“Chính trị Mặt Trăng” khiến Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận với Nga

Thứ ba, 16/03/2021 - 08:59

Mối quan hệ chiến lược ngày càng gia tăng giữa Nga và Trung Quốc là bằng chứng mới nhất cho thấy cách tiếp cận của phương Tây đối với Moscow đã không đem lại những kết quả mong muốn.

Tuần trước, Cơ quan không gian Nga Roscosmos đã ký thỏa thuận với Cơ quan không gian quốc gia Trung Quốc về việc xây dựng một trạm khoa học quốc tế trên Mặt Trăng, “mở cửa với tất cả các nước quan tâm cũng như các đối tác quốc tế”. Điều này cho thấy Nga đang cân nhắc về tương lai hợp tác không gian với Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, đồng thời nhấn mạnh mối liên kết chiến lược ngày càng gia tăng với Bắc Kinh.

Động thái này diễn ra sau 25 năm hợp tác không gian giữa Nga và Mỹ được triển khai bởi những người kỳ vọng về sự hòa giải hậu Chiến tranh Lạnh giữa 2 nước. Một trong những mốc quan trọng của sự hợp tác này là xây dựng và vận hành Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Bức ảnh do xe tự hành Thỏ Ngọc 2 của Trung Quốc chụp lại khoảnh khắc hạ cánh của tàu thăm dò Hằng Nga 4 trên Mặt Trăng ngày 11/1/2019. Ảnh: Getty

Thỏa thuận giữa Nga và Trung Quốc được cho là sự từ chối rõ ràng đối với lời mời Nga tham gia vào dự án Artemis của NASA, trong đó hướng tới mục tiêu đưa con người trở lại Mặt trăng vào năm 2024.

“Với họ, dự án đó không mang tầm quốc tế mà chỉ như NATO. Chúng tôi không quan tâm tới việc tham gia vào một dự án như vậy”, Tổng Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin đã nói như vậy năm 2020.

Theo Washington Post, bản thân trạm nghiên cứu Mặt Trăng không phải là mối đe dọa trước mắt. Chưa có nước nào tự chủ được khả năng xây dựng một công trình như vậy và ngay cả kế hoạch của Nga với Trung Quốc có lẽ phải đến những năm 2030 mới có thể thực hiện được.

Trong khi đó, Mỹ cũng có thể thực hiện một dự án khác trên Mặt Trăng. Tới nay, đã có 8 nước, trong đó có Anh, Italy, Nhật Bản và UAE đã đồng ý tham gia dự án Artemis của NASA. Tuyên bố của Nga-Trung về dự án xây dựng trạm khoa học có vẻ giống như một nỗ lực tuyên truyền hơn.

“Chính trị Mặt Trăng”

Ông Frederick Kempe, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Hội đồng Atlantic, tổ chức nghiên cứu các vấn đề quốc tế có ảnh hưởng nhất tại Mỹ, cho rằng, mọi thứ không chỉ dừng lại ở các dự án không gian.

Dù các tác động trước mắt không đáng kể, nhưng thỏa thuận giữa Nga và Trung Quốc là một dấu hiệu cho thấy Moscow và Bắc Kinh đang tiến gần tới gần một liên minh trên thực tế chống phương Tây.

“Hãy gọi đó là chính trị Mặt Trăng”, ông Kempe nhận định trong một bài viết trên CNBC.

Theo ông Frederick Kempe, Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau trong thập kỷ vừa qua. Nga bán cho Trung Quốc các khí tài quân sự hiện đại. Quân đội 2 nước cũng tiến hành các cuộc tập trận chung, trong đó có cả cuộc tập trận 3 bên với Iran ở Ấn Độ Dương hồi tháng 2/2021. Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí không loại trừ về một liên minh quân sự chính thức với Trung Quốc trong tương lai.

Ông Frederick Kempe, cho rằng không khó để nhận thấy mối quan hệ chiến lược ngày càng gia tăng của Nga với Trung Quốc, nhất là sau thỏa thuận Mặt Trăng hồi tuần trước.

Mỹ cần cách tiếp cận chiến lược mới về Nga

Thỏa thuận mới giữa Nga và Trung Quốc cũng là một trong số rất nhiều bằng chứng cho thấy cách tiếp cận của phương Tây với Nga hơn 20 năm qua đã không đem lại những kết quả mong muốn.

Ông Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga thời Tổng thống Barack Obama cho rằng, Nga không còn là một nước đang suy yếu như thời điểm những năm 1990. Nga đã trở lại là một trong những cường quốc thế giới với sự mạnh mẽ cả về quân sự, kinh tế, ý thức hệ, không gian mạng... nhiều hơn những gì Mỹ nhận định.

Nga đã hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, trong khi Mỹ không làm điều đó. Nga đã nâng cấp đáng kể quân đội thông thường của mình và hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, có GDP bình quân đầu người lớn hơn cả Trung Quốc.

Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ Biden không nên lặp lại sai lầm của các chính quyền tiền nhiệm - đó là đánh giá thấp Nga hay quá tập trung vào Trung Quốc.

Trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như kể từ khi chính thức nhậm chức tới nay, Tổng thống Biden đã cho thấy ông sẵn sàng hợp tác với Nga nếu điều đó nằm trong lợi ích của Mỹ và cũng sẽ áp đặt trừng phạt Nga khi cần thiết.

Chiến thắng đối ngoại đầu tiên của ông Biden là đạt được thỏa thuận với Tổng thống Putin về việc gia hạn Hiệp ước START mới mà người tiền nhiệm Donald Trump đã hủy bỏ. Trong khi đó, ông Biden cũng áp trừng phạt mới với Nga sau vụ đầu độc và bắt giữ nhân vật đối lập Alexei Navalny.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa quyết định về các lệnh trừng phạt mới cũng như các lệnh trừng phạt hiện có đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 - vấn đề đang gây chia rẽ EU và ngay cả giới chính trị nội bộ Đức.

Theo ông Kempe, phản ứng thái quá không bao giờ là một chính sách tốt, nhưng đánh giá thấp về Nga còn là mối nguy hiểm lớn hơn. Cách tiếp cận mới với Nga có thể là một chiến lược phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn cũng như sự ủng hộ của các đối tác./.

Hoàng Phạm/VOV.VNTheo CNBC, Washington Post