Nét mặt vui vẻ của anh Nguyễn Văn Dương khi đang làm việc Cùng thảo luận một chút về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn cùng với nhân vật là anh Nguyễn Văn Dương (NVD) – CEO của công ty Quảng cáo – Truyền thông Minh Dương. PV: Anh có thể cho biết một chút thông tin về công ty cũng như công việc cụ thể anh đang làm là gì không? NVD: Hiện tại, tôi đang làm quản lý và vận hành một công ty nhỏ về lĩnh vực công nghệ thông tin có tên Công ty Quảng cáo và Truyền thông Minh Dương chuyên về mảng quảng cáo online và giải pháp marketing online. PV: Với vị trí mà anh đạt được trong công việc chắc chắn sẽ có nhiều người nghĩ rằng anh được đào tạo tại một trường “top” nào đó. Rất mong anh chia sẻ về con đường học tập trước đây của mình. NVD: Thực tế thì xuất phát điểm của tôi không cao, do thi đại học không đỗ nguyện vọng 1 nên tôi học nguyện vọng 2 cao đẳng, sau đó tôi có học liên thông lên đại học tại Viện đại học mở có thể coi là trường top cuối. Tôi cũng chỉ mới tốt nghiệp được hơn 1 năm và hiện giờ tôi có trong tay : 1 bằng tốt nghiệp cao đẳng, 1 bằng tốt nghiệp đại học và 1 bằng kỹ sư tin học. PV: Việc học tập tại một trường đại học có lịch sử chưa lâu, chất lượng giáo dục cũng không thật nổi bật, khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đi xin việc anh đã gặp những khó khăn gì? NVD: Khi còn đang học cao đẳng tôi cũng chưa có ý niệm gì cho bản thân nhưng tôi có thói quen đã nghĩ gì thì sẽ làm cái đó dù có thể kết quả không mấy khả quan nhưng tôi sẽ sửa từ chính những thất bại đó để rút ra kinh nghiệm cho mình.Bản thân tôi đã trải qua thời sinh viên với rất nhiều công việc làm thêm khác nhau, có cơ hội va vấp cuộc sống từ năm 1, năm 2 thậm chí công việc rất nặng nề. Sang năm 3 khi chuẩn bị tốt nghiệp, tôi xin việc tại một công ty về công nghệ thông tin. Sau rất nhiều lần thay đổi môi trường làm việc thì hiện giờ tôi có thể tự tin mà khẳng định kinh nghiệm tôi tích lũy được, khả năng tài chính,…của tôi là tốt nhất so với hội bạn học cùng đại học. PV: Rất nhiều người có suy nghĩ: “Học trường cao đẳng hay những trường đại học không có danh tiếng sau khi ra trường mà xin được việc làm “ngon” chẳng qua do số người đó may mắn”. Anh có nghĩ như thế không? Tại sao? NVD : Tỉ lệ đó có thể có nhưng may ra được 1 trên 1000 trường hợp. Tôi không nói là không có may mắn nhưng yếu tố đó chỉ hi hữu. Mọi kết quả tốt đẹp đều xuất phát từ nội tại mỗi con người, bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ mới có được. PV : Vậy quay trở lại với ý kiến cho rằng : “Bạn học gì không quan trọng, quan trọng bạnlàm được gì?” anh có suy nghĩ gì về ý kiến này? NVD: Với xu hướng phát triển củaxã hội hiện đại, bạn học trường gì? Bằng cấp ra sao? Không còn quá quan trọng trừ khi bạn xin việc trong nhà nước hoặc nói trắng ra bạn có mối quan hệ abc nào đó. Nếu như bạn có năng lực thì dù bạn có học trung cấp, cao đẳng hay một đại học vô danh nào đó tài năng của bạn vẫn sẽ được trọng dụng. PV: Nhờ đâu mà anh có được những thành tựu trong công việc như bây giờ? NVD: Tôi có hướng là sẽ triển khai ngay. Tôi luôn bị hấp dẫn bởi chuyện kinh doanh, nói hơi thô thì là máu kinh doanh, vì vậy khi làm thuê cho một số công ty về công nghệ thông tin, tôi luôn tiếp thu và suy nghĩ : “Tại sao mình không làm như họ thậm chí là phát triển hơn?” Chính mục đích đó đã thôi thúc tôi phải tích lũy nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn không chỉ kỹ năng chuyên môn mà còn kết hợp kỹ năng mềm hỗ trợ nữa. PV : Được biết hầu hết nhân viên của công ty anh đều là sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường, chỉ một số ít đã ra trường. Lý do anh tuyển những bạn này là gì? Anh không sợ họ không đủ năng lực và kinh nghiệm để đáp ứng công việc hay sao? NVD: Công ty của tôi 100% nhân viên là sinh viên. Các bạn được tuyển vào hầu như chưa có hiểu biết nhiều về đặc thù công việc, tất cả sẽ đều được huấn luyện từ bước nhỏ nhất vì vậy không cần quá nghiêm trọng năng lực và kinh nghiệm. Còn lý do chọn sinh viên : một là tạo điều kiện cho các bạn cáo cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc văn phòng giúp các bạn có thêm kinh nghiệm, hai là tôi làm kinh doanh nên cần tính toán chi tiết về tài chính, thuê các bạn sinh viên sẽ giảm bớt được một số khoản. PV : Như vậy, mặc dù nhân viên của công ty anh đến từ rất nhiều trường khác nhau nhưng vẫn có thể cùng làm công việc giống nhau. Hiện nay, tỉ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành rất cao, anh có biết nguyên nhân từ đâu không? NVD : Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ nền giáo dục Việt Nam đào tạo không chuyên sâu, cái gì cũng có mà cái gì cũng thiếu vì vậy sinh viên ra trường có thể làm trái ngành, học ngành tương tự. Nguyên nhân chủ quan có thể do ngay từ đầu bạn đã chọn sai hướng, ngành bạn học không như ban tưởng tượng, sau khi ra trường, bạn không thích công việc đó. PV : Với tất cả trải nghiệm của bản thân, anh có lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học? Có phải cứ học trường top thì sau này công việc cũng sẽ thuận lợi? NVD : Tôi là người có xuất phát điểm không cao như các bạn cũng thấy, thế nhưng hiện giờ không phải tôi đang có trong tay mục đích mà tôi cần hướng tới hay sao? Tất cả đều có quá trình, bạn hãy trang bị cho mình nền tảng kiến thức vững chắc, kinh nghiệm thực tế thông qua việc đi làm thêm. Tôi khuyên các bạn hãy đi làm thêm bất cứ công việc nào nếu không bổ sung chuyên môn thì bạn cũng sẽ được kỹ năng sống hay những mối quan hệ mới. Các bạn đừng biến mình thành những chú gà công nghiệp chậm chạp. Quay trở lại vấn đề: “Học gì không quan trọng, quan trọng bạn làm được gì?” như một lời khẳng định giúp các bạn có định hướng trong học tập trên lớp . Tuy nhiên sau cuộc trò chuyện này, các bạn hẳn cũng nhận thấy, việc học tại một trường đại học top đầu là bước đệm cho công việc sau này nhưng nếu bạn không dành thời gian học hỏi thêm, nghiên cứu chuyên sâu, nâng cao kỹ năng mềm thì những gì học trên lớp sẽ không đủ để bạn hoàn thành công việc. Còn nếu bạn đang theo học ở trường cao đẳng hay đại học kém danh tiếng nào đó thì đừng vội lo lắng, hãy trau dồi tri thức và kỹ năng chuyên môn thật tốt rồi bạn cũng sẽ tìm được cho mình công việc ưng ý như nhân vật của chúng ta hôm nay. Bởi bằng đại học không phải là tất cả trên con đường sự nghiệp và cuộc sống của mỗi người. Cảm ơn anh đã tạo điều kiện cho cuộc phỏng vấn ngày hôm nay, chúc anh sức khỏe và thành công hơn nữa trong công việc, rất mong sẽ gặp anh trong cuộc trò chuyện lần sau.
Lan Hương