Chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ quốc tế của doanh nghiệp

Thứ năm, 09/12/2021 - 14:25

TNV - Trong thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây ra cho nền kinh tế trong nước và quốc tế những hậu quả nặng nề. Chính vì vậy, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) đã lực chọn thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2021 (26/4) là “Sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa, mang ý tưởng đến với thị trường”. 

Xác lập tên thương mại

Tên thương mại thuộc tài sản trí tuệ, là tên gọi riêng biệt đã được tổ chức, doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và được cấp giấy phép hoạt động theo nội dung tên gọi đó. Dù doanh nghiệp có thể sở hữu, kinh doanh nhiều nhãn hiệu hàng hoá khác nhau, nhưng mỗi doanh nghiệp chỉ có một tên thương mại duy nhất.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt và đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam thăm Trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Chủ doanh nghiệp sở hữu tên thương mại có quyền sử dụng tên thương mại vào mục đích kinh doanh để xưng danh, thể hiện trên giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm hàng hoá bao bì và quảng cáo; ngoài ra, có quyền chuyển giao theo hợp đồng, thừa kế toàn bộ cơ sở và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó cho người khác… 

Vì vậy đối với những doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi chuẩn bị khởi nghiệp, cần quan tâm xây dựng và xác lập cho mình một tên thương mại phù hợp.

Theo một số chuyên gia, khi thiết kế tên thương mại cần lựa chọn các chữ dễ phát âm, dễ nhớ, tạo ấn tượng về tính tin cậy, năng động…; tránh những chữ có nghĩa xấu, gây phản cảm; không trùng hoặc gây nhầm lẫn với doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh, hoặc nhẫm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá nổi tiếng của người khác, không vi phạm những điều cấm; đặc biệt, nếu có ý định mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài thì không nên chọn tập hợp chữ có dấu vì khó phát âm…

Chủ doanh nghiệp có thể liên hệ các cơ quan chức năng để được hỗ trợ về việc rà soát tên thương mại của các doanh nghiệp khác đang hoạt động trong cùng lĩnh vực, cùng thị trường để tránh tên thương mại của mình xung đột với các tên thương mại đã có.

Sau khi hoàn tất việc chọn lựa tên thương mại thì chủ doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại, để được bảo hộ vĩnh viễn cho đến khi chủ doanh nghiệp còn duy trì hoạt động với tên thương mại này. 

Bảo vệ quyền lợi quốc tế của doanh nghiệp

Theo Điều 84 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, bí mật kinh doanh là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin, được bảo hộ khi đáp ứng đủ các điều kiện: không phải là hiểu biết thông thường; khi sử dụng trong kinh doanh tạo cho người nắm giữ thông tin có lợi thế so với người khác; được chủ thông tin bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để thông tin đó không bị tiết lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

 Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Hồng Quất phát biểu khai mạc Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu” – Techfest Việt Nam 2021.

Như vậy, tên thương mại, nhãn hiện, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý (quyền thể hiện chỉ dẫn đó trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, giấy tờ giao dịch nhằm mua bán hàng hoá và quảng cáo cho hàng hoá này) có vai trò rất quan trọng trong hoạt động, tính sống còn, sự thành bại và khả năng phát triển của doanh nghiệp trên thị trường. Chẳng hạn, được pháp luật bảo vệ trong trong phạm vi, thời hạn, đi kèm với nghĩa vụ nhất định; nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị hàng hoá; gia tăng tính nhận biết của khách hàng đối với thương hiệu, từ đó, hình thành thói quen tiêu dùng, sự tin tưởng, dễ dàng lựa chọn mua sản phẩm, hàng hóa phù hợp với sở thích của người tiêu dùng; được chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp trong phạm vi được bảo hộ…

Ngoài ra, Điều 199 Luật Luật Sở hữu trí tuệ quy định, quyền sở hữu công nghiệp được bảo vệ chặt chẽ bằng cả 3 biện pháp hành chính, dân sự và hình sự. Trong đó, chủ sở hữu công nghiệp có thể tự bảo vệ hoặc bằng hoạt động của cơ quan nhà nước thông qua việc khởi kiện tại Toà án, hoặc tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác như Thanh tra Bộ, Sở Khoa học và Công nghệ, Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Hải quan, Quản lý thị trường, UBND cấp tỉnh, huyện…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp và làm việc với Tổng giám đốc WIPO Daren Tang. Ảnh: Thuận Thắng.

Cụ thể, cơ quan Thanh tra Khoa học và Công nghệ các cấp có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp bằng biệp pháp hành chính thông qua việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác, quảng cáo, lưu thông, trừ hành vi xảy ra trong xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Cơ quan Quản lý thị trường các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra trong lưu thông hàng hóa và kinh doanh thương mại trên thị trường; Cơ quan Hải quan các cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra trong nhập khẩu hàng hóa; Cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền phát hiện, xác minh, thu thập thông tin, chứng cứ của hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp và cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và xử phạt các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp; UBND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu công nghiệp xảy ra tại địa phương mà mức phạt, hình thức xử phạt, biện pháp xử lý áp dụng đối với hành vi đó vượt quá thẩm quyền của các quan có thẩm quyền khác…

Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 15 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngoài ra, còn tham gia nhiều công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và nhiều hiệp định thương mại khác. Trong đó, Hiệp định các khía cạnh sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại (TRIPS) đều quy định trách nhiệm của các bên tham gia trong việc thực thi các điều khoản đã cam kết và đảm bảo việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân đang được bảo hộ tại Việt Nam. Vì vậy, việc thực hiện bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, bên cạnh mục tiêu tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp không ngừng phát triển bền vững, còn nhằm để thực hiện quyền và nghĩa vụ quốc tế của doanh nghiệp trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước.

Thanh Tú