Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang, trong quý I/2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.596 người. Trong đó, có 1.576 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, 45 người được hỗ trợ học nghề. Tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề trên 24 tỉ đồng.
Ảnh minh họa
Theo ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, khi tham gia BHTN, hàng tháng người lao động đóng 1% tiền lương, tiền công, nhưng khi nghỉ việc được hưởng mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Qua đó cho thấy, quyền lợi của người lao động đã được quan tâm rất nhiều.
Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sợ Lao động – Thương binh và Xã hội) tỉnh để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị Nguyễn Thị Chung, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, đi tỉnh Bình Dương làm công nhân, đến nay đã 14 năm nay. Chị làm ở công ty may túi xách, với mức lương gần 8 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng do có con nhỏ nên chị xin nghỉ việc về quê. Sau khi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị nhanh chóng hoàn thành hồ sơ. Chị Chung được nhận 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, mỗi tháng được 4,6 triệu đồng, số tiền này giúp chị có khoản chi phí lo cho con nhỏ, trang trải cuộc sống trong thời gian chờ tìm việc làm mới. Chị Chung cho biết: “BHTN giúp người lao động bị mất việc làm có khoản tài chính để duy trì cuộc sống trong một thời gian, ngoài ra còn được hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm để sớm quay lại thị trường lao động”.
Còn bà Trần Thị Phúc, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, cũng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bà Phúc cho biết: “Trước đây tôi đi làm thuê ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, mức lương khá. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe nên tôi xin nghỉ làm. Đến nay, sức khỏe chưa được cải thiện, nên tôi quyết định làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày trong thời điểm này”. Theo bà Phúc, trên đường từ nhà đến trung tâm, bà cũng lo lắng không biết thủ tục có rườm rà, phải đi lại nhiều lần hay không. Tuy nhiên, được cán bộ trung tâm hướng dẫn nhiệt tình, bà Phúc hoàn tất thủ tục rất nhanh. Bà còn được tư vấn, giới thiệu việc làm mới, tuy nhiên, do sức khỏe chưa tốt nên bà dự định nghỉ thêm thời gian để chữa bệnh, rồi sẽ tìm công việc phù hợp để đi làm.
Người lao động bị mất việc làm, ngoài được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, còn được thông tin về việc làm trống, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, được tư vấn học nghề bằng cách trực tiếp đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Văn phòng BHTN - Dịch vụ việc làm Phụng Hiệp (huyện Phụng Hiệp), Văn phòng BHTN - Dịch vụ việc làm Cái Tắc (huyện Châu Thành A) hay tại các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động. Trong quý I/2023, trung tâm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 1.576 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang tích cực hướng dẫn cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp tại trung tâm và hai văn phòng BHTN - dịch vụ việc làm ở huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành A, Không những vậy trung tâm còn hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Để chính sách BHTN đi vào đời sống, thời gian qua, trung tâm còn tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người lao động và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như thông qua phiên giao dịch việc làm, các cuộc tập huấn, hội nghị...
Chính sách BHTN đã và đang là chỗ dựa cho người lao động khi bị mất việc làm, giúp họ ổn định cuộc sống, có điều kiện được học nghề và tìm việc làm mới. Tuy nhiên, để người lao động thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi từ chính sách này, thời gian tới ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động trong việc tham gia thực hiện chính sách BHTN, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động…
P/v