Mỹ chuyển hướng chiến lược trong vấn đề Ukraine
Vẫn còn chấn động trước thực tế chiến dịch phản công của Ukraine đã thất bại, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang xây dựng một chiến lược mới theo hướng giảm bớt sự chú ý đến việc giành lại lãnh thổ cho Ukraine và tập trung vào giúp Ukraine ngăn đà tiến của quân Nga, đồng thời hướng tới mục tiêu dài lâu là củng cố quân đội và kinh tế của Ukraine.
Lính Ukraine ngồi trên xe thiết giáp. Ảnh: New York Times.
Kế hoạch đang xây dựng này là một bước thay đổi đáng kể so với năm ngoái (2023), khi quân đội Mỹ và đồng minh đổ xô vào huấn luyện binh sĩ Ukraine và cung cấp cho Kiev các vũ khí khí tài hiện đại với hy vọng quốc gia này sẽ đẩy lui được các lực lượng Nga đang kiểm soát khu vực phía Đông và phía Nam của Ukraine. Tuy nhiên, nỗ lực này đã không mang lại kết quả đáng kể nào, chủ yếu do Nga đã xây dựng được những bãi mìn dày đặc và các chiến hào dọc theo chiến tuyến.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ chia sẻ: “Khá rõ là Ukraine sẽ khó có thể mở một đợt tấn công lớn trên tất cả các mặt trận giống như năm ngoái”.
Quan chức này cho hay, ý tưởng chính ở đây là giúp Ukraine giữ vững vị trí trên chiến trường, đồng thời tạo thế mạnh hơn cho họ vào cuối năm 2024.
Kế hoạch trên của Mỹ nằm trong nỗ lực đa phương của gần 36 nước hậu thuẫn cho Ukraine.
Mỗi nước trong số này đang chuẩn bị một tài liệu vạch ra các cam kết cụ thể của mình cho một thập kỷ tới. Anh đã công bố thỏa thuận 10 năm với Ukraine. Pháp dự kiến có động thái tương tự, với chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron.
Nhưng thành công của chiến lược giúp đỡ Ukraine phụ thuộc gần như chủ yếu vào Mỹ - quốc gia cho đến nay là nước quyên góp nhiều tiền và thiết bị cho Ukraine nhất, đồng thời là nước điều phối các nỗ lực giúp đỡ đa phương. Dự kiến Mỹ sẽ công bố cam kết 10 năm của riêng họ vào mùa xuân 2024. Bộ Ngoại giao Mỹ đang biên soạn văn bản của cam kết này.
Hỗ trợ Ukraine duy trì hiện trạng lãnh thổ và xây dựng nền tảng kinh tế
Theo giới chức Mỹ, văn bản cam kết của nước này sẽ bảo đảm sự ủng hộ dành cho các hoạt động tác chiến ngắn hạn cũng như giúp Ukraine xây dựng một quân đội trong tương lai có thể răn đe hoạt động tiến công của Nga. Văn bản này sẽ bao gồm cả các lời hứa và chương trình cụ thể nhằm bảo vệ, tái tạo và mở rộng cơ sở công nghiệp và xuất khẩu của Ukraine, trợ giúp nước này trong quá trình tiến hành cải cách chính trị cần thiết cho việc hội nhập với phương Tây.
Thay vì các màn đấu pháo ồ ạt trong nửa sau năm 2022 và phần lớn năm 2023, phương Tây hy vọng trong năm 2024 Ukraine sẽ tránh mất thêm lãnh thổ ngoài phần 1/5 diện tích đất nước này mà Nga đang kiểm soát.
Bên cạnh đó, chính phủ các nước phương Tây muốn Ukraine tập trung vào các chiến thuật giúp họ thành công gần đây - hỏa lực tầm xa; kiềm chế hạm đội Biển Đen của Nga để bảo đảm hoạt động hàng hải của Ukraine; và khống chế lực lượng Nga bên trong bán đảo Crimea bằng tập kích tên lửa cùng hoạt động phá hoại ngầm do biệt kích tiến hành.
Ngay cả những ai tin rằng Ukraine có thể đánh lui quân Nga cũng nghĩ rằng năm 2024 sẽ là một năm đầy khó khăn và nguy hiểm cho Ukraine.
Trả lời một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Latvia Edgars Rinkevics nói: “Khả năng cao nhất là Ukraine sẽ không giành lại thêm đáng kể lãnh thổ. Chiến lược duy nhất là nỗ lực cao nhất có thể để trước tiên giúp Ukraine bảo vệ các thành phố của mình, thứ hai là giúp họ không bị mất thêm đất”.
Dọc theo chiến tuyến, quân đội Ukraine đang khởi động xây dựng các tuyến chiến hào và bãi mìn ở tỉnh Zaporizhzhia, tương tự như Nga đã làm trước đây và gây khó khăn cho chiến dịch phản công của Ukraine.
Chiến lược dài hạn về chuyển đổi Ukraine cho tương lai dựa trên tuyên bố của nhóm G7 vào mùa hè 2023, trong đó, các nhà lãnh đạo phương Tây cam kết xây dựng một lực lượng quân sự Ukraine “bền vững” có thể hoạt động cùng với phương Tây. Tuyên bố này cũng hướng tới việc tăng cường “sự dẻo dai và bền vững của nền kinh tế Ukraine”.
Không có “viên đạn bạc” diệu kỳ dành cho Ukraine
Theo các quan chức Mỹ gần gũi với quá trình xây dựng chiến lược giúp Ukraine, bản kế hoạch này được viết theo hướng có 4 pha: chiến đấu, xây dựng, hồi phục và cải cách.
Eric Ciaramella - từng là nhà phân tích tình báo của CIA, cho rằng đối với giai đoạn “chiến đấu”, cái mà Ukraine cần ngay là “đạn pháo, một số xe quân sự mới, và thật nhiều UAV, và thêm các hệ thống phòng không”.
Ciaramella cho rằng mặc dù Ukraine đang chờ đợi các máy bay tiêm kích và xe thiết giáp viện trợ của phương Tây trong năm nay (2024), có thực tế là các vũ khí khí tài hiện đại vẫn thất bại như thường. Ông nêu ví dụ, người Ukraine đã chứng kiến cảnh xe tăng trị giá triệu USD mà phương Tây viện trợ cho họ bị quả mìn trị giá 10.000 USD của Nga phá hủy tan tành trong chiến dịch phản công của Ukraine năm ngoái.
Giai đoạn “xây dựng” trong chiến lược của Mỹ tập trung vào việc giúp Ukraine xây dựng hải lục không quân có sức răn đe cao. Ngoài ra, một phần tiền bổ sung dành cho Ukraine sẽ dùng để phát triển nền tảng công nghiệp của Ukraine phục vụ sản xuất vũ khí với mục tiêu ít nhất là giúp Ukraine “theo kịp đà sản xuất” của nền công nghiệp quốc phòng Nga .
Kế hoạch của Mỹ, theo tiết lộ của các quan chức, còn bao gồm việc cung cấp hệ thống phòng không để tạo ra “bong bóng bảo vệ” quanh các thành phố của Ukraine, cũng như bảo đảm sự phục hồi của các ngành kinh tế và xuất khẩu quan trọng của Ukraine, như thép và nông nghiệp.