TNV - Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay. Đây là một trong những nhận định nổi bật của Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) năm 2022 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) mới công bố.
Theo Báo cáo , trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021 lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng từ Làn sóng thứ hai. Năm 2021 đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Trong khi Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 2,6% so với năm trước thì ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,8%, ngành vận tải kho bãi giảm 5,0%. Trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định.
Ba lĩnh vực có mối quan hệ qua lại khăng khít là bán lẻ trực tuyến (Online Retail), tài chính số (FinTech) và giao hàng chặng cuối (Last Mile Delivery) cùng tăng trưởng mạnh mẽ. Các lĩnh vực gọi xe và gọi đồ ăn công nghệ cùng nhiều lĩnh vực kinh doanh tương đối mới như giáo dục số (EdTech), bất động sản số (PropTech) hay chăm sóc sức khỏe số (HealthTech) có sự tăng trưởng nhanh. Trong khi đó, dịch vụ tiếp thị số (Digital Marketing) gặp nhiều khó khăn và dịch vụ du lịch trực tuyến (Online Travel) suy giảm nghiêm trọng.
Báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain&Company đánh giá kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 tăng trưởng 31% so với năm 2020 và đạt quy mô 21 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bán lẻ trực tuyến tăng trưởng tới 53% và đạt quy mô 13 tỷ USD.
Báo cáo EBI 2022 đánh giá sự xuất hiện và phát triển của các nền tảng hỗ trợ mua bán trong cộng đồng (Social Commere) có thể tạo ra xu hướng mới thúc đẩy mạnh mẽ lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trong giai đoạn tới ở nước ta, tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng và tạo ra nhiều việc làm mới tại mọi địa phương. Cụ thể từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2021, Việt Nam trải qua đợt dịch Covid-19 lần thứ tư và là đợt dịch bệnh nặng nề nhất từ khi đất nước thống nhất. Toàn bộ hoạt động kinh tế xã hội chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, bao gồm thương mại điện tử. Trong khó khăn nghiêm trọng, thương mại điện tử tiếp tục đứng vững và trải qua Làn sóng thứ hai. Trong làn sóng này, hoạt động chuyển đổi số của cả thương nhân và người tiêu dùng còn thể hiện rõ ràng hơn Làn sóng thứ nhất. Thể hiện rõ ở ba đặc điểm:
Thứ nhất, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo hơn kỹ năng mua sắm trực tuyến, thậm chí một bộ phận đáng kể người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn so với mua sắm truyền thống.
Thứ hai, nhiều thương nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số để thích nghi với đại dịch cũng như chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới” sau đợt dịch thứ tư.
Thứ ba, từ những khó khăn do phụ thuộc vào một kênh mua sắm duy nhất trong giai đoạn đại dịch, đông đảo khách hàng đã trở nên quen thuộc với hình thức mua sắm đa kênh và từ năm 2022 hình thức này sẽ trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo. Mọi thương nhân cần nhanh chóng thay đổi để đáp ứng trải nghiệm mua sắm mới này của khách hàng.
Toàn bộ hoạt động thương mại điện tử bị tác động tiêu cực trong đợt dịch thứ tư nhưng với những đặc điểm nổi bật trên có thể thấy Làn sóng thứ hai đã tạo đà cho sự phát triển của thương mại điện tử trong năm 2022 cũng nhưng cả giai đoạn 2021 – 2025.
Tới năm 2021 các mô hình gọi xe và gọi đồ ăn công nghệ đã trở nên phổ biến và tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho rất nhiều lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn. Đồng thời, mô hình mua bán trong cộng đồng (Social Commerce) trở thành một xu hướng kinh doanh mới hấp dẫn, mang lại lợi ích rõ ràng cho các doanh nghiệp lẫn đông đảo cá nhân có thời gian, ít vốn và không nắm vững công nghệ nhưng mong muốn tăng thêm thu nhập.
Với mô hình mua bán trong cộng đồng, sức mạnh của thương mại điện tử có thể sẽ chuyển từ các nhà sản xuất và phân phối tới đông đảo người bán cá nhân và có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trực tuyến. Xu hướng phát triển của mô hình mua bán trong cộng đồng ở Việt Nam cũng tương đồng với các nước đang phát triển tiên phong về thương mại điện tử. Qua khảo sát nhiều thương nhân, nền tảng quản lý bán hàng đa kênh Sapo đã đánh giá trong năm 2021 mạng xã hội Facebook tiếp tục là kênh hỗ trợ bán hàng trực tuyến hiệu quả nhất. Với những lợi thế to lớn của mô hình này, những nền tảng công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam đã phát triển các giải pháp hỗ trợ kinh doanh đa kênh (Omnichannel) nói chung và mua bán trong cộng đồng nói riêng.
Một số nền tảng mới hỗ trợ mua bán trong cộng đồng
Báo cáo cũng chỉ ra vấn đề về nguồn nhân lực thương mại điện tử vừa thiếu vừa yếu. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc lựa chọn tên miền chưa phù hợp cũng như hiệu quả hoạt động rất thấp của các sàn thương mại điện tử tại các địa phương. Trên thực tế nhiều đơn vị vận hành những sàn này hầu như chưa có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về thương mại điện tử.
Trên phạm vi cả nước, việc thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài và trong nước vào các nền tảng thương mại điện tử chỉ là một điều kiện cần cho sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước chính là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của thương mại điện tử nước ta trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao là các trường đại học.
Mục tiêu đối với nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn năm năm 2021 – 2025 còn cao hơn nữa. Theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia, tới năm 2025 cần đạt được hai mục tiêu liên quan tới nguồn nhân lực. Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về thương mại điện tử. Mục tiêu thứ hai là một triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.
Ở nước ta những năm gần đây các thuật ngữ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Fourth Industrial Revolution hay Industry 4.0), Chuyển đổi số (Digital Transformation) và Kinh tế số (Digital Economy) nhận được sự quan tâm cao từ nhiều tổ chức, bao gồm các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đầu năm 2021 Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số. Tháng 8 cùng năm Bộ này đã lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật “Chiến lược quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Một mặt, việc triển khai các chính sách vĩ mô liên quan tới nhiều bộ, ngành và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan này là phức tạp. Sự phức tạp này còn cao hơn nữa ở các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và doanh nghiệp. Tỉnh Lạng Sơn đã thể hiện quyết tâm cao đối với việc triển khai chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh về chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử sao cho nhịp nhàng sẽ là một thách thức không nhỏ.
Không chỉ các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách, các trường đại học cũng gặp khó khăn không nhỏ khi tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại điện tử. Ở nước ta một số trường đại học đã thành lập khoa kinh tế số và thương mại điện tử. Rõ ràng, tên gọi của khoa là quan trọng nhưng chất lượng đào tạo còn quan trọng hơn.
Tóm lại trên phạm vi cả nước, cần có sự phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thương mại điện tử.
Hải Hà