TNV – Ngày 15/8, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức Toạ đàm góp ý dự án Luật các tổ chức kinh tế hợp tác, nhằm phát huy giá trị tốt đẹp của hợp tác xã và tạo nên hành lang pháp lý thông thoáng cho loại hình kinh tế tập thể, nhất là đơn vị có nhiều đặc thù như Saigon Co.op.
Đến dự buổi Tọa đàm có các đại biểu: Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (HTX) Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Văn Thanh; Trưởng Phòng Chính sách và hợp tác quốc tế, Cục Phát triển HTX Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Xuân Quỳnh; Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng; đại diện Liên minh HTX, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh; Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Thị Nghĩa; nguyên Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thị Hạnh; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Vũ Anh Khoa; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Ủy viên HĐQT Saigon Co.op Quách Cường; Phó Bí thư Đảng ủy, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức; Ban Chấp hành Đảng bộ, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban Tổng Giám đốc, đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và các HTX thành viên của Saigon Co.op.
Mở đầu buổi Tọa đàm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Vũ Anh Khoa nhận định, Saigon Co.op được thành lập từ năm 1989, trước khi có Luật HTX đầu tiên (1996); vì vậy, trong thực tiễn hoạt động, Saigon Co.op có nhiều yếu tố đặc thù mang tính lịch sử, hiện đang gặp bất cập so với các quy định của Luật HTX. Do đó, Saigon Co.op rất quan tâm, tích cực nghiên cứu, thảo luận, góp ý cho dự án Luật các tổ chức kinh tế hợp tác; đây là buổi Tọa đàm thứ 2 được đơn vị tổ chức trong thời gian qua, ngoài ra, lãnh đạo Saigon Co.op còn tham dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật do Bộ Tư pháp tổ chức.
Trưởng Phòng Chính sách và hợp tác quốc tế, Cục Phát triển HTX Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Xuân Quỳnh giới thiệu các điểm mới trong dự thảo lần 4 dự án Luật các tổ chức kinh tế hợp tác.
Theo Trưởng Phòng Chính sách và hợp tác quốc tế, Cục Phát triển HTX Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Xuân Quỳnh cho biết, Luật các tổ chức kinh tế hợp tác nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác; thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng, phù hợp thực tiễn, tiếp thu, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, kế thừa quy định của Luật HTX 2012 còn hiệu lực, hiệu quả.
Bà Lê Thị Xuân Quỳnh cho biết thêm, ngoài thành viên chính thức của tổ chức kinh tế hợp tác, dự án Luật còn bổ sung thêm thành viên liên kết có góp vốn (tổng vốn góp của tất cả thành viên liên kết tối đa 30%) và thành viên liên kết không góp vốn.
Đối với quỹ chung không chia, được quy định trích tối thiểu 5% lợi nhuận của tổ chức kinh tế hợp tác và không được phép chia lại cho thành viên dưới mọi hình thức, trong mọi trường hợp.
Về tài sản góp vốn được chuyển nhượng cho thành viên khác và được hoàn trả khi ra khỏi tổ chức, hoặc khi tổ chức giải thể.
Dự án Luật lần này còn cho phép các tổ chức kinh tế hợp tác đăng ký bằng hình thức trực tuyến; tự quyết định con dấu, chữ ký số; tổ chức đại hội thành viên bằng trực tuyến; bỏ phiếu biểu quyết điện tử; giảm tỷ lệ thành viên tham dự đại hội thành viên; tăng cường cải cách thủ tục hành chính... nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động thuận lợi.
Phát biểu tại Tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, một số quy định của dự án Luật còn chưa phù hợp với quan điểm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức kinh tế hợp tác, nhất là các quy định về tài sản, tài chính, hay khái niệm mới về thành viên liên kết của tổ chức kinh tế hợp tác. Đặc biệt, dự thảo Luật hiện vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc đặc thù của Saigon Co.op đang còn tồn đọng trong thời gian qua.
Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm.
Chẳng hạn, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, đối với khái niệm về thành viên liên kết có góp vốn và không góp vốn, lại không có nhu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ của HTX; đồng thời, dự thảo Luật quy định, thành viên chính thức và thành viên liên kết có góp vốn được chuyển nhượng vốn góp cho nhau, thành viên liên kết có góp vốn trở thành thành viên chính thức, là những nội dung không đúng với bản chất và nguyên tắc hoạt động của HTX.
Nguyên Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Thị Hạnh nhận xét, cần cân nhắc chức năng của Liên đoàn và Liên minh HTX, nhằm tránh chồng chéo; việc cho phép chuyển nhượng vốn dễ dẫn đến hệ lụy khó kiểm soát; ngoài ra, nên bỏ quy định mua cổ phần hoặc thành lập doanh nghiệp bắt buộc phải có lãi ít nhất 2 năm liên tiếp gần nhất, vì tôn chỉ HTX luôn đóng góp cho an sinh xã hội, giả sử, Saigon Co.op khi mở các điểm bán để phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, phải chấp nhận lỗ nhiều năm; về nhân sự HĐQT nên mở rộng đối với các cán bộ đủ năng lực được tăng cường từ các tổ chức chính trị hoặc được bầu chọn từ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị; đặc biệt, dự án Luật cần bổ sung vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng như Điều 4 Hiến pháp Việt Nam đã quy định.
Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng phát biểu chỉ đạo.
Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Phạm Trung Kiên kiến nghị, cần xem xét, bổ sung thêm nội dung “vốn đăng ký” trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức kinh tế hợp tác, vì vốn điều lệ (được góp từ các HTX thành viên) thường rất thấp. Chẳng hạn, Saigon Co.op có vốn góp từ các HTX thành viên chỉ khoảng 20 tỷ đồng, trong khi, tổng tài sản của đơn vị hơn 20.000 tỷ đồng; ngoài ra, cần nâng mức tỷ lệ trích lập quỹ chung không chia từ lợi nhuận của HTX, Liên hiệp HTX, Liên đoàn HTX tương ứng là 10%, 20%, 25% hoặc cao hơn, nhằm thể hiện rõ bản chất của loại hình tổ chức kinh tế hợp tác; mặt khác, không nên sử dụng quỹ chung không chia để xử lý giảm lỗ, vì làm cho nguồn quỹ chung không chia bị giảm dần, thậm chí mất đi; bên cạnh đó, cần có các cơ chế cởi mở, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong việc huy động vốn đầu tư phát triển và các hình thức huy động vốn như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án… trên cơ sở quy mô hoạt động, tổng giá trị tài sản của tổ chức kinh tế hợp tác.
Tổng Giám đốc Saigon Co.op Nguyễn Anh Đức kiến nghị, nên trả lại khái niệm “vốn đăng ký” như trước đây, bằng cách điều chỉnh tác vụ trên cổng thông tin đăng ký; ngoài ra, không nên chứng khoán hoá việc sở hữu tài sản của tổ chức kinh tế hợp tác, nhằm giữ vững bản chất kinh tế tập thể; đặc biệt, đối với những đặc thù ngoại lệ của Saigon Co.op, nếu không điều chỉnh được trong Luật, các cơ quan chức năng cần đưa vào những thông tư và hướng dẫn thực hiện Luật, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị góp phần thực hiện thành công chỉ tiêu đến năm 2045, Việt Nam có 03 HTX nằm trong 300 HTX lớn nhất toàn cầu, được xác định tại Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển HTX Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Văn Thanh chia sẻ tại buổi Tọa đàm do Saigon Co.op tổ chức..
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng đề nghị, Saigon Co.op cần nhanh chóng hoàn thiện báo cáo Tọa đàm gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố để tổng hợp và kịp cho ý kiến trong phiên họp vào tháng 10 năm nay; ngoài ra, tại kỳ họp Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố sắp tới, đồng chí Bí thư Đảng ủy nên phát biểu bổ sung những đặc thù mang tính lịch sử của Saigon Co.op vào dự thảo Báo cáo kết quả thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù ở Thành phố, nhằm kiến nghị Trung ương cho thực hiện trước.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển HTX Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Văn Thanh chia sẻ, tổ chức Liên đoàn HTX phát triển rất mạnh tại một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản…; riêng đối với những kiến nghị của Saigon Co.op tại buổi Tọa đàm, Ban soạn thảo dự án Luật sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét để điều chỉnh, nhất là về khái niệm thành viên liên kết, việc chuyển nhượng vốn, các quy định đối với quỹ chung không chia… nhằm tránh làm mất bản chất của HTX.
Phát biểu đúc kết buổi Tọa đàm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op Vũ Anh Khoa nhận định, việc điều chỉnh dự án Luật là rất quan trọng, mang tính sống còn đối với các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là Saigon Co.op, đang đi trước quá xa so với Luật; trên thực tế, nhiều nội dung quy định tại Luật HTX 2012, đơn vị không thực hiện được, do có độ chênh rất lớn giữa thực tiễn và pháp luật.
Ông Vũ Anh Khoa kiến nghị: “Rất mong Quốc hội sẽ điều chỉnh Luật HTX theo hướng tạo cơ chế tốt nhất và cho thấy rõ sự ưu việt của kinh tế tập thể so với các loại hình doanh nghiệp khác; nhằm khuyến khích nhiều thành phần cùng tham gia vào mô hình HTX và tạo điều kiện cho các đơn vị đặc thù như Saigon Co.op được phát triển bền vững, đóng góp thiết thực vào sự lớn mạnh của phong trào HTX cả nước”.
Lê Thanh