau hay không.

“Có khá nhiều dấu hỏi về khả năng tương tác. Cũng không rõ liệu có cần thực hiện thêm bất kỳ công việc quan trọng nào để các bộ phận lắp ráp có thể tương thích với nhau hay không”, ông Boyd nói.

Bà Ollongren thừa nhận, một số bộ phận của Patriot có nguồn gốc từ khắp châu Âu có thể chưa thể tương tác với nhau ngay lập tức, nhưng bà cho biết vấn đề này có thể giải quyết được vấn. Hà Lan đã thành lập một nhóm chuyên gia kỹ thuật để đến từng quốc gia tài trợ và giúp đảm bảo tất cả các bộ phận lắp ráp đều phù hợp với nhau.

Bà Ollongren không cho biết khi nào khẩu đội Patriot lắp ráp có thể được chuyển đến Ukraine, đồng thời nêu ra khả năng, nó có thể được gửi riêng từng bộ phận để thay thế những thành phần hệ thống đã bị hỏng.

Có thể mất tới 3 năm để xây dựng và cung cấp một hệ thống Patriot hoàn chỉnh. Các quan chức cho biết, cho đến lúc đó, Ukraine có thể sẽ phải hài lòng với các loại hệ thống phòng không khác của phương Tây, ngay cả khi chúng không chính xác hoặc mạnh mẽ như Patriot.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo NY Times