Chính sách dân tuý phủ bóng lên bầu cử Thái Lan

Thứ bảy, 23/03/2019 - 09:32

Cuộc bầu cử tại Thái Lan cuối cùng đã được diễn ra sau rất nhiều lần phải trì hoãn. Người dân Thái Lan mong chờ cuộc bầu cử này?

Hơn 3 giờ chiều, thời tiết tháng 3 tại Bangkok nóng như đổ lửa, những chiếc xe buýt loại lớn đưa người ủng hộ mà đa phần là phụ nữ và người già tới sân vận động nơi diễn ra cuộc vận động tranh cử cuối cùng của đảng Palang Pracharath. Những người già và phụ nữ trung tuổi họ quan tâm tới chính trị? Câu trả lời chắc ai cũng có thể có được. Tiếng nhạc, những điệu nhảy, những câu khẩu hiệu và lời hứa được các chính trị gia đưa ra với cử chi của mình. Một không khí thật giống với ngày hội.

Cuộc bầu cử tại Thái Lan cuối cùng đã được diễn ra sau rất nhiều lần phải trì hoãn. Người dân Thái Lan mong chờ cuộc bầu cử này? Đúng vậy, theo khảo sát thì có tới hơn 80% số người được hỏi khẳng định rằng họ sẽ đi bỏ phiếu. Điều này là một dấu hiệu căn bản để cho thấy cử tri Thái quan tâm tới bầu cử thế nào. Nó trái ngược hoàn toàn với lần trưng cầu ý dân về hiến pháp diễn ra cách đây 2 năm khi chỉ có khoảng 60% cử tri đi bỏ phiếu.

Người dân Thái Lan trước nay vốn hiền hoà vì họ là quốc gia lấy Phật giáo làm quốc đạo. Họ sống an phận, ít cạnh tranh và quan tâm tới những giá trị thực tại trước mắt. Nhiều đảng phái tại Thái Lan đã đánh vào điểm này khi đưa ra hàng loạt các lời hứa liên quan trực tiếp tới đời sống người dân, một cách cụ thể là tiền. Mọi tranh cãi về những lý luận cao siêu, những giá trị lớn lao bỏ lại phía sau để nhường chỗ cho một thứ cụ thể đó là “bát cơm” trước mắt “Chúng tôi mong muốn một chính phủ mới sẽ quan tâm tới đời sống của người dân nhiều hơn, một thủ tướng sáng suốt và trung thành với chế độ quân chủ” – bà Pem, một cử tri tại Bangkok chia sẻ.

Những chính sách mà các đảng phái đưa ra rất dễ hiểu với người dân, họ đưa ra một thông điệp cụ thể, bầu cho chúng tôi, các bạn sẽ có thêm tiền. Đảng Palang Pracharath ủng hộ thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha đưa ra một đề suất sốc đó là tăng lương tối thiểu lên tối đa 425 baht/ngày cũng như giảm thuế thu nhập cá nhân 10%.

Không thua kém, đảng Pheu Thai ủng hộ nhà Shinawatra vẫn giữ truyền thống đánh vào đối tượng có thu nhập thấp ở nông thôn. Căn cứ địa của Pheu Thai vẫn là vùng Đông Bắc, nơi nghèo nhất Thái Lan. “Con át chủ bài” của đảng này là chính sách “xổ số có thưởng” hay “xổ số tiết kiệm quốc gia”. Chính sách này sẽ được đảng Pheu Thai áp dụng cho tất cả mọi người khi mua xổ số mà khoản tiền đó sẽ không mất đi,  nó sẽ được hoàn lại cộng với tiền lãi nhận một lần khi đến tuổi 60.

Sáng kiến được phát đi trong một hai ngày vừa qua và phát đi bằng ngôn ngữ miền Đông Bắc, điều này cho thấy đảng này đang cố gắng thâu tóm toàn bộ lượng cử tri của miền này vì đây cũng chính là khu vực trọng điểm của đảng. Ngoài ra, Pheu Thai còn đưa ra lời hứa, mỗi đứa trẻ sẽ được 1 máy tính xách tay, chúng có thể giao tiếp được bằng ba ngôn ngữ đó là tiếng Thái, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.

Những đảng phái khác như Dân chủ, đưa ra mức thu nhập tối thiểu 120.000 baht/năm, nếu bạn làm không đủ con số này, tiền sẽ được chính phủ trực tiếp chuyển vào tài khoản của bạn.

Những gạch đầu dòng chính sách mà các đảng đưa ra là những con số cụ thể về tiền. Các chính sách, chiến lược quốc gia dài hạn không được nhắc tới nhiều. Nó chiều lòng các cử tri một cách hết mức và cạnh tranh nhau khá đơn giản, anh cho người dân được bao nhiêu, tôi cho được bao nhiêu?

Tác hại trông thấy của dân tuý

Chính sách chiều lòng người dân một cách trực tiếp để dễ dàng nhanh chóng có được những lá phiếu khiến khiến cho nền kinh tế vĩ mô của Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các con số thống kê cho thấy, kể từ năm 2007, Thái Lan đã tụt hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Năm 2018, kinh tế nước này tăng trưởng 4,1%. Tăng trưởng được chính phủ nước này dự báo là 4% trong năm 2019, thấp hơn mức trung bình 5,2% trên toàn Đông Nam Á nói chung. Thậm chí, Ngân hàng Thế giới  mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2019 về mức 3,8%, giảm nhẹ từ mức 3,9% đưa ra trong lần dự báo trước đó. Đây là năm thứ bảy liên tiếp Thái Lan được dự báo tụt lại so với các nước khác trong khu vực.

Theo Bộ Lao động Thái Lan, khoảng 260.000 công nhân đã bị mất việc trong năm 2018, nâng số lượng việc làm bị cắt giảm kể từ năm 2017 lên tới mức 500.000.

Hậu quả của sự bất ổn đó được phản ánh trong một khía cạnh khác: nợ hộ gia đình đã lên tới mức 77,6% của Tổng sản phẩm quốc nội  trong năm 2018.  Nghiên cứu của các trường đại học Thái Lan đã vẽ ra một bức tranh ảm đạm: phần lớn các hộ gia đình ở nông thôn Thái Lan đang gánh chịu mức nợ 180.000 baht/hộ.  Thậm chí một ước tính khác đã cho kết quả còn khủng khiếp hơn, ở mức gần 317.000 baht mỗi hộ gia đình - mức cao nhất kể từ năm 2009, khi thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính.

Trong khi đó, Văn phòng Thống kê Quốc gia cũng tiết lộ rằng thu nhập của 40% hộ gia đình Thái Lan đã giảm mạnh từ năm 2015 đến 2016.  Xu hướng này vẫn tiếp tục từ năm 2017, bất chấp có sự cải thiện khá ổn định trong tăng trưởng GDP kể từ sau cuộc đảo chính.

Theo số liệu của Credit Suisse Global Wealth Databook 2018, về phân tầng xã hội, năm 2016, 1% người Thái giàu nhất sở hữu 58,0% tài sản của đất nước, đến năm 2018, họ đã kiểm soát 66,9%.

Một ví dụ điển hình nhất đó là chính sách gạo làm mưa làm gió dưới thời cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Việc thu mua, tích trữ lúa gạo của người dân cao hơn nhiều mức thị trường khiến cho chính phủ lỗ hàng tỷ USD. Chính điều này khiến bà Yingluck phải ra hầu toà và chịu mức án tù giam và sau đó cao chạy xa bay ra nước ngoài. Những chính sách "cho không" này cuối cùng lại làm cho khu vực nông nghiệp thêm trì trệ, đó là nhận định của viện nghiên cứu và phát triển Thái Lan.

Tương lai nào cho nước Thái?

Cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tuần này của Thái Lan dự kiến sẽ cực kỳ phức tạp. Nhưng có thể chia ra làm hai phe chính đó là phe ủng hộ quân đội và phe hướng dân chủ. Tuy nhiên, có một thực tế khá phũ phàng rằng những phe ủng hộ dân chủ tại Thái Lan lại không thể bắt tay được với nhau dù luôn đanh thép tuyên bố chống độc tài và mong muốn đưa một nền dân chủ thực sự tới Thái Lan.

Pheu Thai, đảng được sự ủng hộ lớn nhất của cử tri Thái Lan nhiều khả năng sẽ giành vị trí đầu tiên của cuộc bầu cử lần này nhưng họ không phải là người có thể quyết định được cuộc chơi. Đảng Dân chủ được đánh giá sẽ về thứ hai nhưng cũng không thể thành lập được chính phủ. Hai đảng lớn này tuy đều có khuynh hướng dân chủ nhưng lại không thể liên hiệp bắt tay với nhau.

Kịch bản dễ xảy ra nhất đó chính là một phe thiểu số sẽ nắm quyền tại chính trường Thái Lan sau bầu cử đó là Palang Pracharath với số ghế được dự đoán chỉ rơi vào khoảng 100 trong tổng số 500 ghế tại Hạ viện. Họ đã có trong tay quân bài lớn nhất đó là 250 phiếu tại thượng viện và chỉ cần liên minh với một số đảng nhỏ là có thể giành được 376 ghế tại lưỡng viện qua đó có quyền thành lập được chính phủ. Câu hỏi đặt ra là việc với một đảng thiểu số tại hạ viện có thể điều hành được đất nước hay không.

Ông Prayuth có thể không quá khó khăn tiếp tục ngồi vào chiếc ghế thủ tướng ở nhiệm kỳ dân sự đầu tiên này nhưng dự báo ông sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn so với 5 năm trước nhất là về cải cách kinh tế và những lời hứa về quyền lợi sát sườn của cử tri trước bầu cử./.

Quang Trung/VOV