Chính thức ra mắt Trung tâm hòa giải Việt Nam và Công bố quy tắc hòa giải

Thứ ba, 29/05/2018 - 15:55

TNV - Sáng ngày 29/05, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) với sự hỗ trợ của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Lễ ra mắt Trung tâm Hòa giải Việt Nam & Công bố Quy tắc hòa giải tại Hà Nội.

Tham dự Lễ ra mắt có các đại diện đến từ các cơ quan nhà nước phụ trách quản lý và hỗ trợ hoạt động giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại như Cục Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội; đến từ các đại diện đến từ các Hiệp hội Doanh nghiệp, cũng như các cơ quan truyền thông.

anh 1 Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Được thành lập năm 1993 theo sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) luôn nỗ lực không ngừng để dần hoàn thiện thủ tục trọng tài, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày một tốt hơn. Sau 25 năm hoạt động, VIAC hiện đã trở thành một điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi có tranh chấp.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã nhấn mạnh nỗ lực của VIAC, với tư cách là tổ chức giải quyết tranh chấp bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp chất lượng và hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp và luôn là đơn vị đi tiên phong trong việc quảng bá phương thức hòa giải, tích cực chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định 22; đã chủ động xây dựng mới Quy tắc Hoà giải đảm bảo tính tuân thủ Nghị định 22 và được Bộ Tư pháp bổ sung hoạt động hòa giải.

anh 2

Cũng trong Buổi Lễ, Trung tâm Hòa giải Việt Nam VMC đã công bố danh sách Ban Giám đốc cùng với danh sách Hòa giải viên đợt 1 của VMC với nhiều chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam trong các lĩnh vực pháp luật và kinh tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Ông Nguyễn Sĩ Dũng, giám đốc VMC, đã thay mặt cho đội ngũ nhân sự của Trung tâm chia sẻ đôi lời cảm nghĩ cũng như định hướng hoạt động của VMC trong thời gian tới. Đặc biệt, ông Nguyễn Sĩ Dũng cũng đã truyền tải thông điệp mà logo VMC nói riêng và VMC nói chung mong muốn gửi tới toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, luật sư và các cá nhân tổ chức có liên quan: Hình ảnh nửa hình tròn tượng trưng cho sự hài lòng của khách hàng với kết quả nhận được sau khi sử dụng dịch vụ của VMC, đồng thời, tượng trưng cho sự kết nối và phát triển bền vững (hai hình mặt cười gộp lại thành hình tròn).

Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã trình bày nội dung cơ bản, các nguyên tắc của Quy tắc Hòa giải của VMC (“Quy tắc VMC”) và giới thiệu về thủ tục hòa giải vận hành theo Quy tắc VMC.

Logo VMC Vie

Bộ Quy tắc VMC được chắp bút bởi Tổ biên tập Quy tắc VMC với sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia hòa giải của IFC thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới giúp đảm bảo thủ tục hòa giải tại VMC sẽ đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc của một thủ tục hòa giải điển hình trên thế giới. Bộ Quy tắc cũng đã được góp ý chi tiết và kỹ lưỡng từ các chuyên gia về các thủ tục tố tụng tại Việt Nam để đảm bảo thủ tục hòa giải của VMC tuân thủ các khuôn khổ của Nghị định 22/NĐ-CP về Hòa giải thương mại và có thể vận hành tốt trong thực tiễn tại Việt Nam.

Bộ Quy tắc VMC bao gồm 15 điều, mô tả các trình tự, các bước tiến hành, các hướng dẫn cũng như các nguyên tắc bắt buộc của một thủ tục hòa giải tại VMC. Theo đó, bất cứ bên nào khi có tranh chấp, dù đã có hay chưa có một thỏa thuận hòa giải, nếu mong muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải, đều có thể theo các hướng dẫn tại Điều 3: Bắt đầu hòa giải khi có thỏa thuận hòa giải và Điều 4: Bắt đầu hòa giải khi chưa có thỏa thuận hòa giải.

Ông Dũng đã nhấn mạnh những đặc điểm chính của thủ tục hòa giải tại VMC bao gồm: (1) sự đồng thuận của các bên trong suốt quá trình hòa giải (thủ tục hòa giải sẽ không thể diễn ra nếu có bất cứ một bên nào không muốn tham gia hòa giải hoặc tiếp tục hòa giải) – đây là sự khác biệt căn bản giữa một thủ tục hòa giải với bất cứ thủ tục tố tụng nào (trọng tài hay Tòa án) – Điều 3, Điều 4, Điều 13 Quy tắc VMC; (2) các yêu cầu về tính độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của Hòa giải viên được đặt ra ở mức rất cao (không có thủ tục khiếu nại tư cách Hòa giải viên, nếu có thông tin về bất kỳ sự việc nào có thể gây nghi ngờ về sự độc lập, vô tư, khách quan và trung thực của Hòa giải viên, thủ tục chỉ định mới/thay thế Hòa giải viên sẽ được bắt đầu, trừ khi các bên đồng ý bằng văn bản rằng vẫn đồng ý Hòa giải viên này) – Điều 5, Điều 7 Quy tắc VMC; (3) nguyên tắc hai tầng bảo mật (toàn bộ các thông tin, trao đổi trong thủ tục hòa giải sẽ được giữ bí mật giữa các bên và Hòa giải viên; các thông tin, trao đổi được một bên đưa ra trong phiên họp riêng giữa bên đó với Hòa giải viên còn phải được giữ bí mật giữa bên cung cấp thông tin và Hòa giải viên) – Điều 8, Điều 11 Quy tắc VMC.

Ngoài ra, Quy tắc VMC cũng có quy định rõ về vai trò của VMC trong việc điều phối, hỗ trợ và thúc đẩy thủ tục hòa giải (Điều 4, Điều 8 Quy tắc VMC) để đảm bảo rằng các thủ tục hòa giải được vận hành tuân thủ pháp luật, linh hoạt, thân thiện, hiệu quả và mang lại sự hài lòng cho Doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hòa giải tại VMC.

BH