Dù các thế lực thù địch có đơm đặt thế nào đi chăng nữa nhưng cần phải khẳng định rằng, chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa hiện nay là chế độ dân chủ đầu tiên trong lịch sử chính trị Việt Nam. Sau khi thoát khỏi ách đô hộ, cởi được xiềng xích nô lệ nhưng chế độ phong kiến cũng khép chặt cánh cửa dân chủ. Người dân không có quyền tham gia, can dự đời sống chính trị của đất nước, càng không thể đề đạt nguyện vọng của mình. Thân phận con người, quyền con người phụ thuộc vào vua mà vị vua ấy Nhân dân không có quyền lựa chọn. Đó là kết quả của tục cha truyền con nối “Con vua lại được làm vua. Con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Nhân dân Việt Nam đã sống hàng ngàn năm như thế cho đến sự kiện lịch sử ngày 02/9/1945 – khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Đây là mốc son, là thời khắc lần đầu tiên, cánh cửa dân chủ mở rộng cho mọi tầng lớp người dân bước chân vào vũ đài chính trị. Lần đầu tiên có một chính quyền được dựng lên bởi tay người dân và chính quyền ấy lấy quyền sống, lấy cơm áo, tự do của người dân đặt lên hàng đầu.
Ngày nay, các quốc gia trên thế giới đều cho rằng chế độ mình đang theo đuổi là dân chủ nhất, đều nhất loạt khẳng định mọi quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Nhưng phải thông qua bầu cử mới có thể minh chứng rằng quyền lực thuộc về Nhân dân hay thuộc về thế lực nào khác.
Điểm 21, Điều 3 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền mà Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua 1948 đã khẳng định: “Ý chí của người dân phải là cơ sở của quyền lực nhà nước. Ý chí này thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc những tiến trình bầu cử tự do tương đương”. Điều 25, Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị cũng khẳng định lại một lần nữa những nguyên tắc này. Và quan trọng, các cuộc bầu cử ở Việt Nam cũng tuân thủ đúng các nguyên tắc: phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín để bảo đảm người dân lựa chọn đúng người mà họ muốn làm đại diện cho mình.
Ngoài ra, xoay quanh vấn đề bầu cử, các thế lực thù địch luôn tìm nguyên cớ để cho rằng Việt Nam không dân chủ. Một trong những nguyên cớ điển hình mà các thế lực này chỉ ra là Việt Nam không có vận động tranh cử. Điều này không đúng bởi rõ ràng Việt Nam có tổ chức vận động tranh cử cho các ứng cử viên. Hình thức vận động bầu cử ở Việt Nam là tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc cử tri và thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng để các ứng cử viên báo cáo cử tri dự kiến thực hiện trách nhiệm đại biểu nếu được trúng cử thông qua Hội nghị tiếp xúc cử tri do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương tổ chức; hay thông qua trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thiết nghĩ tùy vào điều kiện và văn hóa chính trị của mỗi quốc gia mà cách thức tổ chức bầu cử có những điểm khác nhau. Không phải cứ “khua chiêng đánh trống” ầm ĩ mới được coi là dân chủ.
Và không hiểu hà cớ gì, các thế lực thù địch luôn “chụp mũ” không đa nguyên, đa đảng để đưa nước ta vào danh sách các quốc không dân chủ. Việt Nam nhất quyết không đa nguyên, đa đảng và không cần đa nguyên, đa đảng bởi vì:
Thứ nhất đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập không phải là chế độ chính trị của thể chế xã hội chủ nghĩa; chấp nhận đa nguyên, đa đảng là chấp nhận đánh mất bản chất chế độ, chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai , đa nguyên chính trị xuất hiện khi giai cấp tư sản còn là giai cấp tiến bộ trong xã hội. Kể từ thời điểm các tổ chức độc quyền xuất hiện thì đa nguyên chính trị đã mất dần ý nghĩa ban đầu, đã trở thành một thủ đoạn để điều chỉnh lợi ích trên nguyên tắc cạnh tranh giữa các nhóm, các tổ chức độc quyền và bình phong dân chủ che đậy sự bất công, bất bình đẳng.
Khi chủ nghĩa xã hội xuất hiện, đa nguyên chính trị trở thành công cụ tư tưởng để giai cấp tư sản chống lại các nhà nước xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân và tiến bộ trên thế giới. Bằng chiêu bài chính trị đòi mở rộng quyền tự do, dân chủ đã thực hiện chế độ đa đảng nhằm vô hiệu hóa và từng bước đẩy Đảng Cộng sản ra khỏi vị trí lãnh đạo xã hội.
Thứ ba , dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế độc đảng hay đa đảng mà phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho giai cấp nào, quyền lực nhà nước có thuộc về Nhân dân hay không?
Hơn nữa, lịch sử nước ta đã khẳng định Việt Nam không cần đa đảng. Chúng ta đã có đa đảng vào năm 1946, cuộc tổng tuyển cử lần đầu tiên đã có một số đảng tham gia. Nhưng khi thực dân Pháp quay lại xâm lược thì chỉ có Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhân dân kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Và lúc thế nước nguy nan, đại dịch Covid-19 hoành hành, chỉ có Đảng ta đồng hành cùng dân tộc.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có thể tập hợp các lực lượng, phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để chiến thắng kẻ thù, chiến thắng dịch bệnh. Trong những thời điểm đất nước lâm nguy, sinh mạng của người dân bị đe doạ, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam soi đường để dân tộc vượt qua gian khó. Đây chính là luận chứng đanh thép nhất phản bác lại luận điệu của các thế lực thù địch khi đòi đa nguyên, đa đảng và cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam đã hết vai trò lịch sử, không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước”. Và những “lực lượng chính trị mới” luôn cổ suý những giá trị phương Tây, muốn đưa Việt Nam vào quỹ đạo dân chủ tư bản chủ nghĩa, họ ở đâu khi dân tộc rơi vào tình cảnh ngặt nghèo? Chúng ta có quyền đặt câu hỏi và Nhân dân ta chắc chắn có câu trả lời cho sự lựa chọn của mình.
Trương Thị Điệp
Trường Chính trị Đà Nẵng