Chỉ dẫn địa lý là gì? Chỉ dẫn địa lý phải đăng ký không?

Thứ bảy, 18/12/2021 - 08:35

TNV - Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ và các Nghị định, Thông tư, Nghị quyết, Quyết định có liên quan, Tạp chí điện tử Thanh niên (www.thanhnienviet.vn) xin giới thiệu đến các bạn trẻ và độc giả cả nước giải đáp thắc một số nội dung cơ bản về chính sách sở hữu trí tuệ để tham khảo, áp dụng khi cần thiết.

Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số và khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP” tại điểm cầu Bắc Giang

Câu hỏi 5. Tên thương mại là gì?

Trả lời: Theo Khoản 21, Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân sử dụng trong hoạt động kinh doanh, dùng để nhận biết và phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực

Tên thương mại phải là tập hợp các chữ, phát âm được và có nghĩa.

Tên thương mại bao gồm hai phần: Phần mô tả và phần phân biệt.

Phần mô tả là một tập hợp các từ có nghĩa mô tả tóm tắt loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh.

Phần phân biệt là tập hợp các chữ cái phát âm được, có thể có nghĩa hoặc không có nghĩa. Phần mô tả không có khả năng tạo nên tính phân biệt cho tên thương mại (hai doanh nghiệp có tên thương mại khác nhau có thể có phần mô tả giống nhau).

Tên thương mại thường là tên doanh nghiệp.

Câu hỏi 6.  Chỉ dẫn địa lý là gì? Chỉ dẫn địa lý phải đăng ký không?

Trả lời: Theo Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh hổ hay quốc gia cụ thể.

Muốn được bảo hộ, chỉ dẫn địa lý phải đảm bảo các điều kiện sau: Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng; Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do diều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.

Câu hỏi 7. Tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Trả lời: Tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý là một thành tố góp phần vào sự phát triển và sự thành đạt của doanh nghiệp. Các đối tượng sở hữu công nghiệp này được coi là yếu tố đầu tiên và quan trọng trong chiến lược xâm nhập và mở rộng thị trường. Trong nhiều trường hợp  quyết định sự thành, bại của doanh nghiệp trên thị trường mới. Các đối tượng sở hữu công nghiệp nói trên có tác dụng:

- Chức năng nhận biết (phân biệt), các đối tượng nói trên luôn được nhận biết bằng thị giác (thông qua màu sắc nhãn hiệu), thính giác (âm thanh) một cách rõ ràng để người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn theo sở thích.

- Làm cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian và sức lực trong việc lựa chọn và mua sản phẩm theo mục đích và sở thích của họ.

- Đảm bảo hoặc sự tin cậy giúp người tiêu dùng tìm ra chất lượng ổn định của sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu, tên thương mại quen thuộc dù mua ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào.

- Đảm bảo cho ngưòi tiêu dùng có thể mua sản phẩm hoặc thuê dịch vụ tốt nhất, đảm bảo nhất trong cùng một loại.

- Cá tính hoá, tính cách, hình ảnh riêng cho từng người tiêu dùng trong con mắt của người khác. Tạo phong cách riêng cho người tiêu dùng và từ đó làm cho họ yêu thích hàng hoá mang nhãn hiệu đó.

- Tính liên tục được quan niệm là người tiêu dùng hài lòng với một sản phẩm mang tên thương mại, nhãn hiệu mà họ đang sử dụng nhiều năm.

- Khía cạnh đạo đức là sự hài lòng của người tiêu dùng với chủ nhãn hiệu  và mối liên hệ của chúng với xã hội (quảng cáo hấp dẫn).

Câu hỏi 8. Thế nào là bí mật kinh doanh?

Trả lời: Theo Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ, bí mật kinh doanh là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Không phải là hiểu biết thông thường.

Khi sử dụng trong kinh doanh tạo cho người nắm giữ thông tin có lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó.

Được chủ thông tin bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Sở hữu bí mật kinh doanh tự động xác lập khi có đủ các điều kiện trên.

Tú Nga Hùng