TNV - Nhân kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sao Đỏ và Lễ trao Giải thưởng Sao Đỏ năm 2019, CLB Sao Đỏ phối hợp với Trung ương Hội DNT Việt Nam tổ chức buổi Hội thảo với chủ đề “Kết nối tạo giá trị trường tồn” nhằm truyền tải những kinh nghiệm thực tế cho 500 doanh nghiệp trẻ, những doanh nhân như đang ở ngã ba đường.
Vậy“Lựa chọn mô hình Doanh nghiệp gia đình hay công ty đại chúng?” Trước thềm Hội thảo, chúng ta cùng gặp gỡ ông Nguyễn Tuấn Hải Chủ tịch Alphanam Group, Phó chủ tịch CLB Sao Đỏ để lắng nghe ông chia sẻ về nội dung thú vị này.
Chủ tịch Alphanam Group Nguyễn Tuấn Hải giải thích về công ty gia đình
theo minh họa 3 hình tròn chập một.
Thế nào là công ty gia đình?
Theo ông Hải, quá trình phát triển của một công ty gia đình thường trải qua 4 giai đoạn. Coi chủ sở hữu, quản trị, quản lý là 3 vòng tròn thì giai đoạn 1 của công ty gia đình 3 vòng tròn chập 1, chủ sở hữu, quản trị, quản lý là một. Ở giai đoạn này quy mô thường nhỏ và vì nhỏ, linh hoạt nên thường đi nhanh. Giai đoạn 2, khi công ty lớn lên, cần các nguồn lực để phát triển thì 3 vòng tròn tách dần, nhưng vẫn có sự đan xen giữa chủ sở hữu, quản trị về điều hành. Giai đoạn 3 là giai đoạn tách rõ hoàn toàn giữa chủ sở hữu, quản trị và quản lý. Giai đoạn 4 là giai đoạn nhạy cảm, Công ty gia đình phát triển đến mức có thể chia thành nhiều nhóm 3 vòng tròn trong đấy chủ sở hữu có thể hội tụ hoặc chia tách, lan tỏa.
Mỗi một doanh nghiệp xác định lại chủ sở hữu, quản trị, quản lý đang ở vị trí nào đang ở quy mô nào thì sẽ xác định được những lối đi khác nhau. Việt Nam mới chỉ có hơn 20 năm phát triển kinh tế thị trường nên chưa đủ để nhìn thấy hết chặng đường mà các nền kinh tế thị trường hàng trăm năm đã đi qua. Trên thế giới, có những nền kinh tế phát triển vững mạnh, kinh tế gia đình trở thành một nhân tố phát triển không thể thiếu, nên việc đi được hàng trăm năm không phải vấn đề gia đình hay không gia đình.
Thế nào là công ty đại chúng?
Cũng theo ông Hải: Công ty đại chúng là công ty mà có những điều kiện, năng lực và tiêu chí nhất định phải đạt được và những điều kiện này thường cao hơn công ty gia đình ở cùng quy mô vốn. Bởi lẽ, liên quan đến mục tiêu dài hạn, công ty đại chúng có những áp lực hàng tháng, hàng quý phải đáp ứng được theo biểu đồ mà hội đồng quản trị đã vạch ra, còn công ty gia đình do bản chất quản trị, quản lý mà có thể có một chiến lược, tầm nhìn dài hơn.
Không minh bạch nhưng lại.. rất minh bạch
Lý giải về điều này ông Hải nhấn mạnh: Nhiều khi nói đến công ty gia đình nhiều người e ngại rằng công ty gia đình là không minh bạch nhưng ở góc độ nào đó thì lại hoàn toàn ngược lại. Bởi lẽ các thành viên trong gia đình chính là các cổ đông nên thông tin giữa các cổ đông cũng như thông tin về hoạt động công ty được cập nhật theo giờ, còn công ty đại chúng cổ đông biết trên báo cáo 6 tháng hay 1 năm mới báo cáo 1 lần.
Thứ hai là minh bạch về pháp lý giữa công ty đại chúng và công ty gia đình. Trên bình diện chung, sự tôn trọng pháp luật là giống nhau nhưng trách nhiệm lại là khác nhau. Công ty gia đình có nhiều thứ để mất, mà mất rất trực tiếp, còn cái gì mất tập thể thì người ta sẽ nghĩ là có nhiều người gánh, nhiều người lo, có nhiều người cứu nên cái sự sợ hãi sẽ ít hơn. Cú đánh trực diện thì lúc nào cũng mang lại sự sợ hãi lớn hơn.
Mặt khác, câu chuyện của thông tin, có người chịu được áp lực, có người thì thích ra công chúng, có người thích sống ẩn mình, đây là cá tính riêng. Những người ra được với công chúng là những người dũng cảm hơn, tự tin hơn và phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Quản trị ở công ty đại chúng là người ra công chúng nên phải quản trị được cả rủi ro đa chiều, thống nhất được đa quan điểm dưới áp lực tiêu chí là sự phát triển của doanh nghiệp và cân bằng lợi ích các bên. Cũng chính vì đó mà Công ty đại chúng có điểm tích cực lớn là thúc đẩy quản trị đề ra chiến lược đúng, quản lý hiệu quả.
Văn Quảng (thực hiện)