TNV - Được ví như “phao cứu sinh” của người lao động khi rơi vào hoàn cảnh bị mất việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp luôn phát huy vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Để tạo thuận lợi cho người lao động nhanh chóng tiếp cận chính sách này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu trong thời gian qua.
Người lao động làm thủ tục hưởng BH thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tây Ninh (ảnh internet)
Đại dịch COVID-19 đã qua, đến nay, nhiều doanh nghiệp, người lao động đã nhận thức sâu sắc hơn về vai trò và tính cấp thiết của chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đây là chính sách nhân văn đã và đang trở thành điểm tựa, giúp người lao động ổn định cuộc sống, đóng góp vào sự vững mạnh của hệ thống an sinh xã hội.
Để tạo thuận lợi cho người lao động, tất cả các khoản tiền trợ cấp thất nghiệp đều được chi trả thông qua tài khoản cá nhân người lao động thay vì phải trực tiếp đến các điểm bưu điện nhận tiền mặt, đồng thời khuyến khích người lao động đăng ký thủ tục bảo hiểm thất nghiệp qua Cổng dịch vụ công tỉnh, trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tây Ninh, để giảm tải, Trung tâm tổ chức 3 cơ sở tiếp nhận và trả kết quả tại KCN Trảng Bàng, KCN Phước Đông và chi nhánh tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Trung tâm cũng thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, chú trọng thực hiện nghiêm các quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo hướng đơn giản, thuận tiện, giảm bớt thời gian đi lại cho người lao động.
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề, góp phần ổn định tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động bị mất việc làm có cơ hội “hòa nhập” với thị trường lao động. Chính vì vậy, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tây Ninh rất chú trọng đến công tác tư vấn việc làm, học nghề và giới thiệu việc làm. Điểm đặc biệt trong hoạt động này là Trung tâm đã liên kết chặt chẽ với Trung tâm đào tạo TPA (Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục TPA) triển khai đào tạo nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ năm 2018. Từ năm 2018 đến nay, trung tâm đã liên kết đào tạo nghề cho hơn 100 lao động đang hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp. Hầu hết người lao động chọn học nghề bếp, pha chế và làm bánh vì đây là những nghề có thể kinh doanh tại nhà, cơ hội việc làm nhiều, thu nhập tương xứng. Sau khi hoàn thành khoá học (từ 3,5-6 tháng), người lao động còn được giới thiệu việc làm tại các nhà hàng ẩm thực, quán cà phê trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh các giải pháp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm, triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Tây Ninh đã tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, đặc biệt tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn tỉnh.
Người lao động khi đến làm các thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp còn được cán bộ của Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ học nghề. Bên cạnh đào tạo nghề lái xe hạng B2, hạng C, xe nâng hàng K2 tại chỗ, trung tâm còn liên kết với một số đơn vị, cơ sở đào tạo đa ngành nghề. Tất cả chi phí học nghề đều được Bảo hiểm xã hội (BHXH) hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng/người, trong thời gian tối đa 6 tháng.
Theo số liệu của BHXH Tây Ninh, tính đến hết tháng 10.2022, đơn vị đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã chi hỗ trợ học nghề cho 622 lượt lao động, với số tiền 930 triệu đồng; giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 95.129 lượt người lao động khi nghỉ việc, số tiền gần 308,4 tỷ đồng. Trong đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng.
Tính riêng từ ngày 1-18/05/2023, tại Tây Ninh, có 1.394 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có 46 người làm việc ở các địa phương khác nộp hồ sơ. Tổng số người thất nghiệp có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.251 người, trong đó, số người có quyết định hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp là 521 người và số người có quyết định hưởng trên 03 tháng trợ cấp thất nghiệp là 726 người. Số lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.394 người. Số lao động được trợ cấp học nghề là 2 người. Số người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề là 2 người.
Trong thời gian tới, song song với công tác giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiệu quả, nhanh chóng đến người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về sàn giao dịch việc làm một cách sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh, vận động người lao động có nhu cầu tìm việc, học nghề tham gia tư vấn và giao dịch việc làm tại địa phương./.
T.Q