Trả thù cho đồng minh?
Ngày 3/1, Mỹ không kích giết chết Tướng Iran Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), không lâu sau khi ông hạ cánh xuống Baghdad sau chuyến thăm Lebanon và Syria. Sau đó 5 ngày (8/1), Iran quyết định đáp trả cuộc tấn công của Mỹ bằng loạt phóng tên lửa vào các căn cứ quân sự của Washington ở Iraq.
Lãnh đạo phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah ở Lebanon phát biểu bày tỏ sự tiếc thương trước cái chết của Tướng Iran Soleimani tại thủ đô Beirut ngày 5/1/2020. Ảnh: Reuters
Mặc dù một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran là điều không thể xảy ra trong tương lai gần song vẫn còn những câu hỏi về việc liệu căng thẳng có leo thang ở những khu vực có lực lượng ủy nhiệm của Iran như Lebanon và Syria hay không, đặc biệt là khi ông Soleimani - người giữ vai trò quan trọng trong việc mở rộng ảnh hưởng của Tehran đã bị Mỹ giết chết.
Lebanon là một căn cứ, nơi có tổ chức ủy nhiệm quyền lực nhất và lâu đời nhất của Iran – Hezbollah hoạt động. Là một đảng phái chính trị và một tổ chức quân sự, phong trào này nổi lên vào đầu những năm 1980 khi Lebanon rơi vào nội chiến song cho tới nay Hezbollah đã hoạt động trên phạm vi quốc tế. Iran bắt đầu cung cấp vũ khí cho lực lượng này trong suốt cuộc chiến năm 2006 nhằm chống lại Israel và gần đây nhất là cùng với lực lượng của Tổng thống Syria Assad chống lại những kẻ nổi dậy. Chính phủ Mỹ ước tính, Hezbollah đã nhận được 700 triệu USD nguồn hỗ trợ hằng năm từ Iran.
Trong khi đó, tại Syria, không chỉ Hezbollah, các nhóm bán vũ trang dòng Shia cũng tham gia vào lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad.
Tổng thư ký phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah, người có mối quan hệ thân thiết với Tướng Soleimani là lãnh đạo lực lượng ủy nhiệm đầu tiên trong "quỹ đạo ảnh hưởng" của Iran công khai lên tiếng sau vụ "ám sát" chỉ huy cấp cao của Iran. Trong bài phát biểu hôm 5/1, lãnh đạo Hezbollah khẳng định đã đến lúc các lực lượng của Mỹ phải rời khỏi khu vực và một biện pháp để thúc đẩy quá trình này chính là tấn công vào các vị trí quân sự của Washington. Ông Nasrallah cũng khẳng định các thành viên trong "trục kháng cự" do Iran dẫn đầu, trong đó có Hezbollah sẽ tự quyết định cách thức đáp trả Mỹ, bất chấp động thái của Tehran là gì. Ngày 12/1, trong bài phát biểu thứ 2, lãnh đạo phong trào Hezbollah Nasrallah đã đẩy vấn đề này đi xa hơn khi hối thúc rằng "đã đến lúc để trục kháng cự bắt đầu hành động" trong việc đẩy quân đội Mỹ khỏi khu vực.
Từ năm 2006, Hezbollah được chính phủ Iran cho phép tự quyết định trong việc giải quyết một số vấn đề liên quan đến Lebanon mặc dù phong trào này ngày càng độc lập hơn với Iran trong việc xây dụng nguồn tài chính trước sức ép trừng phạt của Mỹ với các ngân hàng và doanh nghiệp Lebanon làm ăn với Hezbollah. Hiện vẫn chưa rõ Iran có tiếp tục duy trì một số đặc quyền tự quyết định này của Hezbollah sau cái chết của Tướng Soleimani hay không giữa bối cảnh Iran ngày càng cần nhiều sự ủng hộ từ các đồng minh.
Trong bài phát biểu ngày 9/1, chỉ huy Lực lượng Không quân của IRGC Amir Ali Hajizadeh khẳng định Iran mong đợi các lực lượng ủy nhiệm của nước này sẽ sẵn sàng hành động. Phát biểu trước các phong trào vũ trang do Iran ủng hộ, trong đó có Hezbollah, ông Hajizadeh cho biết giai đoạn tiếp theo của quá trình trả đũa sẽ do lực lượng mà ông gọi là "mặt trận kháng cự" tiến hành.
“Mất” nhiều hơn “được”
Mặc dù Hezbollah có khả năng, kinh nghiệm và tổ chức để tiến hành các hoạt động bí mật bên ngoài song phong trào này sẽ "mất" nhiều hơn "được" nếu tiến hành bất kỳ chiến dịch nào nhằm đáp trả cái chết của Tướng Soleimani. Thực hiện hành động quân sự chống lại Mỹ hay Israel ở Lebanon hoặc biên giới của nước này sẽ khó có khả năng xảy ra vào thời điểm này bởi điều đó sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Lebanon, cũng như gia tăng sự bất mãn trong cộng đồng những người Hồi giáo dòng Shia đang biểu tình rầm rộ trong thời gian qua. Thực tế là các cuộc biểu tình ở Lebanon sẽ có tác động lâu dài ở Lebanon hơn là cái chết của Tướng Soleimani.
Tuy nhiên, trong khi Hezbollah đã giảm đáng kể vai trò ở Syria, một phần là do những vấn đề nội bộ ở Lebanon thì lực lượng này vẫn có khả năng huy động lực lượng và khai thác những điểm yếu của Mỹ ở cả đông bắc Syria và căn cứ quân sự al-Tanf gần biên giới Iraq-Jordan-Syria để tấn công, tuy nhiên, cái giá phải trả có thể là những cuộc không kích trả đũa mạnh mẽ từ phía Mỹ.
Iran cũng có thể hành động ở Syria, đặc biệt với lý do nhằm đối phó với các cuộc không kích của Israel mà gần đây là cuộc tấn công ngày 10/1 tại khu vực Bukamal ở biên giới Iraq - Syria. Các chiến dịch của Israel tại Syria có thể khiến Tehran tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách chuyển sang động thái tấn công. Tuy nhiên, cả Hezabollah và Iran đều gặp hạn chế trong những hành động này bởi ảnh hưởng và ưu thế nổi trội của Nga tại Syria.
Ngày 7/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thăm Syria trước chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ - một động thái dường như để nhắc nhở rằng Nga sẽ không để Mỹ và Iran chuyển mặt trận đối đầu của họ sang Syria. Nếu Iran nhắm vào các mục tiêu của Mỹ ở Syria, điều này sẽ chỉ khiến mối quan hệ hợp tác và cạnh tranh giữa nước này và Moscow thêm phức tạp.
Hơn nữa, bất kỳ động thái nào của Iran nhằm chống lại Mỹ ở Syria cũng có thể gây "phản tác dụng" với những dàn xếp mà Nga - Thổ đã nhất trí ở đông bắc Syria. Điều này rõ ràng không có lợi cho Iran bởi hiện nay, Ankara vẫn đang đứng về phía Tehran sau cái chết của Tướng Soleimani. Đó là chưa kể các nhóm vũ trang do Iran ủng hộ ở Syria cũng không được trang bị đầy đủ và tổ chức lực lượng hiệu quả như Hezbollah để tiến hành một chiến dịch lớn.
Cái chết của Tướng Soleimani, người thúc đẩy mối quan hệ thân thiết giữa lãnh đạo các nhóm vũ trang Iran ủng hộ ở Lebanon, Syria, Yemen và Iraq, là một bước lùi cho ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, Iran sẽ tiếp tục những "di sản" mà ông Soleimani xây dựng để tăng cường vị thế của mình qua việc củng cố quan hệ với các lãnh đạo lực lượng ủy nhiệm.
Có thể khẳng định rằng vào thời điểm này, không chỉ một cuộc đối đầu trực tiếp mà ngay cả những cuộc chiến tranh ủy nhiệm Mỹ-Iran ở Lebanon và Syria cũng là viễn cảnh khó có khả năng xảy ra, trước hết là vì những yếu tố khách quan kể trên và quan trọng là bởi cả 2 nước đều muốn giảm căng thẳng sau một loạt những hành động đẩy 2 bên đến bờ vực chiến tranh./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)Theo Al Jazeera, The Guardian