Cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) quy mô lớn của Ukraine vào Nga cuối tuần qua là một phần trong nỗ lực mới của Kiev nhằm đưa xung đột vào sâu bên trong lãnh thổ Nga và tìm cách giành lại thế chủ động trong cuộc xung đột đã kéo dài hơn 2 năm rưỡi.
Trong loạt tấn công mới nhất, Ukraine phóng hơn 150 UAV vào các cơ sở lọc dầu và nhà máy điện trên khắp nước Nga, những mục tiêu mà Kiev thường xuyên nhắm tới trong những tháng gần đây.
Theo các quan chức địa phương, 2 nhà máy lọc dầu ở khu vực Moscow đã bị tấn công, trong khi một đám cháy lớn bùng phát tại một cơ sở ở khu vực Tver, phía Tây Bắc thủ đô. Không có thương vong nào được báo cáo.
Chiến lược chấm dứt xung đột của Ukraine
Trong bài phát biểu đêm 1/9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc tấn công bằng UAV bên trong lãnh thổ Nga là một phần trong chiến lược chấm dứt xung đột bằng cách khiến người Nga cảm nhận cuộc chiến giống như người Ukraine. Chiến dịch đột kích tỉnh Kursk cũng là một phần của chiến lược đó.
“Chúng ta phải đẩy xung đột về nơi đã đưa nó đến Ukraine, chứ không chỉ vào các khu vực biên giới của Nga. Họ phải cảm nhận được xung đột là gì”, ông Zelensky nói.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Zelensky đã công khai hơn khi nói về mong muốn tìm cách chấm dứt chiến sự. Hồi mùa hè, nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng ông hy vọng sẽ chấm dứt “giai đoạn nóng bỏng của cuộc xung đột” trong năm nay. Ông cũng nói về việc cần phải có sự tham gia của Nga vào hội nghị hòa bình tiếp theo về Ukraine, sau thất bại của hội nghị ở Thụy Sĩ vào tháng 6.
Những thay đổi đó cho thấy sự mệt mỏi ngày càng tăng đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Các cuộc thăm dò dư luận ở Ukraine cũng ghi nhận ngày càng có nhiều người ủng hộ đàm phán ngừng bắn với Nga. Nó cũng cho thấy họ thừa nhận rằng, sau hơn 2 năm rưỡi, Nga vẫn có thể đưa nhiều quân và thiết bị, vũ khí hơn vào chiến trường hơn và đang tiến sâu hơn trên các mặt trận. Trong khi đó, khả năng của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của phương Tây, vốn đang bước vào giai đoạn khó lường với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc đột kích vào Kursk và các cuộc không kích sâu bên trong lãnh thổ Nga không chỉ nhằm mục đích giành lợi thế quân sự mà còn củng cố vị thế của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.
Quân đội Ukraine tuyên bố, hiện họ đã chiếm được hơn 1.200km2 lãnh thổ bên trong khu vực Kursk. Cuối tháng 8, Kiev cũng cho ra mắt một loại vũ khí mới do chính nước này tự sản xuất, mà Tổng thống Zelensky gọi là tên lửa lai UAV có khả năng tấn công sâu hơn vào Nga.
Kết quả không như mong đợi
Trong một tuyên bố ngày 1/9, ông Zelensky bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu khác sẽ sớm cho phép Ukraine tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp – điều mà Kiev đã tìm kiếm trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, cho đến nay cả Mỹ và châu Âu đều chưa đồng ý đề nghị của Ukraine do lo ngại nguy cơ mở rộng xung đột với một cường quốc hạt nhân.
Trong khi đó, Nga tiếp tục tập kích các thành phố của Ukraine. Hôm 2/9, Nga tấn công Kharkov ở miền Bắc Ukraine bằng bom dẫn đường. Cuộc dội bom được tiến hành chỉ một ngày sau cuộc tập kích trung tâm mua sắm và khu phức hợp tại thành phố này, được cho là căn cứ quân sự của Lữ đoàn xung kích độc lập số 3 thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine.
Ngược lại, các cuộc tập kích của Ukraine bên trong nước Nga, nhắm vào các sân bay, kho đạn dược và cơ sở hạ tầng năng lượng, không gây ra thiệt hại lớn cho Moscow.
Cho đến nay, các cuộc tấn công của Kiev vào lãnh thổ Nga dường như không làm thay đổi cục diện chung của cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Ukraine.
Trong khi đó, quân đội Nga tiếp tục giành nhiều chiến thắng quan trọng và đang nhanh chóng tiến về thành phố Pokrovsk, một trung tâm hậu cần quan trọng của Kiev ở khu vực Donetsk phía Đông Ukraine.
Mặc dù giới chức Ukraine cho biết họ hy vọng cuộc tấn công vào Kursk sẽ buộc Nga phải điều chuyển lực lượng khỏi mặt trận Donbass, nhưng điều đó dường như đã không xảy ra và lực lượng Ukraine vẫn bị áp đảo đáng kể trong khu vực.
Không rõ các cuộc tấn công vào kho dầu và nhà máy điện đã ảnh hưởng đáng kể như thế nào đến cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga. Tại các thành phố lớn của Nga như Moscow và St. Petersburg, cuộc sống vẫn tiếp tục diễn ra bình thường, không có tình trạng mất điện luân phiên hay còi báo động không kích thường xuyên – điều vốn đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống ở Kiev.
Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Theo WSJ