Mối quan hệ Mỹ - Trung gần như leo thang trên mọi mặt trận và thời điểm hiện nay được Todd Mariano, giám đốc Eurasia Group đánh giá là "chương tăm tối nhất trong quan hệ hai nước". Cuộc chiến thương mại chưa ngã ngũ thì hàng loạt căng thẳng khác nổi lên, từ đại dịch Covid-19 cho tới cuộc chiến công nghệ, truyền thông và ngoại giao.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Ngày 7/7, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho rằng Trung Quốc là "mối đe dọa dài hạn lớn nhất với tài sản sở hữu trí tuệ và hệ thống thông tin, cũng như với sức mạnh kinh tế của Mỹ". Các nhà quan sát và các nhà ngoại giao đều cho rằng Mỹ - Trung đang ở trong cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0 nhưng liệu có bất kỳ nguy cơ nào khiến căng thẳng hai nước leo thang thành "chiến tranh nóng" và nếu viễn cảnh đó xảy ra, hậu quả với khu vực và thế giới sẽ như thế nào?
Không còn là “điều không nghĩ tới”
Sự nổi lên của Trung Quốc luôn được coi là một chủ đề định nghĩa thế kỷ 21. Nhà sử học Graham Allison cho biết sự dịch chuyển quyền lực từng diễn ra 16 lần trong 500 năm qua và trong 12 lần, những thay đổi này đều kết thúc bằng chiến tranh. Đối đầu Mỹ - Trung, 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay, một lần nữa đặt ra câu hỏi về nguy cơ chiến tranh cũng như những bài học thực tế từ quá khứ.
Năm 1914, sự dịch chuyển quyền lực giữa Đức và Anh đã gây ra Thế chiến I. Vào thời điểm đó, thế giới từng nghĩ cuộc chiến này không thể xảy ra. Đức và Anh là những đối tác thương mại lớn nhất của nhau, các gia đình hoàng gia đều có họ hàng với nhau nhưng thực tế cho thấy chiến tranh vẫn nổ ra.
Trong cuốn sách "Destined for War" (tạm dịch là "Định mệnh chiến tranh"), tác giả Graham Allison đã viết rằng xung đột Mỹ - Trung "không chỉ có thể xảy ra mà còn có nguy cơ nổ ra lớn hơn nhiều những nhận thức hiện nay".
Năm 2015, một tổ chức nghiên cứu toàn cầu của tập đoàn Rand Corporation đã chuẩn bị một báo cáo cho quân đội Mỹ, trong đó có dòng tiêu đề đáng chú ý: “War with China: Thinking Through the Unthinkable” (tạm dịch là “Chiến tranh với Trung Quốc: Suy nghĩ về điều chưa từng nghĩ tới). Tài liệu này đã kết luận rằng, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất nhiều hơn Mỹ nếu chiến tranh nổ ra vào thời điểm đó. Tuy nhiên, báo cáo trên cũng đánh giá rằng, bởi vì Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự nên cuộc xung đột giữa 2 bên có thể biến thành một cuộc chiến kéo dài.
Theo ABC, Trung Quốc đang xây dựng sức mạnh quân sự để chuẩn bị trước nguy cơ về cuộc chiến trên. Bắc Kinh đã tăng chi phí quốc phòng gấp 7 lần trong 20 năm qua. Thông báo chính thức cho biết nước này đã chi 180 tỷ USD cho quân đội mỗi năm, song các nhà phân tích tin rằng con số thực sự cao hơn nhiều so với số liệu trên.
Nhà phân tích Stan Grant đánh giá trên trang ABC rằng Mỹ vẫn mạnh hơn Trung Quốc bởi Washington đã chi hơn 700 tỷ USD mỗi năm cho quốc phòng. Tuy nhiên, lực lượng của Mỹ trải rộng hơn ở nhiều cuộc xung đột trên thế giới, trong khi lực lượng của Trung Quốc chỉ tập trung ở "mặt trận" khu vực.
Gần đây nhất, lần đầu tiên sau 6 năm, Mỹ điều 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tới Biển Đông, mỗi tàu có 60 chiến đấu cơ cùng các tên lửa và tàu khu trục. Đây dường như một tuyên bố rõ ràng cho thấy Mỹ sẽ không nhượng bộ bất kỳ ảnh hưởng nào trong khu vực cho Trung Quốc.
"Mỹ muốn gửi một thông điệp rằng nước này sẽ không nhượng bộ. Mỹ muốn khẳng định nước này vẫn hiện diện trong khu vực", chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đánh giá.
Khi được hỏi về khả năng những tính toán sai lầm có thể xảy ra, nhà phân tích này cho rằng nguy cơ đó là thấp bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh, nhưng không thể hoàn toàn bác bỏ.
Theo ông Poling, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn cản các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ "ngày càng trở nên quyết liệt hơn", trong khi Mỹ "khẳng định sẽ không trở thành một con hổ giấy". Vì thế, nguy cơ chiến tranh Mỹ - Trung là "nhỏ chứ không phải hoàn toàn không có khả năng từ các tình huống leo thang căng thẳng bất ngờ".
“Thùng thuốc súng” châu Á
Nhà phân tích Stan Grant nhận định, nếu chiến tranh Mỹ - Trung nổ ra, châu Á sẽ trở thành một "thùng thuốc súng". Nhà quan sát này đánh giá châu Á - Thái Bình Dương là khu vực quân sự hóa đáng chú ý nhất thế giới. Nơi này tập trung một vài trong số những đội quân lớn nhất thế giới, có các loại máy móc chiến đấu tiên tiến về mặt công nghệ, đồng thời là nơi hiện diện của một số quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như là khu vực chứng kiến sự hiện diện trên quy mô lớn của quân đội Mỹ.
Thêm vào đó, nguy cơ đụng độ quân sự còn được châm ngòi bởi sự phức tạp từ lịch sử cũng như những cuộc cạnh tranh gay gắt về tài nguyên thiên nhiên.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, Triều Tiên và Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản hay mới đây là Trung Quốc và Ấn Độ đã cho thấy tính phức tạp và "tính dễ cháy" của "thùng thuốc súng" châu Á nếu có bất cứ tính toán bất cẩn nào được đưa ra.
Mặc dù đều cho rằng nguy cơ chiến tranh Mỹ - Trung không còn là điều "không nghĩ tới" nhưng đa số các nhà phân tích và bản thân giới chức 2 nước này đều thừa nhận chiến tranh là viễn cảnh tồi tệ nhất.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng cảnh báo cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ "sẽ dẫn đến thảm họa với cả 2 quốc gia và thế giới trên quy mô lớn"./.
Kiều Anh/VOV.VN (Tổng hợp)Theo ABC, CNBC