Châu Phi đối mặt nguy cơ rơi vào thảm kịch Covid-19 như Ấn Độ vì thiếu vaccine

Thứ hai, 10/05/2021 - 08:52

Các nước châu Phi như “ngồi trên đống lửa” trước nguy cơ rơi vào thảm kịch Covid-19 như ở Ấn Độ do thiếu nguồn cung ứng vaccine.

Hình ảnh đỏ lửa ở những lò hỏa táng tại Ấn Độ đã nói lên sự khủng khiếp của làn sóng Covid-19 thứ 2 tại nước này. Hình ảnh các bệnh nhân đang chết dần vì thiếu oxy y tế, trong khi những người khác nằm la liệt trên sàn là những lời cảnh tỉnh rằng đại dịch này còn lâu mới kết thúc.

Cuối tháng 3, trong một nỗ lực nhằm đối phó với làn sóng thứ 2, chính phủ Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu vaccine từ các trung tâm sản xuất khổng lồ của nước này, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách trong nước. Và giờ, hậu quả của quyết định đó đang lan ra khắp thế giới.

Châu Phi lo nguy cơ rơi vào thảm kịch Covid-19 như Ấn Độ vì thiếu vaccine. Ảnh: KT

Những liều vaccine thứ 2 sẽ không tới kịp lúc

Tại sảnh bệnh viện quốc gia Kenyatta tại Nairobi, các giáo viên, nhân viên y tế, tài xế taxi đang kiên nhẫn chờ đợi được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Loại vaccine được sử dụng là vaccine của AstraZeneca.

Đầu tháng 3, Kenya mới chỉ nhận được hơn 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ Liên minh vaccine toàn cầu COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước có thu nhập thấp hơn. Kenya là một trong những nước hiệu quả nhất châu Phi trong việc đưa vaccine tới với những nhóm có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, COVAX lại phụ thuộc khá nhiều vào các nhà sản xuất vaccine của Ấn Độ, trong khi các nhà sản xuất tại đó hiện đã tạm dừng cung cấp vaccine cho cơ chế này vì bản thân Ấn Độ cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ.

Tại Kenya, những người đủ điều kiện đã phải chật vật tìm mọi cách để được tiêm vaccine. Batrice Guta, một nhân viên y tế 60 tuổi đã nghỉ hưu cho biết, bà đã tới bệnh viện nhưng tất cả đều hết vaccine. Các bệnh viện cho biết, bà nên tìm tới bệnh viện Kenyatta.

“Tôi thức dậy từ 5h sáng chỉ để chuẩn bị sẵn sàng tới đó”, Batrice Guta cho biết sau khi được tiêm vaccine.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã trấn an người dân rằng, họ có thể được tiêm mũi thứ 2 nếu đã tiêm mũi thứ nhất.

Tuy nhiên, Martin Mutisya, một hướng dẫn viên du lịch 53 tuổi, đã theo dõi tin tức liên tục và biết rằng mình phải nhanh chóng tiêm mũi vaccine đầu tiên.

“Tôi rất lo, vì thông thường phải tiêm 2 mũi, nhưng nếu điều đó không xảy ra thì sao, kịch bản tồi tệ nhất sẽ là gì?”, Mutisya nói.

Kịch bản tồi tệ nhất đang diễn ra, theo Tổ chức Y tế Thế giới và các quan chức y tế Kenya. Quốc gia Đông Phi này sẽ hết lô vaccine đầu tiên và không có dấu hiệu nào cho thấy lô vaccine thứ 2 sẽ sớm được chuyển tới nước này.

“Điều đó khiến tôi lo ngại, lô vaccine thứ 2 có lẽ sẽ không đến đúng thời gian dự kiến. Điều đó đồng nghĩa với việc những người đã được tiêm mũi vaccine thứ nhất sẽ không được tiêm mũi thứ 2 vào đúng thời điểm”, Rudi Egger, đại diện WHO tại Kenya cho biết.

Hôm 5/5, WHO nói rằng, việc chậm bàn giao vaccine có thể sẽ mở ra cánh cửa cho làn sóng lây nhiễm mới tại “lục địa đen”, nhất là trong bối cảnh xuất hiện thêm nhiều biến chủng của virus SARS-CoV-2.

Theo WHO, Kenya đã sử dụng ít nhất 87% số liều vaccine được bàn giao. 8 nước đã sử dụng hết 100% số liều vaccine được phân phối qua COVAX gồm: Tunisia, Libya, Togo, Botswana, Eswatini, Rwanda, Ghana và Senegal.

COVAX đã thừa nhận rằng, quyết định hạn chế xuất khẩu vaccine của Ấn Độ sẽ làm giảm số lượng bàn giao theo kế hoạch.

Theo một quan chức cấp cao phụ trách vấn đề viện trợ nhân đạo, tình hình có thể còn tệ hơn, nhưng người này bày tỏ hy vọng các lô vaccine tiếp theo có thể có vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, do chương trình tiêm chủng tại Ấn Độ cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vaccine, tình hình sẽ không có triển vọng lạc quan.

“Đây không phải là tin tốt. Chúng tôi đã rất nỗ lực trong việc tạo dựng niềm tin đối với chương trình tiêm chủng. Chương trình ban đầu diễn ra rất chậm, nhưng chúng tôi đã đẩy mạnh. Giờ đây nhu cầu vaccine gia tăng và nếu chúng tôi không thể nhận được số liều thích hợp, điều đó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của chúng tôi”, Bác sỹ Willis Akhwale, người đứng đầu chiến dịch tiêm chủng của Kenya cho biết.

Các đại diện của WHO như Akhwhale và Eggers đều nói rằng, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất không phải là việc trì hoãn những liều vaccine thứ 2.

Những người đã tiêm mũi thứ nhất đã có được sự bảo vệ nhất định và việc chậm tiêm mũi thứ 2 sẽ không làm giảm hiệu quả bảo vệ tổng thể nếu mũi thứ 2 vẫn được tiêm. Vấn đề lớn hơn là hàng trăm triệu người ở châu Phi sẽ không có vaccine.

Tình huống có thể lường trước được

Khi đại dịch Covid-19 lây lan khắp thế giới trong năm 2020, buộc nhiều nước phải áp lệnh phong tỏa, lãnh đạo liên minh vaccine toàn cầu biết rằng họ cần phải đảm bảo vaccine cho những nước nghèo nhất thế giới. Đó không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là vấn đề về y tế.

Từ hơn 1 năm trước, các quan chức y tế đã cảnh báo rằng, cho đến khi tất cả các nước đều đã an toàn thì sẽ không có nước nào được an toàn trước đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh các nước giàu đã tìm cách đảm bảo nguồn cung ngay từ khi các loại vaccine còn chưa được cấp phép, liên minh COVAX đã tìm tới Ấn Độ.

Ban đầu, đây là một lựa chọn nghiêm túc. Ấn Độ là nước sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và Viện Huyết thanh là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Theo các thỏa thuận đã đạt được, Viện Huyết thanh sẽ sản xuất ít nhất 700 triệu liều vaccine AstraZeneca ban đầu cho COVAX.

Ngày 24/2, Ghana trở thành nước đầu tiên nhận miễn phí các liều vaccine từ COVAX với 600.000 liều.

Sự lạc quan khi đó giờ đây bị bao phủ bởi sự nghi ngại.

Các nhà nghiên cứu theo dõi việc cung cấp vaccine nói rằng, cuộc khủng hoảng này có thể tránh được.

“Họ đặt quá nhiều trứng vào giỏ của Viện Huyết thanh Ấn Độ và đó là một sai lầm chiến lược. Những gì đã diễn ra ở Ấn Độ là hoàn toàn có thể dự đoán trước được”, Andrea Taylor thuộc Trung tâm đổi mới y tế toàn cầu thuộc Đại học Duke cho biết.

Ông Taylor nói rằng việc Ấn Độ ưu tiên cho người dân của mình là điều hoàn toàn có thể lường trước, ngay từ khi nước này còn chưa rơi vào làn sóng Covid-19 tồi tệ như hiện nay. Dù vậy, trên thực tế, cũng có không nhiều lựa chọn khả thi.

Vấn đề trở nên tồi tệ hơn chủ yếu là bởi các nước giàu ưu tiên cho người dân của mình chứ không phải chỉ vì Ấn Độ làm ngắt quãng nguồn cung vaccine toàn cầu.

“Chúng ta có những thách thức trong việc giải quyết bất bình đẳng phân phối vaccine toàn cầu và một phần của thách thức này là do các nước tích trữ vaccine ngừa Covid-19”, Salim Abdool Karim, một nhà dịch tễ học hàng đầu của Nam Phi nói.

Mỹ đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine cho hơn 250 triệu người. Trong khi đó, COVAX mới chỉ phân phối được 53 triệu liều cho nhiều nước. Trong khi ở Mỹ, người ta tin rằng cuộc sống có thể trở lại bình thường trong vài tháng, thì ở các nước đang phát triển vẫn có nhiều người tử vong vì dịch bệnh này mỗi ngày.

“Chúng ta biết điều gì ở phía trước nếu chúng ta đi con đường bất bình đẳng vaccine. Thực tế chúng ta đã đi theo con đường đó và nó đã dẫn ta đến bối cảnh hiện nay. Sẽ không có sự khác biệt nào trong ngắn hạn”, ông Taylor nói.

Từ cam kết đến hành động

Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc tạm thời bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa Covid-19. Đây là một tín hiệu tích cực, có thể giúp mở rộng sản xuất vaccine về trung hạn.

Tuy nhiên, cho dù việc phân phối vaccine được đẩy mạnh, không có gì đảm bảo các nước nghèo với cơ sở hạ tầng yếu kém có thể kiểm soát tốt số vaccine mà họ có.

Cộng hòa Dân chủ Congo là một ví dụ cụ thể. Hồi tháng 4, giới chức nước này tuyên bố sẽ trả lại hơn 1 triệu liều vaccine AstraZeneca vì lô vaccine được nhận sắp hết hạn. Các cơ sở y tế của CHDC Congo không đủ năng lực tiếp nhận vaccine ở quy mô lớn và với tốc độ cần thiết.

Tuy nhiên, Bác sỹ Akhwale ở Kenya nói rằng, điều quan trọng là phải có hành động đối với bình đẳng vaccine, chứ không phải chỉ nói suông.

“Chúng ta cần phải sử dụng các nguyên tắc tiếp nhận và bình đẳng cốt lõi của COVAX, tức là phải đảm bảo sự tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả những người có nguy cơ, cho dù họ ở bất cứ đâu”, ông Akhwale nói./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)Theo CNN