Chờ tài ứng biến của HLV Park

Thứ hai, 17/05/2021 - 07:50

Khả năng xoay xở của HLV Park từng bộc lộ ở AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, giờ ông sẽ phải trổ thêm phép thuật ở vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á vào tháng 6.


Đội tuyển Việt Nam sẽ vắng tiền vệ trụ cột Đỗ Hùng Dũng, có thể cả hậu vệ Đoàn Văn Hậu, trong ba trận còn lại ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 - khu vực châu Á. Người hâm mộ có lý do để băn khoăn lúc này, khi chưa thấy cầu thủ nào khoả lấp được chỗ trống mà Hùng Dũng để lại.

Đây không phải lần đầu lo ngại kiểu như thế xuất hiện trước các giải đấu của Việt Nam, nhưng sau cùng HLV Park đều tìm ra lời giải.

HLV Park từng nhiều lần chữa cháy thành công về nhân sự đội tuyển. Ảnh: Ngọc Thành

Một tháng trước thềm AFF Cup 2018, hậu vệ Vũ Văn Thanh đứt dây chằng đầu gối. Văn Thanh là trụ cột của Việt Nam về nhì U23 châu Á, và top 4 Asiad, dù chỉ là cấp độ U23. Văn Thanh chơi cánh trái ở U23 châu Á, và cánh phải tại Asiad, nhưng đều gây ấn tượng. Anh được kỳ vọng gánh vác cánh phải của đội tuyển cho AFF Cup, cho đến khi chấn thương.

Văn Thanh đã chấn thương từ trận giữa HAGL và TP HCM ở V-League ngày 16/9/2018. Đến ngày 8/10, anh thông báo lỡ AFF Cup để phẫu thuật đầu gối. Một ngày sau, VFF công bố danh sách chuẩn bị cho AFF Cup với 30 cầu thủ, trong đó không có hậu vệ phải đúng nghĩa. Phạm Xuân Mạnh cũng chấn thương, còn Trần Đình Hoàng, Trần Văn Kiên hay Âu Văn Hoàn không được triệu tập. Các cầu thủ từng đá hậu vệ phải trong danh sách này gồm Phạm Văn Thành, Phạm Đức Huy hay Quế Ngọc Hải, nhưng sở trường của họ là vị trí khác.

Sau những buổi tập đầu tiên, HLV Park gò Nguyễn Trọng Hoàng vào vị trí của Văn Thanh. Dễ thấy ông đã lên kế hoạch này từ trước, vì Trọng Hoàng chỉ chơi một trận cho đội tuyển Việt Nam kể từ tháng 1/2017 đến khi đó. Hơn nữa, sở trường của anh là tiền vệ phải, khác nhiều so với hậu vệ phải trong sơ đồ hình tháp 5-4-1. Khi phòng ngự, nhiệm vụ của tiền vệ phải thường chỉ là bám theo hậu vệ đối phương ở cùng cánh, và ngăn đối phương chồng biên. Còn hậu vệ phải lo toan nhiều vấn đề hơn trong phòng ngự, như bó vào và giữ cự ly với trung vệ lệch phải để lấp khoảng trống, hoặc phối hợp bẫy việt vị. Trọng Hoàng khoẻ, nhưng dư luận lo ngại anh thường vào bóng quá mức dẫn tới nguy cơ thẻ phạt.

Bước vào AFF Cup, Trọng Hoàng đá tròn vai ngay, rồi dần dà gây nguy hiểm khi tham chiến, chẳng khác gì Văn Thanh. Ở vòng bảng, HLV Park còn thử nghiệm Phan Văn Đức hay Đức Huy ở vị trí này, nhưng chỉ để giúp Trọng Hoàng không bị quá tải. Kể từ bán kết AFF Cup đến nay, lão tướng gốc Nghệ An đá chính ở mọi trận đấu ở các giải chính thức, ngay cả khi Văn Thanh trở lại. Phát kiến này của HLV Park và cộng sự đập tan những nghi ngờ từ dư luận.

Còn một trường hợp khác nêu bật tài xoay xở của Park, chính là việc sử dụng Công Phượng trong vai trò tiền đạo trung tâm. Trước thềm Asian Cup 2019, ông gây bất ngờ khi loại hai cựu binh là Nguyễn Văn Quyết và Nguyễn Anh Đức. Khó tin hơn là trường hợp của Anh Đức - cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Việt Nam ở AFF Cup trước đó vài tuần. Thay vào đó, Park đem hai trung phong là Nguyễn Tiến Linh và Hà Đức Chinh tới UAE.

Nhưng, không phải Tiến Linh lẫn Đức Chinh, Công Phượng mới là trung phong của Việt Nam trong cả năm trận tại giải. Ngoại trừ trận gặp Iran khi HLV Park bất ngờ để Quang Hải chơi cao nhất cho đến trước bàn thua đầu tiên, Công Phượng đều chơi như trung phong cắm. Thể hình và khả năng làm tường của Anh Đức chỉ là lợi thế ở giải khu vực, còn ở Asian Cup điều đó không có nhiều tác dụng trước các trung vệ cao to ở Tây Á hay Đông Á. Sức càn lướt của Tiến Linh hay Đức Chinh cũng vậy, còn Công Phượng đem lại cho Việt Nam một phương án lên bóng khác hẳn.

Không như một trung phong điển hình có nhiệm vụ đè mặt hậu vệ, che chắn bóng và làm tường để đập nhả lại phía sau, Công Phượng chơi như "số 9 rưỡi". Anh thường giật về tìm khoảng trống ở giữa hàng tiền vệ và hậu vệ đối phương để nhận bóng. Khi đó, anh có nhiều thời gian nhận bóng và xoay người hơn mà không bị đối thủ ập vào nhanh. Khả năng rê dắt và xoay sở trong không gian hẹp của Công Phượng là điểm cộng cho lối lên bóng này. Anh có thể dẫn bóng đột phá hoặc chờ các vệ tinh như Văn Đức, Quang Hải hay Trọng Hoàng lên hỗ trợ.

Công Phượng chơi rực sáng ở Asian Cup, với hai bàn, một pha xử lý khiến đối thủ phản lưới, và một tình huống bị phạm lỗi dẫn tới bàn thắng. Những pha rê dắt của anh ở trận tứ kết cũng khiến đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản nhiều phen toát mồ hôi. Một lần nữa cách Park dùng Công Phượng ít ai ngờ tới.

Đứng trước hầu hết giải đấu ở các hệ đội tuyển, HLV Park thường đau đầu với chấn thương của trụ cột. Lần này nhiệm vụ có thể ít khả thi hơn, khi ông có thể phải giải hai bài toán cùng lúc. Văn Hậu phải đến cuối tháng này mới có thể tập luyện và thi đấu cường độ cao, khiến khả năng anh góp mặt ở ba trận còn lại vẫn bỏ ngỏ. Còn Hùng Dũng chắc chắn vắng mặt, và chưa có phương án thay thế khả dĩ.

Với bài toán đầu tiên, HLV Park có thể đơn giản là đặt niềm tin vào Nguyễn Phong Hồng Duy - hậu vệ đá chính 25% số trận của đội tuyển dưới thời ông. Văn Thanh kéo sang cánh trái như tại U23 châu Á 2018 cũng là một phương án. Lê Văn Xuân cũng đang chơi tiến bộ ở Hà Nội và có khả năng được sử dụng. Chưa kể toan tính của Park đôi lúc vượt qua khả năng suy đoán của dư luận. Trọng Hoàng từng được kéo về đá hậu vệ phải, giờ đây biết đâu Tô Văn Vũ lại được gò vào vị trí hậu vệ trái.

Bài toán mang tên Hùng Dũng khó giải hơn nhiều, khi nó không chỉ liên quan tới một vị trí. Cần phải quay lại với hệ thống vận hành của đội tuyển, với sơ đồ hình tháp 5-4-1 khi không có bóng. Quang Hải thường chơi như tiền vệ cánh, còn Hùng Dũng tranh chấp tốt hơn nên đá trung tâm. Khi có bóng, hệ thống này xoay sang 3-4-3 hoặc 3-5-2. Các hậu vệ đẩy lên cao ngang với tiền vệ, Quang Hải bó vào giữa và đôi khi hoán đổi vị trí với Hùng Dũng. Hoặc Quang Hải lùi về thấp nhất tuyến giữa để làm bóng, đẩy hai tiền vệ trung tâm còn lại lên cao. Tiền vệ cánh đối diện, như Văn Đức, sẽ dâng chơi đá như tiền đạo thứ hai. Họ di chuyển liên tục để nhận bóng từ những đường chuyền xuyên tuyến, và kéo lên trên.

Cầu thủ thay Hùng Dũng vì thế không chỉ là tiền vệ trung tâm đơn thuần, mà còn chơi tốt trong vai trò tiền vệ cánh hay thậm chí tiền đạo. Anh đá chính ở 11 trong 12 trận gần nhất cho đội tuyển. Trận duy nhất anh vắng là gặp Curacao ở King Cup 2019. Khi đó cặp tiền vệ trung tâm là Xuân Trường và Đức Huy, chỉ khác là Quang Hải chơi như một cầu thủ số 10 ở trận đó.

Dù ai thay Hùng Dũng, cũng cần thời gian để làm quen với lối chơi chung. Cầu thủ hoán đổi vị trí liên tục khi tấn công, đòi hỏi phải ăn ý và kết dính qua nhiều buổi tập và trận đấu. Trước từng đối thủ, nhân sự tuyến giữa có thể cũng thay đổi cho phù hợp. Bài toán này, tốc độ giải quan trọng không kém độ chính xác của đáp án.

Theo vnexpress