Chiến sự Nga - Ukraine có thể vẽ lại bản đồ chính trị thế giới trong năm 2023

Thứ sáu, 24/02/2023 - 09:05

Đấu tranh vũ trang vừa là dấu hiệu vừa là công cụ gây ra những biến đổi trong chính trị. Chiến sự Nga - Ukraine đang được nhìn nhận qua lăng kính đó. Năm 2023 có thể chứng kiến những thay đổi lớn lao nữa, khiến bản đồ chính trị thế giới được vẽ lại.

Các cuộc xung đột quân sự lớn có khả năng hình thành lên trật tự thế giới. Ngoài tổn thất về sinh mạng và vật chất, các cuộc chiến còn thay đổi số phận của các xã hội và nhà nước, các bộ lạc, các nền văn hóa và các thủ lĩnh. Chúng thiết lập ra các tuyến tiếp cận mới đối với các nguồn lực và ảnh hưởng, quyết định ai được nhận gì và ai không. Chúng đặt ra các tiền lệ cho các xung đột vũ trang mới trong tương lai. Và chúng có khả năng vẽ lại bản đồ của nền chính trị thế giới.

Xe tăng Ukraine tiến ra mặt trận. Ảnh: AFP.

Sau một năm diễn ra kể từ cột mốc 24/2/2022, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine hội tụ tất cả các yếu tố nói trên.

Cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước diễn ra ác liệt. Không có dấu hiệu bên nào sẽ chịu lùi bước.

Nếu không bên nào (quân đội Nga hoặc quân đội Ukraine) kiệt sức, có khả năng lớn cuộc xung đột ấy sẽ kéo dài suốt năm 2023 và thậm chí lâu hơn thế nữa.

Năm 2023 sẽ là trọng điểm của nhiều vấn đề

Tuy nhiên, điều gì xảy ra ở Ukraine trong năm 2023 này sẽ có khả năng mang tính bản lề. Điều đó sẽ tiết lộ cho ta biết, bên nào có cơ giành chiến thắng toàn cục, hay cuộc xung đột ấy sẽ bị “đóng băng”.

Nó cũng sẽ kiểm tra quyết tâm của các bên hậu thuẫn cho xung đột, khả năng của Ukraine tái chiếm lãnh thổ, mức độ Tổng thống Nga Putin giành được sự ủng hộ trong nước, và ý đồ của Trung Quốc đối với vấn đề này.

Những gì chiến sự Ukraine diễn ra trong năm 2023 cũng sẽ chỉ ra mức độ quyết tâm của phương Tây trong theo đuổi mục tiêu ủng hộ Ukraine đối đầu với Nga. Liệu phương Tây sẽ hướng tới hỗ trợ Ukraine bằng mọi phương tiện cần thiết hay sẽ chuyển sang viện trợ nhỏ giọt do quá mệt mỏi?

Trong năm 2022, phương Tây đã hậu thuẫn cho Ukraine ở mức độ lớn mà Nga có lẽ cũng thấy bất ngờ. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm nhọc nhằn hơn vẫn nằm ở phía trước, khi mà phương Tây sẽ phải quyết định xem họ có nên tiếp tục đầu tư vào một nước đã bị tàn phá bởi chiến sự và sự giao tranh đó có thể còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa, thậm chí nhiều thế hệ nữa.

Hiện tại, phương Tây có thể xem tình hình Ukraine là tạm ổn. Nhưng trong các tháng tới, Kiev sẽ đối diện với 2 thách thức chính.

Thứ nhất, Ukraine sẽ phải hấp thụ được các đòn tấn công của Nga trong khi đồng thời mở các chiến dịch tiến công của riêng mình - điều này đòi hỏi phương Tây cung cấp cho Ukraine xe tăng hạng nặng, pháo tầm xa hơn và thậm chí cả máy bay chiến đấu.

Thứ hai, Ukraine sẽ phải tiếp tục nhận được viện trợ quốc tế để bảo đảm trật tự xã hội của nước này không bị đứt gãy do kinh tế suy sụp. Ukraine cũng cần nguồn viện trợ đó để giảm nhẹ hư hại đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu của họ.

Trong 12 tháng qua, điện Kremlin đã nhiều lần ám chỉ về khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân hủy diệt và nguy cơ đối phương sử dụng “bom bẩn” (bom phóng xạ). Nga cũng vận dụng thuật ngữ “phát xít” để gắn vào nhiều đối tượng thù địch.

Phương Tây đã phải hành động hết sức khéo để ứng phó với các phản đòn của Nga. Năm vừa rồi, họ đã có nhiều nỗ lực để giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga - công cụ gây ảnh hưởng chiến lược của Nga. Tuy nhiên, trong năm 2023, Nga có thể gia tăng nỗ lực tạo ra các rạn nứt trong nội bộ phương Tây hoặc gây ảnh hưởng lên dân chúng nơi đây.

Trọng tâm của NATO sẽ tiếp tục dịch chuyển sang phía Đông

Cả Ba Lan và Estonia đã trở thành những nước cổ xúy mạnh mẽ cho chủ quyền của Ukraine, đồng thời họ cũng đóng vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy các nước châu Âu vốn do dự hơn (như Đức và Pháp) dịch chuyển theo hướng lựa chọn quan điểm cứng rắn hơn với Nga.

Trong khi đó, các ứng viên xin gia nhập NATO (Phần Lan và Thụy Điển) bận rộn gia tăng chi tiêu quốc phòng năm 2022 lên mức 10 - 20%.

Ngoại trừ trường hợp Hungary, nhóm Bucharest 9 (hình thành vào năm 2015 trước biến cố Crimea) đã trở thành một lực lượng mạnh bên trong khối NATO. Nhóm này tích cực cổ xúy cho việc chuyển giao các hệ thống vũ khí hiện đại hơn cho Ukraine.

Hồi tháng 1/2023, Ba Lan công bố họ đang gia tăng chi tiêu quân sự lên mức 4% GDP. Nước này đang đặt hàng nhiều vũ khí, bao gồm cả từ Mỹ và Hàn Quốc. Sự điều phối chính sách giữa Ba Lan và Mỹ cũng gia tăng, đặc biệt là trong việc bố trí hệ thống vũ khí của NATO, nhân sự và cung cấp huấn luyện cho các lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Biden tới Kiev vào hôm 20/2 để công bố gói viện trợ quân sự mới trước khi thăm Ba Lan để kỷ niệm tròn một năm chiến sự giữa Nga và Ukraine.

NATO đối mặt với một thách thức, đó là cách tiếp cận 2 tốc độ trong vấn đề Ukraine có khả năng tạo thêm sự chia rẽ trong nội khối. Một số nước Tay Âu chần chừ trong phản ứng trước hành động của Nga ở Ukraine, nhưng một số nước Baltic và Ba Lan thì lại hành động quyết liệt./.