Tại báo cáo đánh giá tác động dự án Luật Dân số đang lấy ý kiến nhân dân, Bộ Y tế cho hay mức sinh thay thế đang giảm đáng kể trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Bởi vậy, để duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con) trên phạm vi cả nước, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con và trao quyền quyết định số con, thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh con cho các cặp vợ chồng.
Chuyên gia dân số, ông Mai Xuân Phương cho biết, Việt Nam là một trong số ít nước có chính sách về dân số từ rất sớm (vào thời điểm 26 tháng 12 năm 1961). Hơn 60 năm qua, đặc biệt là 45 năm gần đây, Việt nam đã nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm sinh và đưa về mức sinh là 2,1 con/phụ nữ vào năm 2005, tức là đạt mức sinh thay thế, đồng thời duy trì cho đến tận bây giờ, suốt 19 năm qua.
Nhờ mức sinh giảm nên quy mô dân số và chất lượng dân số cũng có những cải thiện đáng kể. “Từ việc sinh đẻ mang tính tự nhiên, bản năng sang hành vi sinh đẻ có kế hoạch văn minh, từ bị động sang chủ động, từ số lượng nhiều sang số lượng ít, chất lượng cao, từ sinh đẻ đang còn thiếu trách nhiệm đến sinh đẻ có trách nhiệm”. Ông Mai Xuân Phương cũng khẳng định, những kết quả trong công tác dân số được đánh dấu qua 3 chặng đường. Đầu tiên là dân số kế hóa gia đình, tiếp đến là dân số - sức khỏe sinh sản và hiện nay là dân số và phát triển. Tất cả những thành tựu này, không thể phủ nhận sự nỗ lực, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và cơ quan hữu trách mà trực tiếp là những người làm công tác dân số trong suốt 63 năm qua.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác dân số của nước ta vẫn còn rất nhiều thách thức cần phải nỗ lực giải quyết, trong đó phải kể tới việc mức sinh đang có xu hướng giảm thấp và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó là sự chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng miền. Mức sinh ở khu vực thành thị, vùng Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu dưới mức "2 con". Trong khi đó khu vực Tây Nguyên, miền núi và trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Vì vậy, xây dựng các giải pháp phù hợp từng vùng, từng tỉnh để vừa bảo đảm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vừa tiến tới đồng đều về mức sinh trên phạm vi cả nước là yêu cầu, cũng là thách thức lớn.
Ông Mai Xuân Phương cho rằng, trong bối cảnh đó, việc Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con là phù hợp và cần hướng tới quy định mỗi cặp vợ chồng hãy sinh đủ 2 con. Điều này sẽ giúp khắc phục tình trạng mức sinh xuống quá thấp, đồng thời tránh được nguy cơ già hóa dân số nghiêm trọng. Tuy nhiên để thực hiện giải pháp này, Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để tuyên truyền vận động, thực hiện hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho các đối tượng thực hiện chính sách. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã từng ban hành Quyết định số 588 ngày 28.4.2020 phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 đưa ra các giải pháp nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở nơi có mức sinh cao.
Theo Quyết định này, đối với địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, trước mắt cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con. Từng bước ban hành, thực hiện các chính sách khuyến khích sinh đủ 2 con. Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở, phúc lợi xã hội, giáo dục; y tế,... đến việc sinh ít con; xây dựng, triển khai các mô hình can thiệp thích hợp.
Cũng theo Quyết định 558, tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp nếu xã nào 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được đề xuất UBND huyện khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật. Với xã 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được đề xuất UBND cấp tỉnh khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Trong thời gian qua, tại một số tỉnh có mức sinh thấp, cũng đã triển khai quy định hỗ trợ 1 lần bằng tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi hoặc hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.
Hiện nay nước ta có 21 tỉnh mức sinh thấp, 33 tỉnh có mức sinh cao và 9 tỉnh mức sinh thay thế (9 tỉnh này có nguy cơ không giữ được mức sinh thay thế). Bởi vậy chuyên gia dân số Mai Xuân Phương cho rằng, cách giải quyết đối với đặc thù của từng vùng phải rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội chứ không thể làm đại trà giống nhau. Những tỉnh nào có mức sinh thấp thì cần phải có chính sách khuyến sinh để làm sao nâng mức sinh thấp lên mức sinh thay thế, tức là mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Còn với những tỉnh có mức sinh cao thì cần những chế tài cụ thể để người dân không lợi dụng chính sách vợ chồng được tự quyết định số con mà đẻ thoải mái.
Với góc độ của một chuyên gia dân số, ông Mai Xuân Phương đề xuất, việc đầu tiên tức là phải kiện toàn củng cố lại Ủy ban Quốc gia về dân số và hạnh phúc gia đình. Thứ hai là đẩy mạnh nghiên cứu truyền thông về xu thế giảm sinh. Thứ ba là đổi mới chính sách pháp luật liên quan đến mức sinh. Thứ tư là cần có thêm nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi. Thứ năm là Nhà nước cần hỗ trợ khi gia đình nuôi con nhỏ. Thứ sáu là phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ gia đình, các cặp vợ chồng nuôi con nhỏ được hưởng chế độ làm việc ít thời gian hơn. Giải pháp cuối cùng, ông Mai Xuân Phương đề xuất là hỗ trợ sinh sản, chữa trị vô sinh hiếm muộn để tất cả gia đình đều có cơ hội tiếp cận với tư vấn, thậm chí là được tầm soát chẩn đoán sớm bệnh tật, nâng cao chất lượng dân số.
Theo VOV