Từ khóa: Bộ đội, Hải quân, Hồ Chí Minh, Nhân dân, Việt Nam
Nội dung
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người là biểu tượng của ý chí kiên cường, trí tuệ uyên thâm và lòng yêu nước cháy bỏng, là hiện thân của một tấm lòng nhân ái, luôn đau đáu quan tâm đến đời sống và sự nghiệp của lực lượng quân đội. Trong đó, bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam là lực lượng mà Người đặc biệt yêu mến và đặt nhiều kỳ vọng. Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ đội Hải quân không chỉ được thể hiện qua những chuyến thăm, những lời căn dặn mà còn qua những chính sách, quyết sách lớn lao mang tầm chiến lược.
1. Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng Hải quân
Quân đội là trụ cột vững chắc của quốc gia, giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời góp phần duy trì hòa bình, ổn định xã hội và phát triển đất nước. Nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của quân đội, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự ra đời của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào ngày 22 tháng 12 năm 1944, với sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân[1]. Từ những ngày đầu với lực lượng nhỏ bé[2] nhưng đầy nhiệt huyết, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát triển thành một lực lượng cách mạng lớn mạnh, gắn liền với sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc và phục vụ Nhân dân. Có thể nói, trong bối cảnh đất nước đang trong cảnh "nước sôi, lửa bỏng", đời sống nhân dân vô cùng cơ cực, lầm than dưới ách thực dân phong kiến, việc tìm ra đường lối cứu nước theo con đường cách mạng vô sản, nhất là việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (sau này là quân đội nhân dân Việt Nam) đã cho thấy nhãn quan chính trị sâu sắc, tầm nhìn chiến lược, tư duy độc lập vạch ra sách lược đúng đắn của Nguyễn Ái Quốc để tiến tới giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho nhân dân và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Người nhận định: "Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam"[3]. Ngày 19 tháng 12 năm 1947, kỷ niệm ngày thành lập Giải phóng quân Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định lại chính sách đúng đắn khi thành lập lực lượng quân đội: "chính sách của chúng ta rất đúng, chính sách đúng là vì ta dựa theo cái chân lý giản đơn và thiết thực này: Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự. Muốn có lực lượng thì phải có tổ chức. Muốn tổ chức thành công thì phải có kế hoạch, có quyết tâm"[4]. Ngay trong khoảng thời gian từ 1947-1948, Hồ Chí Minh đã biên dịch và biên soạn cuốn sách Cách huấn luyện cán bộ quân sự của Khổng Minh nhằm phục vụ công tác huấn luyện cán bộ quân sự những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp: "Cách đánh thủy chiến: Thuyền bè phải nhẹ nhàng, binh sĩ phải biết bơi, dùng nhiều cờ xí để lừa địch, bắn vào chỗ hiểm của địch, dùng khí giới ngắn mà xông vào, từ dòng nước mà đánh xuống"[5].
Với tầm nhìn chiến lược, Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng quân đội không chỉ là công cụ quân sự, mà còn là đội quân chính trị, luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên hàng đầu. Trong Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng quân đội ta 20 tuổi ngày 22-12-1964, đăng trên Báo Nhân dân, số 3919, ngày 23-12-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành lời khen tặng quân đội nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"[6]. Đây cũng chính là truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, là chuẩn mực của Bộ đội Cụ Hồ, đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam trong suốt hành trình lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò quan trọng của quân đội không chỉ trong thời chiến mà cả trong thời bình, coi đây là lực lượng nòng cốt, chủ lực để bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc và đồng hành cùng Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Người đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó mật thiết, máu thịt giữa quân đội và Nhân dân, ví như "cá với nước" - "Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau"[7], bởi chính sự đoàn kết thống nhất này là nguồn sức mạnh vô song để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thử thách, làm nên những thắng lợi vẻ vang và giữ vững hòa bình, ổn định của Tổ quốc. Người từng dạy: "Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ"[8], càng cho thấy mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân đội và Nhân dân. Trong buổi Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đại đoàn quân tiên phong tại Đền Hùng (Phú Thọ) ngày 19-9-1954, với tình cảm sâu sắc, Bác Hồ đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ bộ đội ta rất nhiều việc cần phải làm, cuối cùng Bác nhắc lại công lao to lớn của các vua Hùng và nhiệm vụ quan trọng của quân đội bằng những vần thơ sâu sắc và ý nghĩa:
"Các vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"[9].
Lời dạy của Bác Hồ không chỉ là mệnh lệnh, mà còn là lời nhắn nhủ, gửi gắm trách nhiệm to lớn cho Bộ đội Việt Nam trong mọi thời kỳ, sự khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ. Với tinh thần ấy, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trong đó, lực lượng quân đội Hải quân Việt Nam đã phát huy tinh thần anh hùng, bất khuất, kiên trung, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân làm cho bản chất và truyền thống cách mạng của Quân đội Việt Nam nói chung, quân đội Hải quân nhân dân nói riêng càng thêm sâu sắc. Do vậy, phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" ngày càng tỏa sáng, giúp Quân đội ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với khát vọng về một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh: "Nhưng trời Việt Nam, đất Việt Nam, Điện Biên Phủ Việt Nam, núi rừng và sông biển Việt Nam muôn đời vẫn là của nhân dân Việt Nam. Các người quyết không thể vơ đi được!"[10]; "Rừng vàng, biển bạc là của ta, do nhân dân ta làm chủ"[11]. Câu nói này không chỉ khẳng định chủ quyền của Việt Nam, địa vị làm chủ của Nhân dân, mà còn khẳng định tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển kinh tế, quốc phòng, đồng thời nhắc nhở mọi người về trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ biển đảo quê hương, Tổ quốc. Năm 1954, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Việt Nam tạm thời chia cắt thành hai miền Bắc - Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai. Trước bối cảnh và yêu cầu mới của cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy cần phải xây dựng một lực lượng hải quân chính quy, trở thành nòng cốt cho cuộc chiến tranh nhân dân trên biển, đồng thời là lực lượng, tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngày 07-5-1955, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể trực thuộc Bộ với nhiệm vụ: "giúp Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển; đào tạo cán bộ, nhân viên, thủy thủ; sản xuất các dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội phòng thủ bờ biển rồi chuyển giao cho các liên khu (sau này gọi là quân khu)"[12]. Như vậy, ngày 07-5-1955, Cục Phòng thủ bờ bể, tiền thân của Quân chủng Hải quân, bộ phận hợp thành quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công oanh liệt trở thành huyền thoại (Hải quân Nhân dân Việt Nam cùng nhân dân đánh bại cuộc phong tỏa bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ; bằng chiến công vang dội của mình đã lập nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, vận chuyển vũ khí và con người chi viện cho chiến trường Việt Nam…), được coi như những kỳ công chiến lược của Hải quân ta, của quân đội ta, của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Vì vậy, Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nên truyền thống vẻ vang "Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng".
2. Tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho lực lượng Hải quân
Với tầm nhìn chiến lược sâu sắc, Hồ Chí Minh sớm nhận thấy vai trò quan trọng của việc xây dựng, phát triển lực lượng Hải quân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và hỗ trợ miền Nam thông qua tuyến vận tải biển trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ngay từ những ngày đầu xây dựng lực lượng Hải quân theo hướng chính quy, hiện đại, dù bận rộn với nhiều công việc trọng đại của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian viết thư thăm hỏi, động viên, đến thăm hỏi trực tiếp và chỉ đạo công tác xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Trong buổi Nói chuyện với các đơn vị quân đội tại quân khu bộ quân khu 4, ngày 15-6-1957, Hồ Chí Minh đã khen ngợi bộ đội ta: "Các cô, các chú đã cố gắng bảo vệ mặt biển, biên giới của Tổ quốc, cùng nhân dân giữ gìn an ninh trật tự, đó là một thành tích đáng khen"[13].
Tình cảm của Bác dành cho bộ đội Hải quân được thể hiện rõ nét qua những lần Người trực tiếp đến thăm các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Hải quân. Sự kiện đáng nhớ là chuyến thăm Trường huấn luyện Hải quân, một số hòn đảo ở Quảng Ninh, Hải Phòng vào ngày 30[14], 31[15] tháng 3 năm 1959[16]. Người luôn giản dị, mộc mạc, gần gũi nhưng luôn ân cần, chăm lo, quan tâm sâu sắc đến từng cán bộ, chiến sĩ Hải quân: "Người xẻ cơm nếp và thịt rang mang từ Hà Nội xuống cho các đồng chí làm nhiệm vụ dưới tàu"[17]; "Biết bộ đội trên đảo thiếu nước ngọt và sách báo, Người bảo đồng chí cán bộ Tổng cục Hậu cần đi theo phải nghiên cứu, đảm bảo sao cho mỗi tuần anh em có thể tắm hai lần bằng nước ngọt và hứa sẽ gửi tặng cán bộ chiến sĩ trên đảo một chiếc máy thu thanh"[18]. Bên cạnh sự quan tâm ngay từ những hành động, cử chỉ rất nhỏ nhưng chứa đựng tình yêu bao la, rộng lớn và cũng không thể thiếu những lời căn dặn, chỉ bảo ân cần, gửi gắm những trách nhiệm to lớn của Người cho lực lượng Hải quân đó là cần phải nỗ lực học tập, phấn đấu không ngừng, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị để lo cho dân, cho nước. "Rót nước và chia kẹo cho từng cán bộ, chiến sĩ, Người nhắc nhở các thủy thủ, đã có tàu phải chịu khó học tập kỹ thuật để sử dụng tàu cho tốt, chiến đấu cho giỏi"[19]; "Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, Người căn dặn phải cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, an tâm với nhiệm vụ, tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, tăng gia sản xuất để cải thiện sinh hoạt, đời sống"[20]. Đặc biệt, Người đi thăm nơi ăn chốn ở và căn dặn, mong muốn giáo viên, học viên của Trường huấn luyện Hải quân phấn đấu không ngừng để tiến bộ, xây dựng lực lượng Hải quân trưởng thành: "17 giờ 30, Người tới thăm Trường huấn luyện Hải quân. Sau khi đi thăm nơi làm việc, nhà nghỉ, nhà bếp, sân tập, Người nói chuyện với giáo viên, học viên nhà trường và căn dặn: "Phải học tập phấn đấu không ngừng để bản thân tiến bộ và xây dựng hải quân mau chóng trưởng thành""[21]. Trong chuyến thăm này, Người đã trực tiếp trò chuyện, động viên nhân dân, cán bộ, chiến sĩ và bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ biển đảo, chủ quyền lãnh thổ của lực lượng Hải quân. Những lời nói này của Người không chỉ mang tính chỉ đạo mà còn thể hiện sự yêu thương, kỳ vọng lớn lao đối với lực lượng Hải quân. Người luôn khuyến khích các chiến sĩ Hải quân phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết để vượt qua khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Tiếp đó, tháng 3-1961[22], Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm bộ đội Hải quân[23]. Tại đây, Người đã chỉ ra những định hướng chiến lược sáng suốt cho lực lượng Hải quân: "Gặp gỡ các cán bộ và chiến sĩ hải quân, Người căn dặn: "Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên"..."[24]. Lời căn dặn của Người là kim chỉ nam chiến lược, định hướng sáng suốt cho quá trình xây dựng Hải quân Việt Nam theo hướng chính quy, tinh nhuệ, chuyên nghiệp, luôn sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, điều kiện. Trong hành trình tiến lên hiện đại, Hải quân ta không chỉ tiếp thu những tinh hoa quân sự tiên tiến mà còn phải kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc oai hùng của cha ông, linh hoạt vận dụng cách đánh phù hợp với con người, vũ khí và điều kiện thực tiễn của mình. Điều này càng cho thấy, sự khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, thấy được tầm nhìn chiến lược, sách lược mà Hồ Chí Minh vạch ra về xây dựng lực lượng Hải quân trong điều kiện đất nước còn khó khăn và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt.
Ngày 13-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh. Người căn dặn các chiến sĩ: "Là chiến sĩ hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước"[25]. Hồ Chí Minh căn dặn mỗi chiến sĩ Hải quân không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc mà còn phải xem đảo như chính ngôi nhà của mình - gắn bó, yêu thương và không ngừng vun đắp, phát triển. Lời căn dặn của Người vừa là nguồn động viên, cổ vũ lòng yêu nước, yêu quê hương của các chiến sĩ, vừa thể hiện quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, gìn giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 07-8-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu tại Buổi lễ tuyên dương các đơn vị phòng không và hải quân, do Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức nhằm tuyên dương các đơn vị phòng không và hải quân đã chiến đấu kiên cường và chiến thắng giặc Mỹ trên bầu trời miền Bắc, nối tiếp truyền thống "đã ra quân là lập chiến công" của quân đội ta. Người khen ngợi các chiến sĩ đã lập chiến công: "Bác rất vui mừng thay mặt Đảng và Chính phủ đến khen ngợi các chú đã lập được thành tích lớn trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ vừa qua. Các chú đã chiến đấu rất dũng cảm, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay Mỹ và bắn hỏng 3 chiếc, vừa rồi lại nghe tin 4 chiếc máy bay Mỹ đến Biên Hòa bị hỏng. Các chú đã bắt sống phi công Mỹ, đánh đuổi tàu chiến Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Như vậy là rất tốt"[26]. Đồng thời, Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ không được chủ quan khinh địch, tự mãn vì chiến thắng và phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng cho mọi tình huống: "Các chú đã thu được thắng lợi vẻ vang nhưng chớ vì thắng lợi mà tự mãn, chủ quan khinh địch"[27]; "Các chú phải tiếp tục đẩy mạnh mọi mặt công tác và luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc"[28].
Ngày 7-8-1965 ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và phát biểu tại Đại hội thi đua "quyết tâm đánh thắng giặc mỹ xâm lược" của các lực lượng vũ trang nhân dân[29] (bài phát biểu được đăng trên Báo Nhân dân, số 4146, ngày 10-8-1965). Người đã khen quá trình huấn luyện, chiến đấu của lực lượng Hải quân - một trong ba đơn vị và một địa phương gương mẫu nhất: "Phân đội 7 hải quân huấn luyện tốt, chiến đấu giỏi, bắn rơi máy bay và bắn cháy tàu biệt kích của địch"[30].
Nhân dịp Hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên gửi cán bộ và chiến sĩ Hải quân đăng trên báo Nhân dân số 4147, ngày 11-8-1965. Trong thư, Người khen ngợi thành tích của Hải quân: "Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, Nhân dịp hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Bác rất vui lòng khen ngợi thành tích vẻ vang về xây dựng và chiến đấu của các chú. Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta"[31].
Bên cạnh việc động viên, khen ngợi kịp thời những thành tích nổi bật của quân đội hải quân, Hồ Chí Minh luôn bao dung, ân cần nhắc nhở những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại trong quân đội: Bây giờ Bác nói đến khuyết điểm: 1. Tinh thần cảnh giác chưa đầy đủ. 2. Có một số cán bộ, chiến sĩ có óc công thần, cho ta đây có thành tích, lâu năm, cho ta là trời, sa xuống cái hố cá nhân chủ nghĩa, suy bì đãi ngộ, quên rằng mọi cán bộ, mọi chiến sĩ Quân đội nhân dân phải hết lòng phục vụ, không nên một nửa thì phục vụ, một nửa thì suy bì ghen tỵ. 3. Ý thức lao động chưa đầy đủ. Phải biết rằng lao động là vẻ vang. Lao động trí óc là vẻ vang, lao động chân tay càng vẻ vang… 4. Phải biết chế độ ta, Nhà nước ta, quân đội ta phải có kỷ luật nghiêm minh, tổ chức chặt chẽ. Có một số các cô, các chú chưa có ý thức kỷ luật và tổ chức đầy đủ, như được đi phép ba ngày thì kéo bốn ngày"[32]; "Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà"[33].
Như vậy, tình cảm, tình yêu thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho quân đội Hải quân nhân dân không chỉ dừng lại ở lời thăm hỏi động viên, khen ngợi kịp thời, mà còn được thể hiện ngay cả trong những khuyết điểm, hạn chế. Trong mỗi chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội Hải quân. Người tỉ mỉ hỏi han về chế độ ăn uống, điều kiện sinh hoạt và công tác huấn luyện, mong muốn các chiến sĩ luôn có đủ sức khỏe và tinh thần tốt để hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Người nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa, chính trị và đời sống tinh thần trong quân đội, khuyến khích các chiến sĩ không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, rèn luyện phẩm chất đạo đức và tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh nhằm thắt chặt tình đoàn kết, nâng cao ý chí chiến đấu.
Kết luận
Hồ Chí Minh không chỉ là người thầy lớn trong lĩnh vực quân sự mà còn là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống giản dị. Người luôn dặn dò cán bộ, chiến sĩ phải giữ vững phẩm chất đạo đức, coi việc phục vụ Tổ quốc là một sứ mệnh cao cả. Tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam là một minh chứng sống động cho tầm nhìn chiến lược, lòng nhân ái và sự quan tâm sâu sắc của Người đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam kế thừa di sản quý báu từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, sẽ mãi là niềm tự hào và lá chắn thép nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc biển đảo quê hương. Khắc sâu tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ Hải quân không ngừng phát huy truyền thống, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống vẻ vang: "Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng".
TS. Đinh Quang Thành
Phó TBT Tạp chí Lý luận chính trị,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo
- 1. Bộ Tư lệnh Hải quân (2015), Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội.
- 2. Nguyễn Hương Giang (2021), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hải quân Nhân dân Việt Nam và tuyến chi viện chiến lược trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 21/10/2021, https://baotanghochiminh.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-va-tuyen-chi-vien-chien-luoc-tren-bien-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc.htm.
- 3. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 3, 5, 6, 7, 9, 10, 14.
- 4. Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 7, 8
- ----------------------------------------------------
Theo Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: Tháng 12-1944, trên cơ sở lực lượng chính trị của cách mạng đã phát triển mạnh và lực lượng vũ trang nhân dân đang hình thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Nguyên Bình, Cao Bằng (nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng). Xem Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 3, tr. 539. ↑
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, được thành lập tại một khu rừng nằm giữa tổng Trần Hưng Đạo và tổng Hoàng Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, nay thuộc xã Cẩm Lý, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Xem Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr. 717. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 3, tr. 539-540. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr. 370. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 5, tr. 701. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr. 435. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr. 435. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 6, tr. 264. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 9, tr. 59. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 9, tr. 490. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 9, tr. 504. ↑
Dẫn theo Nguyễn Hương Giang (2021), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hải quân Nhân dân Việt Nam và tuyến chi viện chiến lược trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 21/10/2021, https://baotanghochiminh.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-va-tuyen-chi-vien-chien-luoc-tren-bien-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc.htm. (Xem Bộ Tư lệnh Hải quân (2015), Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr.36). ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 10, tr. 628. ↑
Tháng 3, ngày 30. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Quảng Ninh và một số đảo trong Vịnh Hạ Long. 8 giờ 20, Chủ tịch đến Trường huấn luyện Hải quân. 9 giờ, Người xuống tàu T.524 đi kiểm tra vùng đảo. 12 giờ, Người yêu cầu tàu leo tại chân một hòn đảo để lên bờ nghỉ ăn trưa. (Xem Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 7, tr. 200). ↑
Tháng 3, ngày 31. 8 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến cảng Hải quân Bãi Cháy và lên tàu T.554 đi thăm trận địa pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng. (Xem Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 7, tr. 200). ↑
Cùng đi với Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ Hải quân còn có đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tổng thanh tra Ban Thanh tra của Chính phủ; đồng chí Nguyễn Khai, Bí thư Khu uỷ tả ngạn, đồng chí Vũ Kỳ, Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch, thư ký của Người và bác sĩ Nhữ Thế Bảo… Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ và bảo quản 24 phim âm bản và ảnh gốc về sự kiện này. Đồng chí Đinh Đăng Định, nhiếp ảnh Phủ Chủ tịch đã ghi lại các hình ảnh trong chuyến đi: các chiến sĩ Hải quân vui mừng chào đón người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Việt Nam đến thăm, Người ân cần nói chuyện, thăm hỏi và chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ. (Xem Nguyễn Hương Giang (2021), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hải quân Nhân dân Việt Nam và tuyến chi viện chiến lược trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 21/10/2021, https://baotanghochiminh.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-va-tuyen-chi-vien-chien-luoc-tren-bien-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc.htm). ↑
Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 7, tr. 200. ↑
Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 7, tr. 202. ↑
Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 7, tr. 201. ↑
Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 7, tr. 202. ↑
Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 7, tr. 202. ↑
Tháng 3, ngày 16. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bà Đặng Dĩnh Siêu đi thăm Hải Phòng, Vịnh Hạ Long và một đơn vị hải quân Việt Nam. (Xem Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 8, tr. 36). ↑
Sự kiện gồm 13 phim âm bản và ảnh gốc do nhà nhiếp ảnh Phủ Chủ tịch Đinh Đăng Định chụp hiện đang được bảo quản và lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Xem Nguyễn Hương Giang (2021), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hải quân Nhân dân Việt Nam và tuyến chi viện chiến lược trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 21/10/2021, https://baotanghochiminh.vn/chu-tich-ho-chi-minh-voi-hai-quan-nhan-dan-viet-nam-va-tuyen-chi-vien-chien-luoc-tren-bien-trong-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc.htm). ↑
Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 8, tr. 36. ↑
Hồ Chí Minh (2016), Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 8, tr. 241. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr. 366. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr. 366. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr. 367. ↑
Đây là đại hội đầu tiên của các đơn vị anh hùng chống Mỹ, cứu nước. Tại Đại hội này có 367 đơn vị quân đội, công an vũ trang và dân quân tự vệ toàn miền Bắc được tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr. 594. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr. 597. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 10, tr. 628-629. ↑
Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 14, tr. 597. ↑