Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ thời Biden sẽ trở lại trục châu Á

Thứ ba, 19/01/2021 - 09:14

Ông Biden không muốn sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tương tự việc như chính quyền Trump không sử dụng khái niệm “trục Châu Á” hay “tái cân bằng châu Á” dù những chiến lược này không có nhiều khác biệt.

Theo ông Bilahari Kausikan, cựu Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” là khái niệm được sử dụng rộng rãi về mặt ngoại giao và chiến lược, nhưng ý nghĩa cụ thể của nó tùy thuộc vào góc nhìn của người sử dụng. Dù vậy, điều quan trọng hơn cả là ý nghĩa mà Mỹ đặt ra cho khái niệm này.

Trong chiến dịch tranh cử và cả sau khi đắc cử, ông Biden và đội ngũ của ông ít khi đề cập khái niệm Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương. Ảnh: AFP

Trong các cuộc liên lạc đầu tiên với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sử dụng cụm từ “an toàn và thịnh vượng” thay vì “tự do và rộng mở” mà chính quyền Trump thường sử dụng lâu nay để mô tả “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Điều này khiến các nhà lãnh đạo khu vực dường như có chút lo ngại là muốn hiểu rõ hơn về cách tiếp cận “mới” của chính quyền sắp tới ở Mỹ.

Ông Bilahari Kausikan cho rằng, không nên quá lo ngại về sự thay đổi của các cụm từ. Mọi chính quyền mới [ở Mỹ] đều tìm cách tạo nên sự khác biệt với chính quyền tiền nhiệm. Đó là điều dễ hiểu.

Sau 4 năm đầy biến động, đặc biệt là sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1 mà Tổng thống Trump bị quy trách nhiệm, các thành viên trong chính quyền sắp tới của ông Biden có thể nghĩ rằng, cần phải hành xử khác với chính quyền Trump. Việc “khác Trump” được xem như một chiến lược.

Tuy nhiên, việc ông Biden đề cử Kurt Campbell, làm Điều phối viên về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể xoa dịu lo ngại, bởi ông Campbel là nhân vật đã quá quen thuộc với các nước trong khu vực.

Thời chính quyền Barack Obama, mà ông Biden là Phó Tổng thống, Mỹ đã bắt đầu đặt trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với tên gọi là chính sách xoay trục sang châu Á (sau này được gọi là tái cân bằng châu Á). Ông Campbell từng làm Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trong chính quyền Obama và ông đóng vai trò quan trọng trong việc đặt ra chính sách “xoay trục sang châu Á” này.

Chính quyền Biden sẽ đặt trọng tâm vào châu Á nhiều hơn

Trong chiến dịch tranh cử và cả sau khi đắc cử, ông Biden và đội ngũ của ông ít khi đề cập khái niệm Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, cũng tương tự như việc chính quyền Trump đã “phớt lờ” chính sách xoay trục sang châu Á của người tiền nhiệm Obama. Điều này dấy lên những nghi ngờ về tương lai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời Biden.

Tuy nhiên, Biden và nhóm của ông khẳng định sẽ tiếp tục tập trung vào sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực như chính quyền Trump, nhưng cách tiếp cận sẽ có sự khác biệt.

Trong một bài viết gần đây, ông Campbell cho rằng: “Các nhà lãnh đạo châu Âu xa xôi chắc chắn ít quan ngại về sự gây hấn của Trung Quốc hơn so với những nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngay gần kề. Do đó, một trong những thách thức cơ bản mà Mỹ đối mặt là thu hẹp sự khác biệt trong cách tiếp cận giữa châu Âu và các nước trong khu vực trước những thách thức từ Trung Quốc.

“Nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn trước do sức mạnh kinh tế của Trung Quốc: Tháng trước, Trung Quốc đã tận dụng những nhượng bộ phút chót, thành công đưa châu Âu vào một thỏa thuận đầu tư song phương bất chấp những lo ngại rằng thỏa thuận này có thể phức tạp hóa cách tiếp cận xuyên Đại Tây Dương thống nhất dưới thời chính quyền Biden”, ông Campbell nêu rõ.

Bài viết này cũng nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ cần phải “linh hoạt và đổi mới” trong việc xây dựng các mối quan hệ đối tác trong tương lai và đặt trọng tâm nhiều hơn vào châu Á.

Ông Michael Kugelman, Phó Giám đốc phụ trách Nam Á của Trung tâm Wilson có trụ sở ở Washington cho rằng: “Mọi người có thể dự đoán được lý do chính trị khiến chính quyền Biden không muốn sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để khác biệt với chính quyền Trump – giống như chính quyền Trump không sử dụng khái niệm “trục châu Á” hay “tái cân bằng châu Á” dù những chiến lược này không có nhiều khác biệt”.

Theo ông Kegelman, chính quyền Biden thừa nhận rằng việc sử dụng khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ dễ hiểu về mặt chính trị, vì nó tương tự như tầm nhìn mà nhóm Bộ tứ (Quad) và các đối tác khác đặt ra trong khu vực: Trên thực tế, cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đều xứng đáng có sự chú ý chiến lược vì Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở cả 2 khu vực này.

“Tái cân bằng với châu Á”

Ông Kugelman cho biết thêm, “Không có nhiều khác biệt giữa chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của chính quyền Trump với quan điểm rộng hơn của chính quyền sắp tới. Mục tiêu chung của các chiến lược này sẽ vẫn là tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác trong khu vực để đối trọng với Trung Quốc”.

Theo tài liệu về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được giải mật mới đây, chính quyền Trump đã có những kế hoạch nhằm tăng cường mối quan hệ với Ấn Độ, coi New Delhi là “đối tác phòng vệ hàng đầu” của Mỹ. Đây sẽ là điểm cốt lõi trong chính sách rộng hơn nhằm duy trì ảnh hưởng bao trùm của Mỹ trong khu vực cũng như kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.

“Đừng quên rằng chiến lược tái cân bằng với châu Á bắt nguồn từ thời Tổng thống Obama và ông Campbell là một trong những người lèo lái chính sách này, trong đó Mỹ tái bố trí lực lượng hải quân từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, củng cố liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các đối tác chiến lược như Ấn Độ”, ông Meera Shankar, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Mỹ nhấn mạnh./.

Hoàng Phạm/VOV.VNTheo Nikkei Asia, The Print