Số trường hợp phản ứng thông thường được ghi nhận ở hầu hết các tỉnh đều dưới 5%, đây là tỷ lệ thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất cũng như thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và các quốc gia triển khai trước Việt Nam.
Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về nội dung này.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
PV: Thưa PGS.TS Dương Thị Hồng, sau 3 tuần triển khai tiêm vaccine cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, công tác tiêm phòng đã có những kết quả bước đầu ra sao?.
PGS.TS Dương Thị Hồng: 63 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế, theo chúng tôi ghi nhận thì việc triển khai đúng theo quy định, quy trình của chương trình tiêm chủng mở rộng và kết quả tiêm chủng là an toàn. Số trường hợp phản ứng thông thường được ghi nhận ở hầu hết các tỉnh đều dưới 5%, đây là tỷ lệ thấp hơn so với thông báo của nhà sản xuất cũng như thu nhận thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quốc gia triển khai trước chúng ta. Chúng tôi cũng tin tưởng trong đợt tiêm chủng tới đây với sự tham gia tích cực của các bậc cha mẹ, sự quan tâm đầy đủ, thấu đáo của cán bộ y tế cho các bé sau khi tiêm chủng, chúng tôi mong muốn chiến dịch thực sự thành công, không có rủi ro đáng tiếc.
PV: Mặc dù tỷ lệ phản ứng sau tiêm ở Việt Nam ghi nhận ở mức rất thấp, dưới 5%, song để đảm bảo an toàn cho số trẻ này, việc xử trí các phản ứng các cấp độ ở trẻ được triển khai như thế nào để đảm bảo an toàn nhất, thưa PGS?
PGS.TS Dương Thị Hồng: Để phòng chống tai biến nặng sau tiêm chủng có thể xảy ra, Bộ Y tế đã tập huấn cho cán bộ y tế từ khâu khám sàng lọc, xác định, chỉ định tiêm cho các cháu khi các cháu hoàn toàn đủ điều kiện. Đối với các cháu có bệnh lý nền, bệnh mãn tính cần phải theo dõi sức khỏe để đảm bảo an toàn tiêm chủng tốt hơn thì đã có hướng dẫn cụ thể để chuyển lên các bệnh viện để các cháu được theo dõi sức khỏe sau tiêm. Chúng tôi cũng đã tập huấn xử trí sau tiêm một cách bài bản cho tất cả cán bộ tiêm chủng các tuyến, nếu gặp các phản ứng xảy ra thì xử trí ban đầu như thế nào và xử trí tiếp theo tại hệ thống bệnh viện đã được chia sẻ một cách cụ thể đối với các phản ứng bất thường có thể xảy ra.
Chúng tôi cũng có hướng dẫn các thầy cô giáo, các bậc cha mẹ theo dõi sức khỏe của con để phát hiện những phản ứng bất thường của con mình để đưa trẻ đến cơ sở y tế. Với đội ngũ cán bộ y tế được tập huấn, chúng ta sẽ xử trí kịp thời các phản ứng nặng sau tiêm và tránh rủi ro đáng tiếc
PV: Hiện nay vẫn còn tỷ lệ ông bố bà mẹ chưa đồng ý cho con mình đi tiêm vì cho rằng tiêm vaccine Covid-19 vào người có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Vậy có căn cứ khoa học nào để khẳng định tính an toàn của các loại vaccine này?
PGS.TS Dương Thị Hồng: Hiện nay việc tiêm vaccine Covid- 19 đã được 65 quốc gia triển khai tiêm vaccine này, các quốc gia tiên tiến như Canada, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước xung quanh chúng ta đã triển khai tiêm cho trẻ em.... tỷ lệ bao phủ cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi của họ đã đạt trên 70% -80% và việc ghi nhận vaccine mới về tính an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO, nhà sản xuất đưa ra.
Chúng tôi hiểu rằng 2 loại vaccine Pfizer và Moderna có bản chất là mRNA các nhà khoa học đã đưa ra là vaccine này hoàn toàn không tương tác với hệ thống gen của các bé, nên không gây ra các biến đổi di truyền cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của bé. Đồng thời hàm lượng kháng nguyên trong vaccine đưa vào cơ thể của các cháu cũng được nghiên cứu một cách chặt chẽ và đã được các tổ chức uy tín thế giới như Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu xem xét, và các quốc gia ở châu Âu, Mỹ, Ca na đa cũng đã triển khai vaccine này cho trẻ em nước mình.
PV: Trong thời gian tới, việc triển khai tiêm cho trẻ sẽ được thực hiện theo lộ trình như thế nào để đảm bảo đến tháng 8 năm nay, khoảng 80 – 90% trẻ độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi được bao phủ vaccine?
PGS.TS Dương Thị Hồng: Trong thời gian tới đây, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố triển khai cho các cháu ở lứa tuổi học sinh tiểu học với hình thức cuốn chiếu tức là các cán bộ y tế, trạm y tế, trung tâm y tế huyện... sẽ huy động xuống các trường tiểu học để tiêm cuốn chiếu từ trước tiểu học này sang trường tiểu học khác.
Trong tháng 5 sẽ triển khai tiêm cho trên 4 triệu trẻ em được tiêm mũi vaccine thứ nhất và những cháu đã tiêm mũi vaccine đầu tiên tháng 4 khoảng 1,6 triệu cháu sẽ được tiêm mũi 2. Đến tháng 6 sẽ tiêm cho khoảng 2 triệu trẻ theo tuần từ cho các cháu nhỏ hơn là lớp 1 và mẫu giáo. Tháng 7 và 8 sẽ thực hiện tiêm chủng cho các cháu mắc Covid-19 đảm bảo sau 3 tháng các cháu mới được tiêm vaccine này. Đến tháng 8 sẽ kết thúc chiến dịch này để chuẩn bị cho các cháu có miễn dịch cộng đồng trước khi vào năm học.
PV: Vâng, xin cảm ơn bà!./.
Thúy Ngà/VOV