Chiềng Pằn: Xã đầu tiên của huyện Yên Châu đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ hai, 06/11/2017 - 11:52

TNV - Ngày 12/11/2016, xã Chiềng Pằn đã hoàn thành được 19/19 tiêu chí và 39/39 chỉ tiêu, vinh dự là xã đầu tiên của huyện được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.

Thực hiện trước các tiêu chí cần ít vốn, để thúc đẩy thi đua

Từ trung tâm huyện theo quốc lộ 6 về phía Sơn La khoảng 04 km là xã Chiềng Pằn - xã vùng I của huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La). Xã có 12 bản với 1.064 hộ bằng 4.409 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm 72%, Kinh chiếm 22%, Khơ Mú chiếm 06%; 2.096 người trong độ tuổi lao động. Cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp; ngoài ra còn có 01 HTX và 109 hộ chuyên kinh doanh dịch vụ thương mại.

Nhà văn hóa xã được xây dựng khang trang. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Theo kết quả đánh giá thực trạng nông thôn năm 2010, trước khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới xã Chiềng Pằn mới đạt 04 tiêu chí (gồm: tiêu chí 4 - Điện, tiêu chí số 13 - Hình thức tổ chức sản xuất, tiêu chí 16 - Văn hóa, tiêu chí 19 - An ninh trật tự) và đạt 17 chỉ tiêu . Còn lại 15 tiêu chí với 22 chỉ tiêu chưa đạt, cần phải thực hiện.

Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là Chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện Yên Châu đã nhanh chóng được thành lập và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; đồng thời thành lập văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Chánh Văn phòng.

Trường mầm non xã đạt chuẩn Quốc gia mức độ I. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Ban chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch chi tiết, bám sát hướng dẫn của Trung ương và tỉnh; trong đó chú trọng các giải pháp phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư ở các bản, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo xã quan tâm thực hiện trước các chỉ tiêu, tiêu chí cần ít vốn đầu tư, phát huy sức dân là chính, tập trung đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã như đường giao thông, chợ, trường học… để tạo động lực, thúc đẩy thi đua xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư

Theo đó, xã Chiềng Pằn đã thành lập các tổ chức triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới gồm: Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã, Ban Phát triển bản. Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Chiềng Pằn đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách bản, các lĩnh vực; các thành viên thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc bản và các hộ gia đình triển khai, thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hàng năm, theo chỉ tiêu xã giao Ban phát triển bản đã triển khai kịp thời đến các hộ gia đình, phát huy tốt nội lực của nhân dân trong làm đường giao thông nông thôn, phát triển sản xuất, chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng bản văn hóa, gia đình văn hóa. Ban phát triển các bản có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng hội thi ở các bản, tiểu khu gắn với xây dựng nông thôn mới

Để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của nhân dân, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, xác định rõ nội dung và hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, Uỷ ban nhân dân huyện đã tổ chức phát động phong trào thi đua “Chung tay xây dựng nông thôn mới” và ký giao ước thi đua xây dựng nông thôn mới giữa Thường trực Uỷ ban nhân dân huyện với Thường trực Uỷ ban nhân dân các xã; chú trọng tổ chức hội thi “Phụ nữ Yên Châu chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ Yên Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” và hội thi ở các bản, tiểu khu tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới...

Nhờ vậy, công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên và rộng khắp, nhân dân trên địa bàn huyện Yên Châu nói chung và xã Chiềng Pằn nói riêng đã hiểu rõ người được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất chính là mình. Do vậy, bà con đã chủ động bàn bạc, thống nhất các nội dung thực hiện và tích cực đóng góp công sức, tiền của, đất đai...để xây dựng nông thôn mới, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi nhà.

Cùng với nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước (trung ương, tỉnh, huyện, xã) là trên 52 tỷ đồng, các doanh nghiệp hỗ trợ gần 13 tỷ đồng, bà con xã Chiềng Pằn đã chủ động hiến đất, tài sản, vật liệu, tiền và công lao động với trị giá hơn 16,3 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, các cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ cho phong trào xây dựng nông thôn mới của xã sớm về đích.

Ngoài chính sách hỗ trợ do Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La quy định cho các nội dung, công việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện đã bố trí nguồn lực để đầu tư cho xã Chiềng Pằn một số công trình thiết yếu mang tính đột phá, tạo động lực để nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới như giao thông, thủy lợi…

Vườn bưởi hơn 20 gốc, mỗi năm cho gia đình ông Phạm Văn Đê (trong ảnh) ở
bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn thu 40 triệu đồng. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Theo đó, kết cấu hạ tầng thiết yếu của xã cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh; toàn xã đã đầu tư nâng cấp được 36,5 km đường giao thông liên bản, nội bản, nội đồng; hệ thống thủy lợi của xã được đầu tư xây dựng đồng bộ, đảm bảo đủ nước tưới cho 172/172 ha đất lúa và rau màu các loại, trong đó tỷ lệ kênh mương được kiên cố đạt 79,5%, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nhân dân; trạm y tế xã được đầu tư xây dựng mới; mạng lưới bưu chính, viễn thông từng bước được nâng cấp, hiện đại hoá, phục vụ tốt nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, nhất là ở vùng nông thôn; 100% các bản có nhà văn hóa và đầy đủ thiết chế văn hóa; có 2/3 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia.

Xác định n hiệm vụ trọng tâm, mang tính cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và chuyển đổi cơ cấu lao động, Uỷ ban nhân dân huyện đã cụ thể hoá các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện thực tế của huyện như: Chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Trong giai đoạn từ 2011 đến nay, trên địa bàn xã Chiềng Pằn đã xây dựng được trên 20 mô hình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật cho nông dân được 25 lớp với 700 lượt người tham gia. Hầu hết các mô hình khuyến nông được đánh giá tốt và đã được áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng hộ gia đình nông thôn mới làm hạt nhân

Cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc chuyển đổi các hình thức sản xuất cũng được quan tâm thực hiện. Năm 2015, xã Chiềng Pằn đã tuyên truyền thành lập mới 01 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất rau an toàn; sau 02 năm hoạt động, hợp tác xã đã phát huy được vai trò tập hợp, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất và nhất là đã thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản.

Tính đến nay, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn xã có việc làm thường xuyên đạt trên 90% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 36,7% ); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,6%; thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 22 triệu đồng/người/năm; xã được công nhận đạt Phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2007 và hàng năm được công nhận lại; 1/3 trường học trên địa bàn đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ 1; tỷ lệ học sinh của xã sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở hàng năm tiếp tục theo học tại các trường Trung học phổ thông và học nghề đạt trên 90%.

Ông Dũng (Chủ tịch xã – người mặc áo trắng) đưa tác giả thăm gia đình ông Đê
(bản Chiềng Thi – người mặc áo phông kẻ) – hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với
ngôi nhà 2 tầng mới xây trị giá gần tỷ đồng và vườn cây trái (bưởi, thanh long, xoài, hồng xiêm…)
cho thu hoạch quanh năm. Ảnh: Phạm Quỳnh.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim, máy đo đường huyết của trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp; cán bộ trạm y tế được đào tạo tập huấn về chuyên môn thường kỳ, đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh tại trạm y tế xã. 12/12 y tế bản hoạt động thường xuyên; tỷ lệ người tham gia các loại hình bảo hiểm y tế 78,61%.

Phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ” ngày càng phát triển sâu rộng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao; từ năm 2011 đến nay xã Chiềng Pằn luôn có trên 70% số bản đạt bản văn hoá.

Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm thực hiện; 100% các bản đã thường xuyên tổ chức các hoạt động vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm khang trang sạch sẽ, hầu hết các hộ dân bản đã di dời chuồng trại chăn nuôi cách xa nơi ở và có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế của đạt 100%; số hộ có nhà tắm đạt tiêu chuẩn vệ sinh đạt 85,9%, nhà tiêu đạt chuẩn đạt 86,84%; 12/12 bản có nghĩa trang theo quy hoạch, đã xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang kèm hương ước, quy ước tại các bản, trong đó có lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường.

Cầu treo dân sinh bản Na Xanh bị cơn bão số 3 năm 2016 cuốn trôi, mới được xây dựng
thành cầu tràn kiên cố. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản ổn định, các cơ quan chức năng đặc biệt là lực lượng Công an đã kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Đến ngày 12/11/2016, xã Chiềng Pằn đã hoàn thành được 19/19 tiêu chí và 39/39 chỉ tiêu, vinh dự là xã đầu tiên của huyện được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.

Trong giai đoạn tiếp theo huyện, xã sẽ tiếp tục vận dụng, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để phấn đấu hoàn thiện 100% các tuyến đường giao thông nội bản, đường ngõ xóm, đường nội đồng được cứng hoá; 100% hệ thống thuỷ lợi, kênh mương được kiên cố hoá, xây dựng cơ sở vật chất trường Trung học cơ sở đạt chuẩn; sửa chữa nâng cấp các nhà văn hoá bản và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của xã.

Trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Đặc biệt chú trọng đến n hiệm vụ mang tính cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là tăng thu nhập cho nông dân và chuyển đổi cơ cấu lao động; lấy việc xây dựng hộ gia đình nông thôn mới làm hạt nhân, đồng thời thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm và dân hưởng lợi” cũng như vai trò giám sát của cộng đồng./.

Phạm Quỳnh