Lo ngại “đi đêm”?
TS. Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã nhận được công văn của 63 Sở GD-ĐT, báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) của các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Kết quả báo cáo của Sở GD-ĐT cho thấy, tất cả các đầu SGK được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được lựa chọn. Hầu hết các địa phương chọn ít nhất từ 3 bộ sách trở lên; trong đó 35 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ. Điều này chứng minh chất lượng SGK là khá đồng đều. Đồng thời cho thấy cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng SGK nên chọn được đầu sách theo từng môn học, phù hợp với điều kiện và cơ sở vật chất dạy học của nhà trường.
Một số địa phương có dấu hiệu "hơi khác" trong chọn SGK khiến nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên ông Thái Văn Tài cũng cho biết, trong quá trình rà soát kết quả lựa chọn SGK, riêng hai tỉnh Khánh Hòa, Long An có kết quả tổng hợp “hơi khác”: Toàn tỉnh chỉ chọn duy nhất một bộ SGK. Theo tờ trình của Sở GD-ĐT Long An về kết quả lựa chọn 1 bộ SGK lớp 1 sử dụng trong năm học 2020 - 2021, bộ sách được chọn để dạy học tại 100% trường tiểu học của tỉnh này là “Cánh Diều”. Theo văn bản mà tỉnh Khánh Hòa báo cáo Bộ GD-ĐT, 100% trường chọn duy nhất bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Sở GD-ĐT Long An lý giải, 100% các trường của tỉnh lựa chọn sách “Cánh Diều” là do có 70% trong tổng số 218 trường tiểu học trong tỉnh chọn bộ sách “Cánh Diều”. Trên cơ sở này, Sở đã trình UBND tỉnh Long An phê duyệt, báo cáo về Bộ GD-ĐT để áp dụng cho 100% học sinh lớp 1 (29.000 em) học bộ sách này trong năm học 2020-2021.
Trước những dấu hiệu bất thường trên, GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam băn khoăn: Có tất cả 5 bộ sách nghĩa là có hàng chục quyển SGK và giáo viên được phép chọn quyển nào phù hợp với học sinh của mình, với điều kiện và cơ sở vật chất dạy học của nhà trường. Vậy lý do gì mà UBND tỉnh lại bắt 100% các trường trên địa bàn phải chọn cùng 1 bộ SGK? Điều đó không đúng với mục tiêu của việc Quốc hội quyết định cho phép xã hội hóa biên soạn và có nhiều SGK để các nhà trường lựa chọn.
Đại diện một đơn vị phát hành SGK lớp 1 năm nay cũng cho rằng, có sự thiếu khách quan khi một tỉnh nào đó có 100% các trường chọn 1 bộ SGK. “Vì không bao giờ có sự đồng đều tư duy ở cả một địa phương như thế… Thực tế sự lựa chọn vừa qua cũng có nhiều vấn đề. Có địa phương chọn rồi, lại chọn lại, con số thay đổi liên tục, các NXB cũng gặp khó khăn khi phải tuân theo cơ chế thị trường”, vị này nói.
Có ý kiến cho rằng, điều mà dư luận đang nghi ngại là có “chuyện đi đêm” của các NXB hay không? Liệu các NXB có đến làm việc với UBND tỉnh hay Sở GD-ĐT và hứa hẹn giảm bao nhiêu phần trăm, quyền lợi ra sao nếu trọn gói 100% các trường của địa phương chọn SGK của họ? Một chuyên gia giáo dục chia sẻ: “Có nhiều người hỏi tôi là tại sao sách chưa ra đời mà các ông sở giáo dục đã được hưởng thù lao. Có một thực tế là, từ khi SGK chưa ra đời thì trước đó 3-4 năm một số lãnh đạo của sở giáo dục đã hưởng thù lao. Khi đã được trả thù lao, rồi đóng góp ý kiến xây dựng từ đầu mà giờ sách viết xong chả nhẽ lại không duyệt sách cho NXB đó?! Riêng TP HCM, chuyện NXB Giáo dục Việt Nam trả thù lao cho lãnh đạo Sở GD-ĐT là khá rõ ràng. Bên cạnh đó, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là đúng đắn, nhưng khi thực hiện lại dở khi mà riêng NXB Giáo dục Việt Nam có 4/5 bộ SGK được duyệt, như vậy chắc chắn họ sẽ chiếm lợi trên thị trường. Đáng lo ngại, thay vì chọn bộ sách chất lượng, phù hợp với điều kiện địa phương, họ lại chọn bộ sách đã “đi đêm” với NXB”.
“Về mặt nguyên tắc, các trường có thể chọn bất cứ cuốn SGK nào trong số các đầu SGK đã được phê duyệt. Tuy nhiên, với TP.HCM, khi các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD-ĐT đã nhận thù lao của NXB với vai trò là tác giả hay tập hợp đội ngũ để làm một bộ SGK cụ thể, và rồi bộ SGK ấy lại được lựa chọn thì rõ ràng sự lựa chọn ấy khiến người ta có quyền nghi ngờ là nó không còn khách quan nữa”, PGS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Một thông tin liên quan, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP HCM gửi UBND TP HCM - Ban Tuyên giáo Thành ủy trong ngày 25/5, về việc lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021, bộ sách “Chân trời sáng tạo” được lựa chọn nhiều nhất, có số lựa chọn cao gấp gần 6 lần bộ sách có lựa chọn cao thứ 2. Bộ sách này của NXB Giáo dục Việt Nam và cũng là sách mà NXB này đã chi trả thù lao hằng tháng cho một số lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM và lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn để tham gia tổ chức biên soạn SGK. Liệu họ có đảm bảo khách quan trong các quyết định chọn sách của các trường? Trước thông tin về bộ sách trên được lựa chọn nhiều nhất, cùng với thông tin “Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM nhận thù lao NXB Giáo dục” thì dư luận cũng có thể đặt dấu hỏi liệu có minh bạch trong việc chọn SGK ở TP.HCM?
Tiêu chí chất lượng có được đặt lên hàng đầu?
GS Phạm Tất Dong cảnh báo: Việc không tôn trọng quyền tự chọn của giáo viên các trường có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nếu ép giáo viên chọn một bộ sách nào đó nhưng vào năm học họ mà không dạy được cho học sinh thì nguy, nó sẽ ảnh hưởng đến học sinh, chất lượng giáo dục của nhà trường. Cuối năm kiểm tra chất lượng học tập kém thì lúc đó trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Phụ huynh tin cô giáo sẽ biết chọn sách nào phù hợp với lớp nên nếu cô bị ép chọn sách theo sách mà UBND tỉnh đã chọn thì chắc chắn phụ huynh sẽ phản ứng. “Cái sảy nảy cái ung”, nếu không cẩn thận, không khách quan sẽ không tạo sự đồng thuận xã hội.
GS Phạm Tất Dong cảnh báo việc không tôn trọng quyền tự chọn của giáo viên các trường có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.
Ông Thái Văn Tài cho biết, qua tìm hiểu việc triển khai Thông tư số 01 của Bộ GD-ĐT về hướng dẫn chọn SGK sử dụng trong các cơ sở giáo dục cho thấy, quá trình triển khai, thực hiện chọn SGK của các trường đều làm đúng theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội và thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đến khâu cuối là khâu tổng hợp kết quả và báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Bộ GD-ĐT, thì hai sở này đã làm sai với Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT.
“Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã trực tiếp có ý kiến với lãnh đạo cao nhất của UBND hai tỉnh về vấn đề này. Cả hai đơn vị này bước đầu đã cam kết sẽ thực hiện đúng theo Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT, tôn trọng tối đa quyền và kết quả chọn SGK của các nhà trường. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là không có lý do gì để cho phép một địa phương thực hiện duy nhất bộ SGK nào đó trong khi thực tế các trường chọn từ nhiều bộ SGK khác nhau...” - ông Thái Văn Tài nhấn mạnh./.
Thu Hằng/Báo Tiếng nói Việt Nam