Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, mà còn là người sáng lập nền báo chí cách mạng và trở thành biểu tượng, linh hồn của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với ngòi bút sắc sảo, giàu tính chiến đấu, phong cách mẫu mực, phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống và mang tính giáo dục cao, báo chí cách mạng trở thành “vũ khí” sắc bén không chỉ đồng hành cùngNgười trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà Người còn trở thành “Biểu tượng soi sáng” đối với đội ngũ nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khơi nguồn, đặt nền móngcho sự ra đời và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam
Nhận trọng trách lịch sử giao phó, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời bến nhà Rồng trên con tàu Đô đốc Latou - Treville lên đường sang Pháp với tên gọi Văn Ba để học hỏi những điều mà ông cho là “tinh hoa và tiến bộ” từ các nước phương Tây nhằm thực hiện công cuộc giải phóng Việt Nam khỏi ách thuộc địa của thực dân Pháp. Trong cuộc hành trình ấy, bên cạnh làm rất nhiều nghề để kiếm sống và thực hiện mục tiêu, Người rất quan tâm đến một phương tiện thông tin phổ biến, nhiều tác dụng là báo chí. Cuối năm 1917, khi trở lại Pháp, Người đã tự học tiếng Pháp và đã sớm viết báo, làm báo, dùng ngòi bút của mình làm phương tiện, “vũ khí” sắc bén đấu tranh với kẻ thù. Những ngày đầu học viết báo, Người được Jean Laurent Frederick Longuet - cháu ngoại của Karl Marx, nhiệt tình chỉ dẫn nghiệp vụ báo chí và sớm trở thành cây bút sắc sảo, gây tiếng vang trong giới báo chí tại Pháp.
Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tháng 6-1919, các nước thắng trận tổ chức hội nghị bàn về vấn đề thuộc địa tại Versailles, Pháp, thay mặt nhân dân Việt Nam, người thanh niên yêu nước Việt Nam - Văn Ba đã viết bài đầu tiên đăng tải trên tờ L’Humanité dưới tựa đề: “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” , gửi đến hội nghị Versailles; vạch trần bản chất bóc lột, vô nhân đạo của bọn thực dân qua bài “Tâm địa thực dân”. Bài báo như một mũi tên bắn “trúng hai đích” - chính diện vào kẻ thù ngay trên đất nước của bọn đi xâm lược, núp dưới danh nghĩa “khai hoá văn minhcho các dân tộc nhược tiểu” vàthức tỉnh nhân loại đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc.
Từ mũi tên “trúng đích” ấy, năm 1922, tại Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã tham gia sáng lập tờ báo “Le Paria” in bằng tiếng Pháp, số 1 ra ngày 1 - 4 - 1922 tại Paris và Người được coi là “linh hồn” của tờ báo. Nội dung của báo phong phú, đa dạng, đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng ý tưởng cơ bản là thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc vào phong trào đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc nhằm giải phóng con người, giải phóng xã hội.Người vừa làm chủ bút, chủ biên, giữ quỹ, vừa là người phát hành và bán báo. Với báo “Người cùng khổ”, bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần tội ác của bọn xâm lược tại các thuộc địa để nhân dân Pháp, nhân dân thế giới thấy, hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa, đòi quyền sống, quyền con người, quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, trong đó, có nhân dân Việt Nam.
Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc từ Matxcơva, Liên Xô về Quảng Châu, Trung Quốc hoạt động cách mạng. Tại đây, tháng 5 - 1925, Người lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đào tạo “hạt giống đỏ” cho cách mạng Việt Nam . Cơ quan ngôn luận và diễn đàn bày tỏ chính kiến của Hội là tờ Báo Thanh niên, do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đồng thời là Người trực tiếp quản lý, giảng dạy, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí và tham gia viết bài.Ngày 21 - 6 - 1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc số báo đầu tiên xuất bản, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, công cuộc xây dựng CNXH ở Liên Xô, Quốc tế Cộng sản vào trong nước, khơi dậy, thức tỉnh, giác ngộ tinh thần yêu nước, vạch trần bản chất của chủ nghĩa đế quốc, tố cáo tội ác của thực dân Pháp và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh.Báo Thanh niên đã xác lập “một phong cách làm báo cách mạng rất Việt Nam” và “ đặt ra cả nền móng có tính nguyên tắc cho sự ra đời và phát triển nền báo chí của nước Việt Nam mới” . Vì vậy, tên L.Mac-ty - Chánh mật thám Pháp ở Đông Dương, đã thừa nhận: “Ông Nguyễn Ái Quốc đã không ngần ngại dành suốt 60 số đầu của tờ báo để chuẩn bị tinh thần cho người đọc, chỉ nói về lòng yêu nước, để đến số 61 ra ngày 12 - 9 - 1926 ông mới để lộ ý định của ông khi viết rằng, chỉ có một Đảng Cộng sản mới bảo đảm hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam”. Điều đó chứng tỏ, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ là Người tìm ra con đường giải phóng dân tộc mà còn là Người đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, dùng báo chí tuyên truyền đường lối cách mạng, vũ khí đấu tranh và chăm lo xây dựng đội ngũ nhà báo - chiến sĩ, những người sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì sự nghiệp phò chính trừ tà. Với ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của Báo Thanh niên đối với cách mạng Việt Nam nói chung, báo chí cách mạng nói riêng, ngày 5 - 2 - 1985, Ban Bí thư đã ra Quyết định số 52-QĐ/TW, lấy ngày 21 - 6 hàng năm là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Bên cạnh Báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc còn đề nghị đổi tên báo Đồng Thanh - tờ báo của Hội Thân ái xuất bản từ năm 1927, thành báo Thân ái khi Người về Thái Lan hoạt động.Đặc biệt, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người không chỉ triệu tập Hội nghị Trung ương 8, thành lập mặt trận Việt Nam mà còn thành lập ra tờ báo Việt Nam độc lập gọi tắt là Việt Lập để tuyên truyền, cổ động và tập hợp lực lượng cho Cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám 1945. Nhận xét về tờ báo này,Nhà báo người Thụy Điển chia sẻ: “ Tờ báo chẳng những giản dị, dễ hiểu, dễ đọc mà còn rất đậm chất văn chương nhiệt huyết. Kinh nghiệm và sự cống hiến của Hồ Chí Minh đã nhanh chóng tạo nên sức cổ động của những bài báo trong tờ Việt Nam độc lập” - Một sự kiện không chỉ làmnên một mốc son lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, mà còn thể hiện năng lực tổ chức, năng lực làm báo bậc thầy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Từ năm 1945 đến 1969, trên cương vị người đứng đầu Nhà nước, dù không trực tiếp lãnh đạo các tòa soạn báo, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục viết báo và tổ chức ra nhiều hoạt động báo chí. Trong mỗi bài viết, Người đều đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo kịp thời đối với những vấn đề cấp thiết của đất nước, những lĩnh vực quan trọng của cuộc kháng chiến, kiến quốc, như: Chiến lược của quân ta và của quân Pháp (Báo Cứu quốc, 13 - 12 - 1946); Người tuyên truyền và cách tuyên truyền (Báo Sự thật, 26 - 6 - 2947); Dân vận (Báo Sự thật, 15 - 10 - 1949); Phải tẩy chay bệnh quan liêu (Báo Sự thật, 2 - 9 - 1950); Tự phê bình (Báo Nhân dân, 20 - 5 - 1951); Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta (Báo Nhân dân, 5 - 7 - 1951); Chống quan liêu, tham ô, lãnh phí (Báo Nhân dân, 31 - 7 - 1952)… Tất cả các bài viết của Người đều phản ánh chân thực,sinh động sự kiện lịch sử, có sức lan toả và ăn sâu, sống mãi trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam, cổ vũ nhân dân đấu tranh hoàn thành các mục tiêu cách mạng đề ra.
2. Báo chí trở thành “vũ khí” song hành với Người trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với các bài báo cách mạng. Người coi báo chí vừa làm “vũ khí” đấu tranh với thù trong giặc ngoài, vừa là phương tiện tuyên truyền, lãnh đạo, cổ vũ nhân dân đấu tranh và đưa chủ trương đường lối của Đảng đến người dân hiệu quả nhất. Ngay từ bài báo đầu tiên “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” được gửi đến hội nghị Vecsai 1919, Người sử dụng báo chí như một mũi tên bắn chính diện vào kẻ thù ngay trên đất nước của bọn chúng. Qua đó, vạch trần bản chất bóc lột, vô nhân đạo của thực dân qua bài “Tâm địa thực dân”, kết án đanh thép chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương - “họ đang bóc lột, đày đọa người bản xứ, sống sung sướng bằng mồ hôi của dân thuộc địa, chủ nghĩa thực dân đẩy dân bản xứ vĩnh viễn ngập trong cảnh nô lệ”, để cho nhân dân Pháp và nhân dân thế giới thấy rõ và ủng hộ cho cuộc chiến tranh chính nghĩa đòi quyền sống, quyền con người, quyền dân tộc của các dân tộc thuộc địa.
Năm 1925, sáng lập báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc đã dùng tờ báo làm công cụ tuyên truyền con đường cách mạng giải phóng dân tộc, để tập hợp và giác ngộ quần chúng, để tiến tới thành lập một tổ chức lãnh đạo đội tiên phong lãnh đạo giai cấp và dân tộc. Người đã viết hàng trăm bài báo phục vụ sự nghiệp tuyên truyền cách mạng, bút danh Nguyễn Ái Quốc được sử dụng nhiều nhất, trong đó,đặc biệt phải kể đến những tác phẩm quan trọng đối với cách mạng Việt Nam được tập hợp trong 2 cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp”, năm 1925 và “Đường kách mệnh”, năm 1927. Nếu “Bản án chế độ thực dân”là bản cáo trạng đối với chủ nghĩa thực dân Pháp nói riêng và chủ nghĩa đế quốc nói chung nhằm thức tỉnh nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức, thì “Đường kách mệnh” là câu trả lời, sự định hướng cho hành động cách mạng...Dù viết về đề tài nào, bằng hình thức, thể loại nào, các bài báo của Nguyễn Ái Quốc đều trở thành “vũ khí” sắc bén vạch trần tội ác, tấn công kẻ thù, đồng thời, báo chí cũng là phương tiện hữu hiệu để Người “thắp lửa” cho quần chúng cách mạng và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Trong nhữngnăm trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Người đã sử dụng cây bút của mình làm “vũ khí” công khai trực chống lại những tên đế quốc đầu sỏ, trịnh trọng tuyên bố với thế giới về những quyền con người được hưởng và dân tộc Việt Nam quyết tâm thực hiện những quyền thiêng liêng ấy. Vì vậy, nếu trong “Tuyên ngôn độc lập”, bên cạnh sứ mệnh khai sinh, đưa dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, còn tuyên bố trước toàn thế giới Việt Nam quyết tâm đấu tranh vì quyền “không ai có thể xâm phạm được” - những quyền mà trong Tuyên ngôn độc lập và Nhân quyền ủa Mỹ, Pháp đã thừa nhận. Đến Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, với lối viết ngắn gọn,súc tích, đanh thép, chứng cứ rõ ràng “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng… vì chúng mướn cướp nước ta một lần nữa” . Lời kêu gọi của Bác như lời hịch của non sông đất nước, cổ vũ tinh thần yêu nước của toàn dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ những quyền thiêng liêng của dân tộc.là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, thìLời kêu “không có gì quý hơn độc lập tự do”, với những chứng cớ xác thực âm mưu, đánh trúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, “ Này, Tổng thống Giônxơn, ngươi hãy công khai trả lời trước nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới: Ai đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ, là Hiệp định bảo đảm chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam? Phải chăng quân đội Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kỳ và giết hại người Hoa Kỳ? Hay là Chính phủ Mỹ đã đem quân đội Hoa Kỳ đến xâm lược nước Việt Nam và giết hại người Việt Nam?” . Từ đó, Người kêu gọi nhân dân quyết tâm chống Mỹ, cứu nước “C hiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thế bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Với quan niệm báo chí cách mạng là mặt trận chiến đấu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Bài báo là tờ hịch cách mạng” . Bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”, nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng.Nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới” [1] .Trong một bức thư gửi trí thức Nam bộ - trong đó có các nhà báo - ngày 25 - 5 - 1947, Người viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà...”.Bốn chữ “phò chính”, “trừ tà” - đó là sứ mệnh của các nhà báo, nhưng nó gần như bao quát cả sự nghiệp của những nhà báo chân chính.
Bên cạnh, sử dụng những bài viết làm “vũ khí” đấu tranh với kẻ thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sử dụng bài báo để tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện tâm nguyện. Khi đất nước đã giành được độc lập, Đảng đã cầm quyền, Bác sớm phát hiện ngay thấy căn bệnh cố hữu, được hình thành như một quy luật trong những người có chức, có quyền, đó là quan liêu, tham ô, lãng phí, thiếu trung thực, a dua… Người viết các bài báo, sửa đổi lối làm việc và các bài cần, kiệm, liêm, chính, đạo đức cách mạng. Người lên án các căn bệnh ấy, coi đó là một thứ giặc nội xâm. Ngoài ra, Người đề nghị báo chí mở chuyên mục “Người tốt, việc tốt” và chính Người là người viết những tấm gương tốt để mọi người cùng học hỏi, cùng noi theo. Qua đó, giáo dục đạo đức bằng tấm gương thật, vì nó có hiệu quả rất lớn so với những bài diễn văn cổ động dài dòng.
Tài sản báo chí Bác Hồ để lại cho chúng ta hôm nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị.Báo chí vừa trở thành phương tiện, cầu nối của Đảng với nhân dân, vừa là công cụ “vũ khí” sắc bén đấu tranh với “kẻ thù” trên tất cả các lĩnh vực, chống tham nhũng, chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Trên mỗi chặng đường ấy, tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mãi tỏa sáng và trở thành điểm tựa vững chắc cho nhà báo cách mạng.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng, linh hồn của báo chí cách mạng Việt Nam
Cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho dân cho nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng báo chí như một vũ khí sắc bén để đấu tranh với các loại kẻ thù của dân tộc, đồng thời, tuyên truyền, động viên, giác ngộ nhân dân làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ bài báo đầu tiên của Bác có nhan đề “Quyền các dân tộc”, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, đăng trên báo Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, ra ngày 18 - 6 - 1919, cho đến bài báo cuối cùng của Bác: “Thư trả lời Tổng thống Mỹ”, đăng trên báo Nhân dân ngày 25 - 8 -196, Người đều thể hiện quan điểm nhất quán về báo chí “vũ khí” chống giặc, là phương tiện phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc kiến thiết, xây dựng đất nước.
Người luôn coi “Báo chí của ta phải phục vụ đường lối Chính trị”. Đường lối Chính trị đúng là ngọn đuốc soi sáng cho báo chí cách mạng thực hiện được sứ mệnh cao cả của mình. Không thể có báo chí đứng ngoài chính trị, phi chính trị.Đường lối chính trị đúng là điểm gốc của mọi hoạt động của báo chí cách mạng.Với quan điểm đó, câu hỏi “Viết cho ai?” luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhà cách mạng, nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh. Cùng với câu hỏi “Viết cho ai?” còn là câu hỏi “Viết để làm gì?” và “Viết như thế nào?”.Ba câu hỏi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp báo chí của Người, trở thành tư tưởng nhất quán và hành đối với đội ngũ nhà báo hiện nay. Gia tài báo chí Người để lại cho dân tộc ta đều thể hiện tư tưởng cách mạng, yêu nước, thương dân và đạo đức cao cả, với ngôn ngữ giản dị, bình dân, phong cách viết đa dạng và hấp dẫn, có sức lay động trái tim và khối óc của hàng triệu người trong nước và trên thế giới, thôi thúc họ đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc và hướng tới những giá trị cao đẹp “chân - thiện - mỹ”.Đúng như một nhà sử học người Pháp đã bày tỏ: “ Nếu Nguyễn Ái Quốc không phải bận việc lớn là lãnh đạo Cách mạng Việt Nam mà chuyên tâm theo con đường cầm bút thì chắc chắn ông đã là một trong những nhà văn lớn nhất thế giới thế kỷ 20”. Đó chính là hình mẫu, biểu tượng sống, tấm gương sáng để mọi nhà báo hôm nay mai sau học tập và noi theo. Viết báo theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là viết một cách dung dị, dễ hiểu, đề cập đến những vấn đề cụ thể, thiết thực của cuộc sống, của đất nước bằng ngôn ngữ Việt trong sáng và tinh tế nhất. Làm báo theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thực hiện nhiệm vụ của một người chiến sĩ cách mạng, là tu dưỡng, rèn luyện tính chiến đấu, thái độ trung thực, tấm lòng trong sáng, vì dân, vì nước.
Bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, báo chí cách mạng tiếp tục là vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, giúp nhân dân trong và ngoài nước hiểu rõ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam; đấu tranh phản bác những thông tin một chiều, xuyên tạc, thù địch; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút sự ủng hộ và thiện cảm của bạn bè thế giới, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.Quán triệt tư tưởng phê bình, xây và chống trong phong cách báo chí Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng đã thực sự là ngọn cờ tiên phong đi đầu, biểu dương cái mới, cái tốt, những nhân tố tích cực và phê phán mạnh mẽ cái sai, cái xấu, cái cũ, những nhân tố tiêu cực… Báo chí đã đi sâu vào thực tế, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát hiện những điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng làm tổn hại đến lợi ích chân chính của dân tộc, phanh phui các vụ, việc tiêu cực, tình trạng lãng phí, tham nhũng, lạm quyền.
Bác đã đi xa nhưng tấm gương của Người, những lời chỉ bảo, những tư tưởng, những bài báo của Người vẫn còn sống mãi với nhân dân Việt Nam nói chung, đối với những người làm báo nói riêng. Noi gương Người, những người làm báo hôm nay và mai sau sẽ luôn sống và viết báo theo phong cách của Bác, sẽ luôn làm tốt theo những điều Bác dặn để công tác báo chí luôn giữ một vị trí quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, nhân dân ta. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, mỗi nhà báo cách mạng luôn nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, đối tượng của báo chí đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhà báo được xã hội tin cẩn, được mệnh danh là người đại diện cho công bằng, lẽ phải, là tai mắt của nhân dân, là người có trọng trách thông tin định hướng dư luận, khơi chiều suy nghĩ và hành động cho công chúng… thì càng phải rèn tâm, luyện đức, phải lấy cái đức làm gốc của nghề nghiệp, tâm phải cao, đức phải sáng“Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc” soi sáng trong từng tác phẩm báo chí. Mỗi người cầm bút luôn coi mỗi tác phẩm báo chí cách mạng Việt Nam là vũ khí chính trị, tư tưởng sắc bén của giai cấp công nhân và đông đảo nhân dân lao động Việt Nam, phản ánh trung thực hơi thở cuộc sống, góp tiếng nói không nhỏ cùng dân tộc thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb CTQH, H.2011, tr.540
Trung tá, ThS Vũ Hải Thanh - Học viện chính trị, Bộ Quốc phòng